Nóng bỏng dịch sốt xuất huyết
14:56', 15/7/ 2004 (GMT+7)

Năm nay, Bình Định chưa có hiện tượng bùng phát dịch SXH như các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TP. HCM hay các tỉnh lân cận (Phú Yên, Khánh Hòa). Tuy nhiên rải rác tại một số địa bàn, trong đó tập trung chủ yếu tại 3 xã Tây Phú, Bình Tường (Tây Sơn) và Mỹ Phong (Phù Mỹ) cũng đã xuất hiện dịch SXH cục bộ ở mức độ thấp.

Cháu Uyên bị sốt xuất huyết đang được mẹ chăm sóc

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Diệp - Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh) cho biết: "Từ đầu tháng 4 đến nay, số bệnh nhi SXH nhập viện không nhiều. Mỗi ngày có khoảng 1-2 ca bệnh, thường chỉ mới ở độ II chứ chưa có trường hợp nặng. Có nhiều ngày liền không có ca bệnh nào. Hiện tại, khoa có 3 cháu bị SXH đang nằm điều trị, một cháu ở phòng nhi A và 2 cháu ở phòng nhi B".

Theo thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã có 257 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 156 trường hợp so với cùng kỳ năm 2003. So với quy định của Bộ Y tế, với số lượng này chưa thể kết luận đã xảy ra dịch. Tuy nhiên điều đáng quan ngại là số bệnh nhân SXH đang ngày càng gia tăng, nhất là trong điều kiện thời tiết thất thường như hiện nay. Chỉ tính riêng tháng 6 đã có 88 trường hợp mắc SXH (gần bằng với số lượng mắc của 6 tháng đầu năm ngoái). Số bệnh nhân SXH độ III và IV (độ nặng) là 20 trường hợp chiếm tỉ lệ 8%, trẻ em dưới 15 tuổi có 77 trường hợp chiếm tỉ lệ 31,2% và đã có trường hợp một cháu bé tại thành phố Quy Nhơn bị tử vong.

Trên thực tế, nhiều người không hiểu biết hoặc hiểu rất lơ mơ về SXH. Khi được hỏi có biết gì về tình hình dịch SXH đang xảy ra hiện nay, chị Lan (phường Hải Cảng) chỉ biết đó là căn bệnh "do muỗi chích mà nên". Và khi biết rằng 3 xô chứa nước đặt phía sau nhà có thể là nơi tạo ra mầm mống của bệnh SXH, chị Lan mới tá hỏa vì lâu nay không hề để ý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao năm nay SXH lại khởi phát từ 3 xã không nằm trong danh sách xã điểm của chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống SXH.

Thạc sĩ Trần Biểu - Trưởng khoa Dịch tễ (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) - cho biết: Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, bệnh không có thuốc đặc trị mà chỉ điều trị triệu chứng nên ngành Y tế đã tập trung vào các hoạt động cộng đồng là chính. Ngành đã thường xuyên củng cố ban chỉ đạo phòng chống dịch ở các địa phương, tăng cường giám sát ổ dịch cũ, vùng trọng điểm có nguy cơ, chủ động giám sát tình hình vectơ trung gian truyền bệnh ở địa phương, diệt muỗi, bọ gậy… Tuy nhiên, cũng theo ông Biểu hiện chúng ta đang vấp phải nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch SXH.

Các biện pháp triển khai phòng, chống SXH mới được tập trung tại các xã, phường nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia. Lực lượng cộng tác viên phòng chống SXH tại các xã, phường này lại phải đảm trách một số lượng dân gấp 3-4 lần so với yêu cầu công việc, do đó, việc tuyên truyền, giám sát dịch không được chu đáo. Chỉ có 15 xã trong số 6 huyện trọng điểm thực hiện đầy đủ công tác tuyên truyền, giám sát dịch. Việc diệt muỗi, bọ gậy tại 15 xã của 6 huyện trọng điểm này trong 6 tháng đầu năm cũng chỉ có ngành y tế là vào cuộc.

Thiết nghĩ, việc phòng chống dịch không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Y tế mà thực sự đó phải là trách nhiệm của cả cộng đồng. Và để huy động được sự cộng đồng trách nhiệm này phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo từ các cấp ủy và chính quyền địa phương.

. Hiền Lê

 

SXH là bệnh do virut truyền qua trung gian là muỗi vằn đốt người vào ban ngày. SXH có 2 thể: sốt Dengue và SXH Dengue.

Các đặc điểm của sốt Dengue: sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội vùng trán, đau sau nhãn cầu, đau tăng khi cử động nhãn cầu, đau cơ và khớp, mất vị giác và ăn mất ngon, phát ban giống như sởi ở ngực và chi trên, buồn nôn và nôn.

Các đặc điểm của SXH Dengue: các triệu chứng giống như sốt Dengue, đau bụng liên tục và dữ dội, da tái, lạnh hoặc ẩm do mồ hôi, chảy máu mũi, miệng, lợi và tụ máu dưới da, thường có nôn ra máu hoặc không ra máu, khó ngủ, vật vã, kêu la liên tục, khát nước (miệng khô), mạch nhanh và yếu, khó thở, ngất. (Nguồn: Bộ Y tế)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cú nén giải cảm   (15/07/2004)
Có nên uống nước lọc tinh khiết thường xuyên?  (14/07/2004)
Sử dụng thuốc nhỏ mắt có cần theo nguyên tắc?  (14/07/2004)
Giữ gìn sắc đẹp trong những ngày hè  (13/07/2004)
Thiết bị đuổi và diệt muỗi  (13/07/2004)
Rượu có thể bảo vệ xương ở phụ nữ   (12/07/2004)
Tổng thư ký LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế chống AIDS   (12/07/2004)
Zona tai - bệnh hay phát trong mùa hè   (11/07/2004)
Chụp ảnh khi đi du lịch  (09/07/2004)
Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà   (08/07/2004)
Nhận biết nhanh trẻ sốt xuất huyết   (07/07/2004)
Sẽ tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường trong toàn tỉnh   (07/07/2004)
Dừa - không chỉ giúp giải khát...  (06/07/2004)
Tắm biển như thế nào là tốt nhất?  (05/07/2004)
Vitamin có thể làm chậm sự phát triển của virus HIV/AIDS   (05/07/2004)