Tại các khu sản xuất vật liệu xây dựng nhiều công nhân mắc các bệnh về phổi, trong đó bệnh phổi Silic và bệnh phổi bông là phổ biến. Một trong những thủ phạm gây ra các bệnh về phổi chính là bụi.
Có nhiều loại bụi rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người, gây ngộ độc từ từ khó phát hiện dẫn đến phát sinh nhiều bệnh nghề nghiệp trầm trọng. Đối tượng có nguy cơ cao là những công nhân đang làm việc trong môi trường: sản xuất gạch, gốm sứ thủy tinh, khai thác than, đá, sản xuất bột đánh bóng, các sản phẩm cao su có sử dụng bột Talc làm chất chống dính hay trong các nhà máy xi-măng, đúc thép… Người lao động hít bụi khói lâu dần vào phổi sẽ sinh bệnh, mức độ tùy thuộc vào tính chất và kích thước của bụi. Chúng ta nên biết, dưới dạng khói là vô số những hạt bụi. Với loại hạt có đường kính nhỏ hơn 0,1 micromet khi hít vào ít bị giữ lại ở phổi, nhưng nếu hít phải những hạt bụi có kích thước lớn hơn 0,1 -10 micromet, bụi sẽ lắng động sâu trong phổi, lâu dần ảnh hưởng đến phế quản và tiểu phế quản. Những hạt bụi mà đường kính lớn hơn 10 micromet sẽ gây viêm đường hô hấp trên, đặc biệt ở mũi họng, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ viêm mũi dị ứng. Về tính chất, nguy hiểm hàng đầu của bệnh bụi phổi là bụi Silic; bụi Arsen, chì, Man-gan gây ngộ độc (chủ yếu ở da, tóc, móng); bụi A-mi-ăng có chứa tác nhân gây ung thư; bụi xi măng gây kích ứng tại chỗ; bụi bông, vải, sợi gây kích ứng hô hấp, còn bụi phổi silic làm cho phổi bị xơ hóa lan tỏa, không hồi phục với những triệu chứng: khó thở, tức ngực, bệnh được phát hiện chủ yếu bằng X-quang.
Bệnh bụi phổi gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, viêm phế quản mạn, nhiễm khuẩn cấp tính phế quản phổi, những biến chứng này tăng lên khi thời gian tiếp xúc dài, nồng độ bụi càng cao, tỉ lệ Dioxid Silic tự do trong không khí càng nhiều thì bệnh càng nặng.
Ngày nay, khoa học tiến bộ đã hạn chế phần lớn sự lan tỏa bụi sản xuất ra ngoài không khí như: sử dụng hệ thống lọc bụi, điều khiển từ xa hay hệ thống khử bụi tĩnh điện trong các nhà máy xi-măng. Một số khu công nghiệp thay đổi quy trình công nghệ như làm ẩm, phun nước, che chắn hay bao kín những nơi sản xuất sinh bụi, sử dụng các vật liệu chứa ít Dioxid Silic tự do.
Để phát hiện sớm bệnh bụi phổi, người lao động ở môi trường có nguy cơ cao nên thực hiện đúng chế độ khám định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp tại cơ sở y tế. Người mắc bệnh bụi phổi phải được bố trí làm công việc khác hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bụi; không sử dụng những người bị bệnh về đường hô hấp trên, viêm phế quản, hen suyễn, lao phổi làm việc ở nơi có bụi. Ngoài ra, người lao động phải tuân thủ những quy định về bảo hộ cá nhân tại nơi làm việc, hạn chế ăn uống tại nơi sản xuất có bụi, nên tiếp xúc thường xuyên với không khí trong lành.
. Trung Tâm TTGDSK tỉnh |