Hút thuốc lá - nghèo đói và bệnh tật
10:39', 5/8/ 2004 (GMT+7)

Mỗi ngày hút 10-20 điếu thuốc, bình dân thì tốn khoảng 2.000-5.000 đồng, xịn hơn thì chừng 10.000-15.000 đồng. Nhưng hình như chẳng mấy ai hạch toán kinh tế trên từng điếu thuốc. Dân nghiện cứ sắn tiền là hút và cũng quên luôn rằng đằng sau điếu thuốc là hàng loạt nguy cơ đang rình rập...

* Thói quen khó bỏ

45 tuổi, bác Lê Văn Thạnh (Cát Nhơn, Phù Cát) mới cầm đến điếu thuốc. Bác kể: "Hồi đó, trong làng quanh đi quẩn lại đều làm nông. Mỗi lần ra đồng, lúc rảnh, cánh đàn ông lại quây chuyện rồi hút thuốc lá (TL). Thấy mọi người hút, tôi cũng thử vài lần rồi thành nghiện. Với lại, xung quanh mình người ta đều hút, mình khó cầm lòng!". Ban đầu chỉ là mua thuốc rê về quấn vài điếu thử chơi. Đến khi quen hơi, bác mua hẳn lá thuốc về xắt rồi hút. Đến nay ở vào tuổi 75, bác Thạnh đã hai lần điều trị bệnh lao phổi tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao (BVCKL) với tiền sử hút TL nhiều.

Hơn 50% bệnh nhân lao có tiền sử hút thuốc lá

Tại khoa nội II BVCKL, bác Phạm Tố (Nhơn Phúc, An Nhơn) được các bác sĩ liệt vào hàng "điếc không sợ súng". 17 tuổi bác đã hút TL thường xuyên khi tham gia vào những đêm hát hò, học võ. Đến khi làm ông giáo làng, bác vẫn giữ thói quen đốt 10-20 điếu thuốc/ngày. Các con bác thấy sức khỏe của cha mỗi ngày một kém nên xúm vào can ngăn. Nhưng mỗi lần như thế, bác lại biện bạch: "Cuộc đời tao không rượu bia, không cà phê, không cờ bạc chỉ còn TL thôi, làm sao bỏ được". Đó là khi còn tỉnh táo, chứ khi đã "say" lên rồi: "Tao làm ra tiền không tiêu thì để làm gì. Suốt ngày tao chỉ biết ăn cơm với hút thuốc thôi chứ có làm gì ai đâu", bác nói vô tư nhưng chuyện thì không đơn giản vậy. Tháng 7 vừa rồi, bác bị cơn đau tức khó thở phải đến Bệnh viện An Nhơn. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bác bị bệnh phổi. Vào BVCKL, bác sĩ kết luận bác bị viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính kèm lời cảnh báo "với căn bệnh này nếu không dừng hút thuốc thì việc điều trị rất khó". Thế nhưng, dù biết bệnh và đang nằm tại bệnh viện, bác Tố vẫn đều đều... phả khói.

* Không chỉ "mình làm mình chịu"

TL không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân mà ảnh hưởng đến cả gia đình người hút. Bác Huỳnh Thị Hương, vợ của bác Thạnh, cho biết: "Các con đều nghèo, làm ăn ở xa. Ổng bị đau nằm viện, tui phải đóng cửa, mướn người làm ruộng vườn. 6 sào ruộng, vụ Đông - Xuân mới được ăn, trừ đi các khoản chi phí cũng chỉ còn 400 kg". Nhẩm tính giá lúa hiện nay, gia đình bác thu nhập được 900.000 đồng trong 4 tháng. Nếu mỗi ngày bác Thạnh hút ít nhất 10 điếu thuốc loại Basto (một trong những loại thuốc giá rẻ hiện nay, khoảng 3.000-3.500 đồng/gói), tính ra bác phải chi 52.000 đồng/tháng cho tiền TL.

Bên cạnh đó, sự tác động của TL đối với gia đình cũng không phải là nhỏ. Bác Tố nhập viện được 11 ngày và mỗi ngày có ít nhất 2 người chăm sóc. Đã mấy ngày nay, anh Bảo, con thứ tám phải đóng cửa tiệm may, trong khi anh Cường, con trai thứ ba đang làm khoán cho Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Gia Lai cũng phải gác việc về chăm ông cụ. Quy trình làm việc bị phá vỡ, hiệu quả công tác thấp, thu nhập cá nhân ít kéo theo thu nhập của xã hội cũng giảm sút theo.

Hút TL còn là nguyên nhân của những căn bệnh hiểm nghèo. Theo bác sĩ Đỗ Phúc Thanh, Trưởng khoa nội II BVCKL, hơn 50% bệnh nhân lao nhập viện có tiền sử nghiện hút TL, trong đó tập trung vào đối tượng người lớn tuổi. Hầu hết, những người hút TL từ 50 tuổi trở lên thường mắc các chứng bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn tính, ung thư phổi… Do đó, mức chi phí điều trị bệnh cũng rất cao, đáng ngại hơn, tỉ lệ bệnh nhân bị ung thư phổi có hút TL nhiều chiếm trên 50%.

Trong khi, người dân còn thờ ơ với những tác hại của TL thì chính quyền lại chưa có biện pháp quyết liệt hạn chế người hút TL. Câu khẩu hiệu được in trên vỏ bao TL, dán nơi công cộng có rất ít ảnh hưởng đối với người hút TL. Được biết, vừa qua Chính phủ đã có kế hoạch thực hiện một lộ trình tăng thuế TL. Trước mắt, trong năm 2004 sẽ bổ sung thuế VAT vào mặt hàng này, tiến tới thực hiện việc kiểm soát và giảm mức cung cấp các sản phẩm TL.

Có thể, hút TL sinh ra bệnh tật dẫn đến giảm năng suất lao động, tăng chi phí bệnh tật, giảm chi phí cho thực phẩm, giáo dục và y tế… dẫn đến hệ quả càng nghèo đói thêm đã trở thành vòng luẩn quẩn của không ít gia đình có người nghiện thuốc lá.

. Lê Thu Hiền

 

Ở Việt Nam: Trung bình mỗi năm cả nước tốn gần 8.500 tỷ đồng (tương đương 2,4 triệu tấn gạo và đủ nuôi gần 16 triệu người/năm) cho tiêu dùng TL. Bình quân, một người hút TL tốn khoảng 700.000 đồng/năm, gấp 1,5 lần so với chi tiêu giáo dục và gấp 5 lần chi phí y tế. Theo ước tính, khoảng 7,5 triệu người Việt Nam (10% dân số hiện nay) sẽ chết sớm do các căn bệnh liên quan tới TL, trong đó có 3,5 triệu người chết ở tuổi trung niên.

Ở Bình Định: Theo số liệu điều tra của Sở Y tế 58,8% người hút TL hút trung bình 10-20 điếu/ngày; 3,2% hút trung bình trên 20 điếu/ngày. Thời gian hút thuốc trên 10 năm chiếm 67,5%.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Uống nhiều sinh tố C giảm nguy cơ phong thấp   (04/08/2004)
Tập thể dục phù hợp với vóc dáng   (03/08/2004)
Tác dụng của cà chua   (03/08/2004)
Nhiễm bệnh từ phòng làm việc   (02/08/2004)
Uống trà có thể ngăn ngừa được bệnh huyết áp cao  (02/08/2004)
Giấc ngủ, bí quyết của sắc đẹp   (01/08/2004)
Tủ lạnh là nơi có nhiều vi khuẩn nhất trong nhà   (30/07/2004)
Thiết bị điều khiển từ xa   (30/07/2004)
Sử dụng mỹ phẩm - Con dao hai lưỡi   (29/07/2004)
Bán thuốc không theo toa, từ viêm tai thành... tâm thần   (29/07/2004)
Canh lạc - dược thiện cho người sốt xuất huyết   (28/07/2004)
Giữ sắc đẹp trong môi trường điều hòa  (28/07/2004)
Gel chống AIDS làm từ nước... chanh   (27/07/2004)
Dung dịch khử mùi giày dép  (26/07/2004)
Ăn nhiều cà rốt và rau sống có thể chống ung thư   (26/07/2004)