Dân gian có câu "Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá gặm xương". Trên thực tế, có những ông bố "gà trống nuôi con" làm tròn cả hai vai vừa làm bố vừa làm mẹ, dù điều đó chẳng dễ dàng gì.
* Thay vợ làm mẹ: đâu dễ
|
Ánh mắt trẻ thơ (ảnh minh họa) |
Kể từ ngày vợ đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc cũng là ngày anh K. bắt đầu đảm nhiệm thêm nhiệm vụ "làm mẹ". Từ việc đi chợ, nấu nướng, giặt giũ đến chăm sóc hai con… anh đều phải cáng đáng vì ông bà nội, ngoại đều ở xa, không nhờ được. Những tháng đầu anh lúng túng, không biết làm sao để kết hợp giữa công việc và việc nhà cho gọn ghẽ, chu đáo. Đi chợ thì thường mua phải cá ươn, rau héo… và bị các con chê "ba nấu dở ẹc". "Hồi có bả ở nhà, mọi chuyện sao mà nó nhẹ tênh tênh. Giờ cả ngày tôi xoay trần ra làm bao nhiêu đó mà không xong. Rồi đưa đón, chỉ bảo con học hành. Mệt quá!", anh than thở. Để khắc phục tình trạng đi chợ mua rau héo, cá ươn, anh nhờ các cô lớn tuổi chỉ cho vài mẹo nhỏ để mua thực phẩm tươi ngon và nấu ăn thế nào cho vừa miệng. Phải mất đến một năm anh mới dần quen với công việc nội trợ.
Còn ông P. sau hai cuộc hôn nhân không thành công, ông đã quyết định ở vậy nuôi lấy cậu con trai trên mười tuổi. Bạn bè trêu: "Hay kiếm thêm bà nữa" thì ông le lưỡi "sợ lắm rồi". Ông làm thợ, kiếm tiền nuôi con nhưng tính ham vui, làm được đồng nào bạn bè rủ đi nhậu là ông nhận lời ngay. Thằng bé lắm hôm đi học về chẳng có cơm mà ăn vì bố bận đi nhậu. Cho đến nay, con trai ông cũng đã lớn và đỡ đần bố phần nào trong công việc nhưng sinh hoạt trong nhà thì mười năm nay vẫn theo một kiểu: chén ăn cơm để hai ngày mới rửa, cơm trong nồi mốc xanh mốc đỏ mới đem đi đổ, hai ba ngày mới đỏ lửa một lần. Món chính "thường trực" trong nhà vẫn là mì tôm, bánh hỏi. Thằng Tí, con ông, tâm sự: "Mong ổng có thêm bà nữa về lo chuyện cơm nước cho rồi. Giờ em đi làm, công việc nặng nhọc, ăn uống bữa đực bữa cái thế này không đảm bảo sức khỏe".
* Và những nỗi niềm
Anh K. gần sáu năm làm gà trống nuôi con, thấm thía: "Chẳng có cái cực nào bằng chăm con chăm cái. Luẩn quẩn với chúng, mất thời gian đến nỗi tôi phải bỏ nghề chính mà làm những công việc vặt, ít tiền nhưng có thời gian chăm sóc con nhiều hơn, nhắc nhở chúng học hành. Vì thương các con thiếu vắng mẹ nên cái gì cũng làm thay nên đứa con gái lớn của tôi quen tính ỷ lại, cái gì cũng để ba làm. Nhờ nó vá cho cái quần nó cũng chẳng biết cầm cây kim sao cho phải".
Cái khó nhất mà những người cha nuôi con thường gặp là thiếu sự dịu dàng, kiên nhẫn và tỉ mỉ của một người mẹ. "Nhiều hồi mới đi làm về mệt đứt cả hơi, đứa thì khóc, đứa đánh nhau rồi cơm nước, dọn dẹp... tưởng phát điên lên được ấy chứ. Nhưng lúc đó mà không cho con vài phát để nó im thì mới tài", một ông bố trẻ đã từng chịu cảnh nuôi con một mình tâm sự. Theo các chuyên gia tâm lý, thì những điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến tính cách của con sau này.
Theo lẽ tự nhiên, hầu hết những người đàn ông độc thân nuôi con một thời gian đều nghĩ đến việc tìm cho con mình một người mẹ mới đỡ đần họ trong việc chăm sóc con cái nhưng điều này thật không dễ dàng. Anh T. người đã lập gia đình lần hai, tâm sự: "Mới đầu mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp. Cô ấy chăm sóc và đối xử với con chồng như con mình. Nhưng đến khi chúng tôi có thêm đứa con chung thì mọi chuyện khác hẳn, cô ấy chỉ quan tâm đến đứa nhỏ và dằn hắt đứa con riêng của tôi. Chuyện xào xáo của gia đình cũng bắt đầu từ đó".
Một số ít ông bố sợ con mình phải chịu nỗi đau "dì ghẻ con chồng" đã ở vậy nuôi con đến hết đời. Ông Y. người đã ở vậy nuôi các con thành tài cho biết: "Nếu hồi xưa tôi tục huyền thì có khi các con tôi chẳng được như ngày nay. Chỉ riêng chuyện xào xáo mẹ ghẻ con chồng đã làm cho các con tôi phiền lòng, lấy đâu tâm trạng mà học hành. Tôi đã hy sinh cuộc sống riêng của mình cho các con. Giờ chúng đã thành đạt, giỏi giang và tôi mãn nguyện vì điều đó".
. Hoàng Lan |