Nếu mới uống rượu, bạn đừng dùng thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol. Rượu sẽ làm tăng tác dụng của một số men trong cơ thể. Những men này chuyển hóa thuốc thành một chất rất độc hại đối với gan.
Rượu có tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương. Do đó, trong quá trình uống thuốc điều trị bệnh, nếu bạn uống rượu, chất cồn sẽ có thể tương tác với thuốc, làm tăng hoặc giảm tác dụng, hoặc chuyển hóa thuốc thành chất độc hại.
- Thuốc hạ huyết áp: Ngay sau khi uống, rượu sẽ gây hạ huyết áp thể đứng, choáng váng và ngất xỉu. Nhưng nếu uống nhiều và đều đặn, rượu lại làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ.
- Thuốc an thần, thuốc ngủ, chống trầm cảm, giảm đau có opi, thuốc chống loạn thần, chống động kinh, kháng histamin H1: Rượu sẽ tác dụng cộng hợp, làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương của các thuốc này.
- Thuốc chống động kinh (Phenytoin), chống đông máu (Warfarin), chống tiểu đường (Tolbutamid): Rượu sẽ làm giảm 1/3-1/2 hàm lượng thuốc hấp thu vào huyết tương, từ đó giảm tác dụng, hiệu lực của thuốc.
- Aspirine: Tác dụng phối hợp giữa rượu và aspirine sẽ gây kích ứng, gây hại cho niêm mạc dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa.
- Thuốc hạ đường huyết: Rượu làm tăng tác dụng hạ đường huyết, có thể dẫn tới hôn mê. Bệnh nhân tiểu đường không phải kiêng rượu tuyệt đối, nhưng không được uống nhiều.
- Disulfiram và các chất giống disulfiram: Chất này ức chế sự oxy hóa rượu để hình thành acetaldehyt nên được dùng làm chất cai nghiện rượu với biệt dược Antabuse. Khi đã dùng thuốc, nếu uống rượu thì sau 5-10 phút sẽ cảm thấy mặt đỏ bừng bừng, nhức đầu, hạ huyết áp, đánh trống ngực, buồn nôn, rất khó chịu, gây cảm giác sợ rượu (hội chứng cai nghiện).
Hoạt chất metronidazol cũng có tác dụng disulfiram, gây tích tụ acetaldehit trong cơ thể. Do đó, khi dùng metronidazol, bệnh nhân không được uống rượu, kể cả 48 giờ sau khi ngừng thuốc.
- Thuốc chống lao (Rifampicin): Rượu sẽ làm tăng nguy cơ độc tính trên gan.
. Theo Sức Khỏe-Đời Sống |