Bệnh nghề nghiệp (BNN) được các nhà nghiên cứu liệt kê vào nhóm có khả năng gây suy giảm sức khỏe nhanh chóng. Ở Bình Định, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) ở 358 đơn vị sản xuất chỉ có 20-30% NLĐ được khám BNN.
* Sức khỏe của NLĐ bị bỏ lơ
|
Thợ đục đá granite có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi rất cao |
Năm 1997, Khu Công nghiệp Phú Tài được thành lập với sự đa dạng ngành nghề: sản xuất đá granite, chế biến hải sản, khai thác khoáng sản, chế biến lâm sản xuất khẩu, sản xuất bia… kéo theo NLĐ ngày càng đông, nhất là lực lượng lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Theo TTYTDP, trong khi lấy mẫu đo đạc 7 yếu tố độc hại của môi trường lao động như: bụi, tiếng ồn, độ rung, vi khí hậu, ánh sáng, hơi khí độc và phóng xạ thì thấy, số mẫu đạt tiêu chuẩn cho phép chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại hầu hết đều vượt tiêu chuẩn cho phép 10-70%; trong đó ô nhiễm phóng xạ vượt tiêu chuẩn cho phép 78%.
Hiện tại, có 358 cơ sở sản xuất nằm trong phạm vi đang quản lý của TTYTDP, trong đó 42 cơ sở có hơn 200 LĐ, 166 cơ sở có 51-200 NLĐ, 150 cơ sở dưới 50 LĐ. Và trên thực tế, còn khá nhiều doanh nghiệp không nằm trong sự quản lý về chăm sóc sức khỏe NLĐ của TTYTDP. Bác sĩ Trình Công Tuấn, Trưởng khoa y tế lao động cho biết, những năm qua, khối doanh nghiệp nhà nước thực hiện khá đều việc khám sức khỏe định kỳ và BNN cho NLĐ, trong khi đó, số doanh nghiệp ngoài quốc doanh "mọc" lên rất nhiều nhưng cũng chỉ khoảng 20 doanh nghiệp tự giác khám sức khỏe cho NLĐ. Có 3 BNN trung tâm có thể giám định cho NLĐ là bụi phổi silic, viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, và bệnh điếc nghề nghiệp.
Từ năm 2003 đến 6 tháng đầu năm 2004, trong số gần 6.000 lao động được khám sức khỏe thì đã có 129 người được kết luận sức khỏe loại yếu cần phải điều trị (cao huyết áp và bệnh mạn tính), 157 trường hợp được giám định mắc bệnh bụi phổi silic (chủ yếu là bụi đá granite), 4 người bị viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, và 1 người bị điếc nghề nghiệp. Như vậy, chỉ có 20-30% công nhân được khám BNN và đây mới chỉ là con số do các đơn vị sản xuất có duy trì việc khám sức khỏe và khám BNN. Đáng ngại hơn là NLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp cũng như trong các làng nghề… hầu như bị bỏ trống mà không hề nhận được sự chăm sóc y tế nào.
* Còn nhiều việc phải làm
Trong khi công nghiệp phát triển ngày càng sôi động thì công tác an toàn vệ sinh lao động lại chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho NLĐ, đặc biệt là khám phát hiện sớm BNN.
Trước đây, ngành Y tế chưa có sự phân cấp quản lý cụ thể dẫn đến việc các đơn vị tổ chức khám BNN một cách tùy tiện, mang tính hình thức và dù đã có Quyết định 2468/1999/BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 1999 nhưng mãi đến tháng 6-2003, Khoa Y tế lao động và phòng khám BNN thuộc TTYTDP mới hội đủ những điều kiện cần thiết để ra đời (đây là nơi trực tiếp chịu trách nhiệm: giám sát môi trường lao động, kiểm soát các yếu tố độc hại, các điều kiện lao động nặng nhọc độc hại; khám sức khỏe định kỳ, BNN và tham gia giám định BNN cho NLĐ), tuy nhiên, đến nay khoa này mới chỉ được trang bị có một số loại máy dùng để giám sát môi trường lao động. Còn máy phục vụ khám BNN cho NLĐ đều phải có sự hỗ trợ của Viện Pasteur Nha Trang và Viện Y học lao động&Vệ sinh môi trường. Mỗi năm, TTYTDP tổ chức 5-6 đợt khám BNN cho NLĐ, song cũng chỉ hạn chế ở 3 BNN thường gặp, trong khi Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Lao động - TB&XH lại quy định đến 21 BNN.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan vẫn còn có căn bệnh chủ quan mang tính cố hữu: vì chạy theo công việc và doanh số nên người sử dụng lao động và bản thân NLĐ chưa thật sự chú ý đến BNN. Trong khi đó, BNN vẫn rình rập hàng ngày hàng giờ để tấn công vào sức khỏe của NLĐ.
. Hiền Lê |