Hiện nay, việc ăn buffet đã không còn xa lạ đối với mọi người. Thế nhưng, hiểu buffet là gì để ăn cho đúng cách là điều không ít người băn khoăn, kể cả những người đã thấy, đã ăn.
|
Cảnh ăn sáng buffet hàng ngày tại Khách sạn Quy Nhơn |
Buffet (tự chọn) còn gọi là tiệc đứng, nghĩa là thực khách có thể đi lại, đứng ngồi tùy thích khi ăn uống. Cái lợi của tiệc buffet là có thể phục vụ cho nhiều người so với tiệc ngồi. Buffet có cái hay vì nó tạo rất nhiều cơ hội để thực khách giao tiếp với nhau, vì nhất là những buổi tiệc có tính chất xã giao. Thời gian ăn buffet có thể kéo dài là vì vậy.
Một kiểu biến tấu thú vị là buffet kinh doanh. Thay vì phải phục vụ khách hàng bằng nhiều món ăn khác nhau vừa tốn thời gian, vừa tốn nhân lực, một số nhà hàng kinh doanh theo nhiều dạng buffet trưa, buffet chiều, buffet sáng, buffet dạ tiệc. Khách chỉ cần bỏ ra một số tiền nhất định là có thể ăn-uống thỏa thích theo ý mình. Tại Bình Định hiện nay đã phổ biến 2 dạng: ăn sáng buffet và tiệc buffet.
Khi được mời ăn buffet, bạn nên nhớ hãy chỉ lấy những gì bạn ăn hết, đó là nguyên tắc cần ghi nhớ trước khi ăn buffet. Muốn vậy, bạn phải bỏ ít thời gian xem qua những món ăn đang bày trên bàn tiệc, sau đó chọn những món bạn thích, từ món khai vị đến món tráng miệng, từ mặn trước ngọt sau, từ món khô trước món nước sau, món nguội trước nóng sau để bạn lấy đúng tất cả những món mà bạn thích; cũng có thể bạn chỉ ăn những món ăn mình thích, không bị ép buộc, đó là cái hay của cách ăn tự chọn. Bạn nên tránh trường hợp "con mắt to hơn cái bụng", lấy và ăn quá nhiều một món đến no mà không có dịp thưởng thức những món ăn ngon còn lại, hay lấy quá nhiều mà không dùng hết. Điều này kỵ nhất trong bữa tiệc, nếu bạn để thừa đồ ăn trên đĩa, người khác sẽ cảm nhận ngay bạn là người chưa biết cách (sành) ăn. Ở những quốc gia có quan điểm tiết kiệm như Hàn Quốc, Nhật Bản…, nếu bạn lấy thức ăn mà ăn không hết, nhân viên nhà hàng sẽ tới nhắc nhở, thậm chí có thể họ còn khuyên bạn gói cầm về nhà, tránh thói "trưởng giả học làm sang". Chỗ đông người có người nhắc mình chuyện ăn thì ai cũng cảm thấy bất tiện! Ở nước ta, để giữ lịch sự, nhân viên nhà hàng không nói ra nhưng trong bụng không vui tí nào, vì như vậy thật là lãng phí, không tiết kiệm (ngay cả khi xét ở khía cạnh tiết kiệm của xã hội), vì đồ ăn của bạn lấy thừa thì không ai dám ăn lại được nữa.
Kế đến bạn phải chuẩn bị đĩa, muỗng, nĩa, dao, thậm chí cả đũa nếu thích ăn bằng đũa. Để tránh làm rớt dao, nĩa… bạn nên một tay cầm nĩa, muỗng, tay còn lại cầm đĩa. Khi chọn thức ăn, bạn phải đi tuần tự vì các món ăn đều được bố trí từ món khai vị đến món cuối cùng là món tráng miệng. Tránh đứng quanh một món ăn vì như thế sẽ làm xấu đi bàn tiệc và sinh ra sự lộn xộn nơi bàn bày thức ăn. Không nên ngửi thức ăn cũng như dùng nĩa, muỗng cá nhân để lấy thức ăn vì trên mỗi món ăn đều có sẵn muỗng, nĩa. Nếu không có thói quen cắt thức ăn như người châu Âu thì bạn nên cẩn thận khi cắt, trong phòng ăn đều có nhân viên phục vụ, bạn có thể nhờ, họ sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn; tránh tạo tiếng động quá lớn cũng như những sự cố "lỡ tay" thì cả nĩa, cả thức ăn sẽ văng sang người khác. Không nên ngậm nĩa, muỗng cũng như quơ dao, nĩa trước mặt người khác trong lúc ăn. Bạn phải tranh thủ lấy thức ăn để nhường chỗ cho người khác. Khi bạn đã ăn hết thức ăn trên đĩa, nếu bạn gác chéo muỗng và nĩa theo hình chữ X lên đĩa là bạn đã dùng xong món đó và người phục vụ sẽ tự động đến thu dọn, tiếp tục bạn có thể đến chọn món ăn khác.
Một "mẹo vặt" dành cho những ai lần đầu tiên di dự buffet: Hãy quan sát cách ăn của người khác rồi mới tham gia vào tiệc. Người ta chỉ chê bạn không sành ăn chứ không chê bạn ăn chậm. Nếu còn lúng túng thì bạn có thể nhờ nhân viên phục vụ hoặc người quản đốc nhà hàng chỉ dẫn và dĩ nhiên lúc nào họ cũng sẵn lòng giúp đỡ.
. Hoàng Tùng Linh |