Nhiều bậc phụ huynh yêu, chiều con thái quá, lúc nào cũng muốn "bọc" con trong "cái kén", làm thay cho con tất thảy... Họ đâu biết rằng, chính sự yêu chiều như vậy sẽ làm con hư.
* "Bao sân từ A đến Z"
Năm nay G đã là học sinh cấp 3 nhưng bạn bè hiếm khi thấy em tự đi học bằng xe đạp mà thường xuyên được ba mẹ đưa rước, mặc dù cô bé này có hẳn một chiếc xe đạp rất thời trang. "Đạp xe đến trường xa, mỏi chân để ba mẹ chở đi thích hơn" cô bé giải thích. Nhiều lần, mẹ G còn vào tận lớp học đưa đồ ăn sáng hoặc mũ, nón cho con kèm theo những lời dặn hết sức tỉ mỉ. Lớp tổ chức đi chơi, hay sinh hoạt gì mẹ G đều ngăn cản con, nếu ngăn không được, chỉ cần cháu về trễ mươi phút là mẹ G điện thoại cho cô giáo, bạn bè hỏi thăm rối rít... Cũng là phụ huynh với nhau, tôi hỏi chị: "Cháu đã lớn, sao chị không để cháu tự làm?". Chị cười, bảo: "Tính nó vậy, ỷ lại lắm, mình không chăm sóc nó không được đâu. Vả lại, để nó đi một mình, tôi cũng không an tâm, xe cộ đi ẩu lắm, lỡ có chuyện gì xảy ra thì khốn. Đưa đi đón về càng quản lý nó chặt hơn chứ sao". G là trung tâm để ý của các bạn cùng lớp bởi có lối sống quá "tiểu thư đài các", không giống ai.
Anh chị L., có hai cậu con trai. Chị buôn bán, anh là cán bộ, trong nhà không thiếu gì tiền. B là con trưởng, cháu đích tôn của cả họ nên không chỉ được ba mẹ mà cả bên nội cưng chiều. Có lẽ vậy, mà ngay từ nhỏ, B đã ý thức được vị trí quan trọng của mình trong nhà, muốn gì là phải được nấy. Cứ thế, "cậu ấm" càng lớn càng hư hỏng, đánh nhau, ăn cắp... nhà trường đuổi học mấy lần. Lẽ ra trước những hành động hư hỏng đó, anh L phải nghiêm khắc với con hơn nữa, nhưng không ít lần anh L phải dùng đến uy tín của mình để "cứu nguy" cho "cậu ấm".
* Chiều con vô lối
Không ít phụ huynh có suy nghĩ "thời mình khổ đành chịu, giờ có điều kiện phải để cho con sướng" hoặc "của cải để làm gì mà không cho con"... Bởi vậy, con muốn gì, cha mẹ không ngần ngại đáp ứng ngay, không cần biết yêu cầu đó có phù hợp và cần thiết hay không. Mua điện thoại di động, sắm xe máy đắt tiền cho con đi học không còn là chuyện hiếm tại các trường phổ thông trung học. Thậm chí có gia đình điều kiện kinh tế không khá giả cho lắm nhưng cũng bấm bụng đáp ứng mọi yêu cầu của con. Một nhân viên bán hàng tại Trung tâm Thương mại Quy Nhơn cho biết: "Có học sinh cầm cả nửa triệu bạc chỉ để mua hai bộ quần áo lót loại xịn". Trong các vụ án xử trẻ vị thành niên phạm các tội cướp giật, đánh nhau, không ít bậc phụ huynh tới tòa đã thốt lên: "Tôi đâu để con tôi thiếu thốn thứ gì mà nó phải đi cướp giật. Nó muốn gì là tôi chiều nấy mà".
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục- Lao động - Xã hội tỉnh nhận xét: "Trong số những người đến Trung tâm cai nghiện hoặc học tập có những em thuộc gia đình khá giả, cha mẹ đều là cán bộ, công chức. Gia đình ít con nên bố mẹ nuông chiều quá mức, buông lỏng quản lý dẫn đến các cháu đua đòi ăn chơi với bạn bè và bị kẻ xấu rủ rê vào con đường hút chích, mại dâm".
* Thương con thế nào cho đúng?
Lo lắng, quan tâm đến đời sống, tình cảm của con cái không chỉ là tình thương mà còn là trách nhiệm của các bậc làm cha làm mẹ. Không ít bậc cha mẹ yêu con hết mực, hy sinh tất thảy để con được sống đầy đủ về vật chất hoặc sợ con hư hỏng mà cấm đoán đủ điều, giữ gìn con như một báu vật... nhưng họ có biết đâu rằng nhiều khi chính tình yêu ấy lại đẩy con mình vào con đường tội lỗi, nghiện ngập. Bởi vậy, cần phải biết yêu con cho đúng cách. Thương con, quan tâm đến học hành, tình cảm của con là điều cần thiết nhưng không nhất thiết lúc nào cũng "úm" con quá kỹ, không cho con cái tiếp xúc với môi trường xã hội vì sợ bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu.
Giáo dục con cái cũng giống như ươm một mầm cây, nếu sống mãi trong môi trường quá thuận lợi khi ra ngoài cây sẽ bị chết dễ dàng hơn những cây đã quen chịu mưa nắng. Ngoài ra, được sống trong hoàn cảnh quá thuận lợi, dễ dàng, nếu cha mẹ không khéo dạy con sẽ biến chúng thành người ỷ lại, không có ý chí vươn lên và trở thành gánh nặng cho người khác. Người Trung Hoa xưa có cách dạy con rất hay: dù nhà giàu đến cỡ nào họ vẫn cho con cái của mình đi làm công ở chỗ khác, vừa tích lũy được kinh nghiệm sống vừa dạy con biết tiết kiệm của cải, công sức mình làm ra.
. Hoàng Lan |