Trong cơ thể, gan là một trong những cơ quan trọng yếu nhất, đặc biệt trong việc chuyển hóa, hoàn nguyên, phân giải và kết hợp thuốc. Nhờ có gan, thuốc giảm đi phần nào độc tính và những tác dụng phụ bởi gan có nhiệm vụ phân giải, hòa tan khiến cho các độc chất dễ bài tiết ra ngoài, đây chính là tác dụng chuyển hóa của gan đối với thuốc.
Khi gan làm việc nhiều, liên tục mà không được bồi bổ hay nghỉ ngơi trong một cơ thể suy nhược thì việc giải độc của gan sẽ bị giảm sút.
Sau gan là thận, chủ yếu làm nhiệm vụ bài tiết các chất cặn bã trong cơ thể dưới dạng lỏng, trước hết thuốc từ máu được lọc qua tiểu cầu thận, sau đó theo ống dẫn thận bài tiết cùng nước tiểu ra ngoài. Do đó, chức năng chính của thận là ảnh hưởng phần lớn đến sự đào thải của thuốc. Vì một lý do nào đó, khả năng lọc của tiểu cầu thận bị suy giảm, dẫn đến việc trao đổi và bài tiết thuốc giảm làm cho thuốc tồn tại trong máu với nồng độ cao hơn bình thường, có thể gây ngộ độc. Ví dụ như các loại dược phẩm trị bệnh tim, ranh giới giữa nồng độ đạt tác dụng với nồng độ có khả năng gây độc rất gần nhau, nếu thuốc không được phân giải kịp thời rất dễ tăng độc tính.
Khi gan yếu, thận suy, chức năng chuyển hóa và bài tiết kém sẽ dễ làm tăng tác dụng phụ của thuốc. Trong những trường hợp đó cần phải tuân thủ một số vấn đề sau:
1. Giảm liều lượng hay giảm số lần uống, thậm chí không sử dụng các loại thuốc phải chuyển hóa ở gan nhằm giảm bớt gánh nặng cho gan, rất thận trọng cho những bệnh nhân viêm gan mãn.
2. Lựa chọn thuốc hợp lý, nên sử dụng các loại thuốc có tác dụng kháng khuẩn nhưng ít độc tính trên thận. Không nên lạm dụng các thuốc kháng sinh. Đối với những bệnh do siêu vi trùng gây thì không nên dùng kháng sinh. Tự điều trị không đúng cách có thể gây dị ứng, tăng độc tính trên gan, thận.
Muốn cơ thể khỏe mạnh, muốn cho gan, thận hoạt động tốt, điều cần thiết là phải điều hòa cách sống bằng cách ăn uống, luyện tập đầy đủ, có phương pháp, tránh xa bia rượu, thuốc lá và càng ít phải sử dụng thuốc càng tốt.
. DS. Ngọc Hòa |