Thuốc - con dao hai lưỡi
12:25', 2/1/ 2005 (GMT+7)

Ngày nay, với sự phát triển của ngành dược học, rất nhiều loại thuốc phòng, điều trị bệnh được ra đời. Tuy nhiên, ngoài những tác dụng, thuốc còn có thể gây ra những phản ứng bất lợi không như mong muốn và người ta vẫn ví thuốc là con dao hai lưỡi! Điều đáng lo ngại là việc quản lý thuốc chưa chặt chẽ và sử dụng thuốc bừa bãi ngày càng đến mức báo động. Đã không ít người phải trả giá bằng cả sinh mạng của mình cho sự sử dụng thuốc tùy tiện.

* Báo động về tai biến và kháng thuốc

Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu phản ứng có hại của thuốc (ADR - thuộc Bộ Y tế), điều đáng báo động nhất là tai biến về thuốc xảy ra ngày một nhiều và nghiêm trọng. Theo nghiên cứu của một nhóm dược sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, từ cuối năm 1999 đến 5-2004, đã có 467 trường hợp bị phản ứng thuốc.

Trong số đó, phản ứng thuốc do dùng kháng sinh chiếm tỉ lệ cao nhất: 53,32%. Phản ứng chiếm hàng thứ 2 là nhóm hạ nhiệt giảm đau, chống viêm không Steroid với tỉ lệ trên 9%. Nhiều thuốc mà người dân tưởng chừng như "vô bổ, vô hại" như vitamin nhưng cũng có tỉ lệ phản ứng gần 2%, thuốc đông y bị phản ứng cũng chiếm tỉ lệ trên 2%.

Theo nhóm nghiên cứu, các biểu hiện lâm sàng phản ứng của thuốc ở da như nổi mề đay, hồng ban, xạm da chiếm tỉ lệ 55%. 45% còn lại có những biểu hiện phản ứng nguy hiểm nổi mề đay sốt cao, tăng bạch cầu (chiếm 11%), sốc phản vệ (chiếm 5,14%), suy gan, thận (chiếm 5,35%), teo cơ, đau đầu lú lẫn, kích thích thần kinh, hôn mê…
Có 6 bệnh nhân đã tử vong sau sốc phản vệ (chiếm tỉ lệ 1,28%). Điều đáng lưu ý là có người khi dùng thuốc xong là xuất hiện phản ứng ngay nhưng cũng có rất nhiều trường hợp sau khi dùng thuốc vài ngày, thậm chí vài tuần mới bắt đầu có dấu hiện phản ứng.

Tại các tỉnh - thành phía Nam, theo một công bố mới đây của Trung tâm ADR, mỗi năm có trên 200 bệnh nhân bị phản ứng thuốc (tỉ lệ tử vong khoảng 1%). Nhóm tuổi bị phản ứng thuốc nhiều nhất ở trong độ tuổi lao động nên ngoài tốn kém trong điều trị thì còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức sản xuất.

Theo một cán bộ Vụ Điều trị (Bộ Y tế), bên cạnh báo động về phản ứng có hại của thuốc, hiện nay ngành đang đứng trước tình trạng kháng kháng sinh (lờn kháng sinh). Theo một công trình điều tra nghiên cứu gần đây trên cả nước, nhiều loại kháng sinh như tetracilin, ampicilin… đã có tỉ lệ kháng trên 90%. Nhiều kháng sinh thế hệ 2 sử dụng trong các bệnh tai - mũi - họng cũng xuất hiện tỉ lệ kháng tới 30%. Thậm chí nhiều kháng sinh thế hệ mới cũng bắt đầu có biểu hiện không "ép phê" đối với một số bệnh nhiễm trùng.

* Bao giờ hết cảnh bán thuốc như bán... khoai lang?

Theo DS Phạm Hồng Châu (BV Bạch Mai) trên 90% bệnh nhân phản ứng thuốc là do tự dùng thuốc để điều trị. Ngoại trừ các thuốc gây nghiện, thuốc điều trị tâm thần được quản lý thì tại nhà thuốc người bệnh có thể mua bất kể thứ thuốc gì (nhiều vùng nông thôn phía Bắc, thuốc được bày bán như… hàng xén).

Một chuyên gia của Trung tâm ADR phía Nam cho biết, việc bán thuốc quá tự do như hiện nay đã làm cho tình trạng kháng kháng sinh xảy ra mãnh liệt hơn. Thay vì điều trị kháng sinh phải đủ liều trình tối thiểu từ 5 đến 7 ngày thì nhiều người thấy uống một hai ngày bệnh đã thuyên giảm nên ngưng.

Trước đây trong ngành cũng có ý kiến cho rằng tình trạng kháng kháng sinh còn do dư lượng kháng sinh trong thực phẩm như cá, thịt… rất cao. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách công bằng việc kháng kháng sinh đáng báo động như hiện nay chủ yếu vẫn do sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi.

Để tránh tình trạng này, nhiều cán bộ ngành y tế đã đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế cần phải có những quy định chặt chẽ về quy chế bán thuốc theo đơn. Nếu chưa quản lý được tất cả các loại thuốc thì trước mắt nên khẩn trương quản lý chặt về thuốc kháng sinh. Một chuyên gia về nhi khoa tỏ ra bức xúc: "Đi nhiều nước trên thế giới mới thấy mình… hổng giống ai".

Ở các nước, kháng sinh, thuốc đặc trị, người ta cũng quản lý như thuốc gây nghiện và hướng tâm thần. Còn ở ta kháng sinh được bán như bán khoai lang…! Điều làm cho nhiều người bức xúc hơn khi kiến nghị về quản lý kháng sinh bán theo đơn đã được đề nghị nhiều lần nhưng đều rơi vào im lặng. Có ý kiến từ các nhà quản lý cấp bộ cho rằng giải pháp này không khả thi vì hệ thống nhà thuốc "mênh mông thiên địa", trong khi đó lực lượng thanh tra giám sát của các địa phương còn quá mỏng.

Một số cán bộ ngành y tế cho rằng, cách trả lời này nghe chừng chưa thuyết phục. Tại sao chúng ta lại quản lý được thuốc gây nghiện và hướng tâm thần bán theo đơn mà không quản lý kháng sinh, thuốc đặc trị được?

. Theo SGGP

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phần quan trọng nhất của cơ thể   (31/12/2004)
Con hư, lỗi tại ai?  (30/12/2004)
Cây thuốc nam vào nhà dân   (30/12/2004)
Nguyên tắc khi uống thuốc viên  (30/12/2004)
Nỗi oan của 8 loại thực phẩm   (29/12/2004)
Châm cứu làm giảm nguy cơ viêm khớp   (28/12/2004)
Sành điệu  (28/12/2004)
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Nhìn từ góc độ người sản xuất   (27/12/2004)
Chữa bệnh tim bằng thịt rùa  (26/12/2004)
Uống nước khắc phục chứng tụt huyết áp khi đứng dậy  (24/12/2004)
Cà rốt chống lại bệnh tật  (23/12/2004)
Hiểm họa tiềm ẩn từ... muối ăn   (23/12/2004)
Áp lực công việc hại tim  (22/12/2004)
Dưỡng sinh tâm thể - Liều thuốc trị bách bệnh?  (21/12/2004)
Hãy cảnh giác với cảm lạnh và cúm  (21/12/2004)