Có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất (gọi tắt là sổ đỏ), người phụ nữ sẽ chủ động hơn trong cuộc sống nếu chẳng may rơi vào nghịch cảnh ly thân, ly hôn, góa bụa hay cần vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Tiếc thay cái quyền lợi thiết thân ấy, không phải phụ nữ nào cũng có được.
* Trắng tay khi rời nhà chồng
|
Mái ấm |
Chị T.T.L ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn buộc phải đứng đơn kiện cha chồng là ông V.C để đòi lại quyền lợi cho mình và các con. Nguyên nhân do trước đây, khi giao quyền sử dụng đất cho gia đình chị L (gồm 6 suất ruộng, trong đó 1 suất của chị L, 4 suất cho 4 người con của chị và 1 suất cho người mẹ chồng), chính quyền địa phương đã để cho ông C là chủ hộ đứng tên (ông C và chồng của chị là anh B do không làm nông nghiệp nên không được giao ruộng). Chuyện trở thành bi kịch khi ông C nghỉ làm nghề xe và trở về nhà giành ruộng với con dâu để sản xuất. Mới đây, mảnh đất mà ông C đứng tên lại nằm trong quy hoạch xây dựng khu tái định cư phía đông đường Võ Thị Sáu và Ban quản lý dự án đã đền bù cho gia đình ông C gần 100 triệu đồng. Ông C dưới danh nghĩa chủ hộ đã ký nhận và số tiền đó nghiễm nhiên trở thành tài sản của riêng ông. Chị L "tay trắng" nên buộc phải đi làm thuê, làm mướn để nuôi 4 con ăn học rất vất vả...
Một trường hợp khác: Nhiều năm về trước, ông C và bà T ở phường Đống Đa khi "ra riêng" được mẹ chồng cho một mảnh đất ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo. Sau nhiều năm làm ăn tích cóp, vợ chồng đã xây dựng được một ngôi nhà mới hai tầng khang trang. Nhưng rồi gia đình bà T lại "lục đục" đến mức không thể hòa giải được, phải xin ly hôn. Tuy nhiên, khi ra tòa giải quyết, ngôi nhà- tài sản chung có giá trị lớn của vợ chồng đã vuột khỏi tầm tay của bà T vì trên thực tế sổ đỏ vẫn mang tên của bà mẹ chồng. Vậy là sau 15 năm cật lực lao động, bà T đã suýt phải bước ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. May sao trong một lần soát xét các hồ sơ thuộc diện giải tỏa, đền bù, các chị ở Hội LHPN phường đã tìm được bằng chứng là lá đơn xin xây cất lại nhà ở của vợ chồng bà T gởi Sở Xây dựng có tên của cả vợ và chồng.
Theo kết quả khảo sát của một đề tài mà Hội LHPN tỉnh chủ trì, số phụ nữ đứng tên sở hữu nhà chỉ là 11,7% (đối với hộ gia đình nông dân), 23,9% (đối với hộ gia đình CNVC) và 20,3% (đối với hộ gia đình tiểu thương). Trong khi giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất chỉ có nam giới đứng tên đến 79,8%. Việc này đồng nghĩa với quyền quyết định sử dụng ruộng đất thường chỉ thuộc về nam giới. Mặt khác, trong không ít trường hợp đất đai được đưa ra làm tài sản thế chấp (ví dụ như vay vốn) thì phụ nữ không thể lấy sổ đỏ mang tên chồng để thế chấp khi chồng vắng mặt.
* Không phải của riêng ai
Luật Hôn nhân gia đình quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi tên cả vợ và chồng nếu mảnh đất đó là tài sản chung của cả hai người. Luật Đất đai sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-7-2004) cũng quy định rằng sổ đỏ phải ghi tên cả vợ lẫn chồng nếu mảnh đất đó thuộc quyền sử dụng của cả hai người. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ở đâu và bất cứ lúc nào, quyền lợi của phụ nữ trong sổ đỏ cũng được thực thi. Điều này có căn nguyên sâu xa từ tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Chỉ có người cha, người chồng hay anh em trai mới có quyền sở hữu hợp pháp đối với đất đai. Mặt khác, luật pháp đã bảo vệ phụ nữ nhưng không phải người phụ nữ nào cũng ý thức được cái quyền được có tên trong sổ đỏ của mình.
Còn chị T.T.M.T ở khu vực 7, phường Đống Đa lại cảm thấy vô cùng may mắn khi được đồng đứng tên sổ đỏ một lô đất "đền bù" thuộc Dự án đường Quy Nhơn- Nhơn Hội. Cuộc sống gia đình rạn vỡ, chị T hiện giờ đang rơi vào tình cảnh chờ ngày ra tòa giải quyết ly hôn. Gia đình nhà chồng có âm mưu chiếm đoạt hết tài sản và buộc chị phải ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Nhưng nhờ có tên trong giấy tờ sở hữu đất, chị T đã có được một nửa số tiền đền bù của lô đất để bắt đầu cuộc sống mới cho mình.
Bà Lê Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND phường Đống Đa cho biết: "Tất cả mọi trường hợp liên quan đến tài sản, đất đai, nhà ở… cán bộ phường đều tìm hiểu thật kỹ về nguồn gốc. Nếu là tài sản chung của cả hai vợ chồng thì trong mọi thủ tục đều có ghi tên cả vợ và chồng".
Chuyện được ghi tên trong sổ đỏ đối với phụ nữ tưởng chừng như một chuyện nhỏ nhưng lại có ý nghĩa xã hội lớn lao. Nó góp phần thay đổi vị thế của người phụ nữ trong xã hội. Bởi vậy, các cấp, các ngành đặc biệt là chính quyền và Hội LHPN ở địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình và các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để người phụ nữ được thực sự bình đẳng với nam giới trên mọi lĩnh vực.
. Ngọc Quỳnh |