Thực ra đây là một cách nói dân gian rất có cơ sở khoa học về phép ăn uống dưỡng sinh mà từ ngàn xưa người phương Đông đã đúc kết thành thuyết "Y thực đồng nguyên".
Ý nghĩa của thuyết này là: Nhiều loại thức ăn có thể dùng làm thuốc và nhiều loại thuốc có thể dùng làm thức ăn. Chẳng hạn các loại thức ăn như vừng, hạt sen, mật ong, long nhãn, táo, nho, muối, gừng, tỏi… đều là những vị thuốc được ghi trong cuốn sách thuốc cổ nhất có tên "Thần nông bản thảo kinh" đã xuất hiện cách đây hơn một nghìn năm.
Cơ sở của phép ăn uống chữa bệnh là học thuyết âm dương ngũ hành, học thuyết tạng tượng, học thuyết về nguyên nhân gây bệnh, học thuyết về tính vị của dược vật…
Theo các học thuyết này, có thể nêu một số ví dụ: hành, gừng, rượu, thịt dê… được qui thành thức ăn dương tính có công dụng ôn dương tán hàn; còn như bạc hà, dưa hấu, lê, ba ba… được qui thành thức ăn âm tính có tác dụng bổ âm, thanh nhiệt. Mặt khác, người ta còn phối hợp ngũ tạng có thể với ngũ hành; ngũ cốc (lúa, gạo) ngũ quả, ngũ vị (hoa quả) ngũ sắc (màu sắc) của thức ăn với ngũ hành, ngũ tạng. Ví dụ mộc nhĩ trắng bổ phế và mộc nhĩ đen bổ thận; hoặc là đường ngọt thuộc "thổ" có công dụng với tỳ, còn giấm chua thuộc "mộc" qui về gan.
Ăn gì bổ nấy chính là phép trị liệu trong ăn uống chữa bệnh, được gọi là lấy tạng bổ tạng. Theo đó thì nội tạng và các mô động vật có quan hệ bổ dưỡng đặc biệt đối với nội tạng và các mô tương ứng của con người. Chẳng hạn: tim lợn bổ tim, gân hươu bổ gân, xương hổ bổ xương…
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp thì ý kiến sau đây rất đáng được lưu tâm: Điều độ là người bạn đồng minh của sức khỏe. Có lẽ mọi thứ lạm dụng đều không tốt. Cần "nghe" mình và tự tìm cách điều chỉnh.
. Theo KH và ĐS |