Hành trình loại trừ bệnh phong: Còn nhiều thách thức
15:4', 20/1/ 2005 (GMT+7)

Trong những năm qua, công tác phòng chống bệnh phong ở Bình Định có nhiều khởi sắc. Hầu hết người mắc bệnh phong đều được điều trị khỏi. Bệnh nhân (BN) phong tàn tật độ 2 được chăm sóc tốt sau điều trị, giúp giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình. Tuy nhiên để loại trừ được bệnh phong theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là cả một hành trình đầy thách thức.

* Bệnh nhân phong còn xuất hiện dai dẳng

Y, bác sĩ Bệnh viện phong Quy Hòa chăm sóc bệnh nhân phong

Bình Định là một trong những tỉnh có tỉ lệ lưu hành bệnh phong cao trong cả nước. 5 năm qua, Chương trình phòng chống bệnh phong của tỉnh được đẩy mạnh song bệnh nhân phong vẫn xuất hiện dai dẳng. Công tác khám phát hiện bệnh nhân phong được tiến hành bằng nhiều hình thức như: phân vùng dịch tễ, khám điều tra bằng phiếu có hình ảnh, khám điều tra thông thường ở những vùng có tỉ lệ lưu hành bệnh phong cao, khám tiếp xúc tại nhà và mở rộng khu vực xung quanh nhà bệnh nhân. Trung tâm Da liễu tỉnh cùng các trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã phường đã khám điều tra 1.042.081 lượt người; 100% người tiếp xúc với bệnh nhân phong được khám ít nhất 1 lần/năm; khám ngoài da cho 258.386 lượt người và đã phát hiện 258 người mắc bệnh phong, trong đó trẻ em chiếm 5,8%, 24 bệnh nhân phong tàn tật độ 2 chiếm tỉ lệ 9,3%. Có 100% bệnh nhân phong mới phát hiện được điều trị bằng phác đồ hóa trị liệu và cấp thuốc theo dõi hàng tháng tại cộng đồng, đã có 339 bệnh nhân phong được điều trị khỏi. Năm 2004, số bệnh nhân phong phát hiện mới là 21 ca, chỉ giảm 4 ca so với năm 2003.

Căn cứ tiêu chuẩn của Bộ Y tế, để được công nhận thanh toán bệnh phong thì các tỉnh, thành phố phải đạt đủ 4 tiêu chuẩn. Đó là: tỉ lệ lưu hành dưới 0,2/10.000 dân (đạt liên tiếp trong 3 năm liền); tỉ lệ phát hiện dưới 1/100.000 dân với điều kiện các hoạt động liên quan đến phát hiện bệnh nhân phong mới như giáo dục y tế, khám tiếp xúc, khám khóm… được duy trì đều đặn và có hiệu quả; tỉ lệ tàn tật độ 2 trong số BN phong mới phát hiện dưới 15%; cán bộ y tế, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong vùng có hiểu biết và có quan niệm đúng về bệnh phong.

Theo đánh giá của Viện Da liễu trong năm 2003, Bình Định chỉ đạt 1 tiêu chuẩn đó là tỉ lệ tàn tật độ 2 trong BN phong mới dưới 15%, còn các tiêu chuẩn khác chưa đạt.

* Còn nhiều thách thức

Mặc dù số bệnh nhân phong mới có dấu hiệu giảm trong năm qua nhưng chưa bền vững do đặc điểm của bệnh phong là có thời gian ủ bệnh kéo dài và rất khó xác định, trong khi tỉ lệ khám phát hiện còn cao. Thành kiến về bệnh phong vẫn còn tồn tại trong cộng đồng dân cư do nhận thức của người dân về bệnh này còn hạn chế. Hơn thế nữa hầu hết những BN phong có cuộc sống khó khăn, buộc phải lao động nặng nên mức độ tàn tật, nhất là ở các chi càng thêm trầm trọng.

Trong 4 năm liền, tỉ lệ tàn tật độ 2 ở BN phong ở Bình Định khá thấp, tỉ lệ dưới 10%, chứng tỏ rằng bệnh nhân phong ở Bình Định được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Trong khi cả nước tỉ lệ này còn cao đến 18%, riêng khu vực miền Trung - Tây Nguyên đến 22,2%. Tuy nhiên, điều khó khăn là tình hình dịch tễ ở Bình Định khá phức tạp, tỉ lệ BN nhóm nhiều khuẩn còn trên 50% trong tổng số bệnh nhân, đây chính là nguồn lây trong cộng đồng.

* Những giải pháp cấp bách

Với mục tiêu đến năm 2007, Bình Định sẽ loại trừ bệnh phong, Sở Y tế đã mở hội nghị đẩy nhanh tốc độ loại trừ bệnh phong. Theo kế hoạch dự kiến, năm 2005 sẽ loại trừ bệnh phong tại 3 huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Nhơn; năm 2006 sẽ loại trừ ở TP Quy Nhơn và huyện Hoài Ân; năm 2007 loại trừ bệnh phong ở các huyện còn lại và quy mô toàn tỉnh. Để hoàn thành mục tiêu này, các giải pháp cụ thể đã được đặt ra là: xã hội hóa công tác phòng chống phong; tăng cường mọi nguồn lực cho các hoạt động phòng chống bệnh phong; củng cố và kiện toàn mạng lưới chống phong từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường công tác khám phát hiện bệnh nhân phong mới theo nhiều phương pháp thích hợp cho từng vùng dịch tễ; lồng ghép công tác chống phong với mạng lưới y tế đa khoa; thực hiện tốt công tác phòng chống tàn tật; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục y tế về bệnh phong bằng nhiều hình thức; huy động các nguồn kinh phí để phục vụ chương trình phòng chống bệnh phong, tranh thủ sự hợp tác của các tổ chức quốc tế…

. Thu Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
5 ích lợi của sự tha thứ   (20/01/2005)
Uống bia dễ bị bệnh gout hơn uống rượu   (19/01/2005)
Sản phẩm sứ vệ sinh mới  (18/01/2005)
Chuối tiêu chữa nhiều bệnh  (17/01/2005)
"Ăn gì bổ nấy"  (16/01/2005)
Thiết bị kiểm tra sức khỏe  (14/01/2005)
Thuốc chữa suy tim thế hệ mới   (14/01/2005)
Về chứng ruột bị kích thích  (13/01/2005)
Phòng bệnh mùa đông - xuân theo Đông y   (13/01/2005)
Các dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư da  (12/01/2005)
10 lời khuyên để kích thích sự chuyển hóa của cơ thể  (11/01/2005)
Cách lau rửa đồ dùng thủy tinh   (10/01/2005)
Làm đẹp bằng rèm cửa   (10/01/2005)
Đứa con đầu lòng   (07/01/2005)
Chọn đồ dùng chăm sóc răng miệng   (07/01/2005)