Điều trị bệnh ở người cao tuổi
11:28', 21/1/ 2005 (GMT+7)

Ở bất cứ bệnh nhân nào, muốn điều trị bệnh có hiệu quả thì phải điều trị toàn diện: vừa điều trị nguyên nhân theo cơ chế, vừa điều trị triệu chứng. Riêng với người bệnh cao tuổi, cần chú ý đến việc nâng đỡ thể trạng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chữa bệnh, đặc biệt là về phương diện dinh dưỡng và hỗ trợ về mặt tinh thần, tư tưởng.

Bài viết sau đây nhấn mạnh một số nguyên tắc mà chúng ta nên quan tâm khi chăm sóc cho người già đang đau ốm trong gia đình.

Về vấn đề thuốc men, do những đặc điểm của cơ thể người già, tác dụng thuốc đương nhiên không hoàn toàn giống như hồi còn trẻ nữa. Đó là do khả năng hấp thụ thuốc kém hơn về tốc độ cũng như về mức độ chuyển hóa, khả năng chống độc của cơ thể kém, khả năng bài xuất kém, độ nhạy cảm của cơ thể đối với thuốc giảm đi. Vì những lý do ấy, tai biến do thuốc xảy ra nhiều hơn so với người trẻ, tác dụng chữa bệnh của thuốc xuất hiện chậm hơn, kém hơn và hay gặp những tác dụng không mong muốn.

Những nhà điều trị học có kinh nghiệm đối với người già đều thống nhất mấy điểm sau:

- Nếu có một phương pháp chữa bệnh nào hiệu nghiệm mà không cần đến thuốc thì không nên dùng thuốc.

- Nếu nhất thiết phải dùng thuốc để chữa mới khỏi bệnh thì dùng càng ít loại thuốc một lúc càng tốt.

- Khi đã chọn được thuốc thì nên sử dụng đường đưa thuốc vào cơ thể sao cho an toàn và đơn giản nhất.

- Cần chọn liều lượng thích hợp, đạt hiệu quả cao mà không gây tai biến. Nên bắt đầu với một liều thăm dò, chỉ bằng nửa liều so với lúc còn trẻ, rồi tăng dần.

- Nếu phải dùng thuốc có độc tính cao, cần áp dụng những biện pháp hạn chế độc tính (chế độ ăn uống, sử dụng ngắt quãng…).

- Dù là thuốc không độc, cũng phải đề phòng tai biến dị ứng, phản ứng thuốc tùy theo cơ địa.

- Khi người nhà được thầy thuốc cho dùng thuốc trong một thời gian dài chúng ta cần phải theo dõi, ghi chép, báo ngay cho thầy thuốc khi có triệu chứng nghi ngờ.

Vấn đề phục hồi chức năng sau điều trị ở người cao tuổi là hết sức quan trọng. Phục hồi chức năng là nhằm đảm bảo hoạt động thể lực, tâm lý, tư duy, quan hệ gia đình - xã hội, khả năng lao động và ngay cả hoạt động nghề nghiệp nữa. Thực tế đã chứng minh là nếu người cao tuổi biết luyện tập phục hồi chức năng - dù trước đó đã suy giảm do tuổi tác - vẫn thu được kết quả tốt, điều này riêng thuốc men không thể đạt được. Sở dĩ như vậy là do cơ thể mặc dù tuổi cao vẫn còn những dự trữ đáng kể, nếu có phương pháp thích hợp có thể huy động được.

Muốn đạt được yêu cầu đó, cần phải:

- Bắt đầu thực hiện phục hồi chức năng càng sớm càng tốt.

- Tiến hành điều trị phục hồi một cách tự giác trên cơ sở khoa học, có như vậy mới có thể kiên trì lâu dài được.

- Kết hợp tự rèn luyện với hỗ trợ của chuyên môn. Ở đây, sự động viên, hỗ trợ của gia đình là rất quan trọng.

- Vận dụng tùy theo điều kiện cụ thể: tại bệnh viện, tại các cơ sở điều dưỡng, tại các câu lạc bộ người cao tuổi, nhưng cũng có thể ngay tại nhà… và phải có những thời kỳ đến để kiểm tra, đánh giá.

. BS. Trần Như Luận

(Trung tâm TTGDSK Bình Định)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hành trình loại trừ bệnh phong: Còn nhiều thách thức   (20/01/2005)
5 ích lợi của sự tha thứ   (20/01/2005)
Uống bia dễ bị bệnh gout hơn uống rượu   (19/01/2005)
Sản phẩm sứ vệ sinh mới  (18/01/2005)
Chuối tiêu chữa nhiều bệnh  (17/01/2005)
"Ăn gì bổ nấy"  (16/01/2005)
Thiết bị kiểm tra sức khỏe  (14/01/2005)
Thuốc chữa suy tim thế hệ mới   (14/01/2005)
Về chứng ruột bị kích thích  (13/01/2005)
Phòng bệnh mùa đông - xuân theo Đông y   (13/01/2005)
Các dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư da  (12/01/2005)
10 lời khuyên để kích thích sự chuyển hóa của cơ thể  (11/01/2005)
Cách lau rửa đồ dùng thủy tinh   (10/01/2005)
Làm đẹp bằng rèm cửa   (10/01/2005)
Đứa con đầu lòng   (07/01/2005)