Cúm gia cầm và khả năng lây nhiễm sang người là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Định, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm.
* Trước tình hình dịch cúm gia cầm hiện nay, ngành Y tế Bình Định đã có phản ứng gì, thưa ông ?
- Toàn ngành đang tập trung nhân lực, hóa chất, trang thiết bị phòng hộ, phối hợp với cơ quan thú y, chính quyền, đoàn thể các cấp xử lý kịp thời và triệt để các ổ dịch, hạn chế tối đa, không để lây lan sang người. Chúng tôi đã chỉ đạo phối hợp xử lý vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại nơi tiêu hủy gia cầm bị dịch bằng Cloramin B và các chất khử khuẩn mạnh; hướng dẫn và cung cấp các phương tiện phòng hộ cá nhân như: áo, mũ, khẩu trang, khăn mặt, găng tay, ủng.. để bảo vệ người trực tiếp chăn nuôi, người tiêu hủy gia cầm. Trung tâm y tế dự phòng đã ưu tiên nhân lực thành lập hai đội đặc nhiệm phòng chống dịch, thường xuyên phối hợp với y tế các địa phương giám sát, phát hiện và tích cực khống chế ngay từ đầu, tích cực phòng chống dịch lây sang người…
* Cơ sở điều trị của Bình Định đủ sức điều trị người bị nghi viêm phổi do vi rút cúm gia cầm ?
- Chúng tôi đã chuẩn bị một đơn nguyên cách ly tại khoa Truyền nhiễm BVĐK tỉnh với đầy đủ thuốc men (chủ yếu là Tamiflu), máy móc, dụng cụ phòng hộ. Đặc biệt trong đợt chống dịch này, tỉnh cũng đã cho trang bị một máy thở cao tầng. Ngành Y tế cũng đã tổ chức tập huấn phác đồ hướng dẫn phát hiện, điều trị và phòng lây nhiễm viêm đường hô hấp cấp do vi rút cho cán bộ y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện. Trong trường hợp phát hiện những ca nghi ngờ viêm phổi do vi rút từ các huyện, Trung tâm y tế huyện phải chuyển lập tức lên BVĐK tỉnh để được tiếp nhận điều trị kịp thời.
. Quang Khanh (thực hiện) |