Sẻ chia việc nhà
16:17', 27/1/ 2005 (GMT+7)

Không ít trường hợp mỗi khi vợ cất tiếng nhờ vả làm công việc nhà, nhiều đức lang quân lắc đầu, bĩu môi: "Ba cái chuyện đàn bà đó, tôi không làm đâu". Vậy là...

* Trăm dâu đổ đầu "phụ nữ"

Sẻ chia việc nhà với vợ cũng là cách để "kéo dài" tuổi thọ cuộc sống gia đình

Chị Nguyễn Thị Ng. ở tổ 44, KV 6, phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn, mỗi khi nhắc đến đức lang quân của mình, thế nào cũng nói: "Không vì ba đứa con, tôi bỏ ổng lâu rồi. Người đâu mà làm biếng kinh khủng, đến cái việc tắm rửa sạch sẽ cho bản thân mình, ổng còn đợi nhắc nữa là...". Ở với nhau có ba mặt con, thằng con trai đầu của hai người năm nay đã là sinh viên, anh Thành hầu như chẳng hề biết đỡ đần công việc gì cho vợ. Bởi anh không quen làm "chuyện của đàn bà" nên khi vợ bệnh, anh chỉ biết dẫn con về nhà nội ăn cơm, mua cho vợ tô cháo. Phần còn lại anh ung dung chờ vợ khỏe... làm tiếp.

Có những "đức lang quân" đã biết cùng vợ chia sẻ công việc nhà, nhưng vẫn là chuyện "nhờ thì làm, không nhờ thì thôi". Anh Hoàng Văn Trung, cán bộ làm việc trong ngành xây dựng, đã lập gia đình gần 15 năm nay, quan niệm: "Tôi cho rằng đã là phụ nữ thì phải biết chăm sóc chồng con, thu vén nhà cửa. Vợ chồng cùng đi làm, khi nào cô ấy bận việc hay đau ốm, tôi cáng đáng. Còn bình thường thì cô ấy làm tất. Chúng tôi quy ước với nhau: cô ấy phụ trách việc nhà, chăm sóc con cái. Tôi chịu trách nhiệm dạy dỗ con, sửa sang nhà cửa, đại loại là những việc lớn trong nhà". Ngoại trừ việc dạy con, những "việc lớn trong nhà" (như anh Trung nói) thì mỗi năm, thậm chí mấy năm mới có một bận, trong khi đó "việc không tên trong nhà" mà vợ anh làm như nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa thì lúc nào cũng có và không bao giờ hết việc. Chị Nguyễn Thị Hòa, một công chức, than thở: "Ông xã nhà tôi được tiếng là thương vợ thương con nhưng thường thì tôi vẫn phải làm việc nhà một mình. Buổi chiều ổng đi bạn bè khách khứa, để mình tôi loay hoay với mấy đứa con, cho ăn uống, tắm giặt, dỗ con đi ngủ. Đến khuya, tôi mới có thời gian dành cho riêng mình làm việc hay đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu. Nhưng nói thật, lúc ấy đã mệt bã cả người, chỉ muốn ngủ thôi. Thành ra, phụ nữ khi đã lập gia đình phải chịu thiệt thòi nếu muốn nâng cao trình độ, nghiệp vụ. Cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, do đó, cũng rất ít".

* Phải biết sẻ chia

Anh Lê Văn Ánh, ở khu vực 4, phường Thị Nại, thành phố Quy Nhơn, hành nghề chạy xe ôm tâm sự: "Tôi cũng có nghe và biết nhiều ông chồng không bao giờ phụ giúp công việc nhà cùng với vợ. Họ nói đó là việc của đàn bà, vợ không làm thì con cái làm thay. Còn tôi, tôi không nghĩ thế, mình làm cho vợ, cho con, việc gì mà phải câu nệ. Vợ tôi mua bán cá ở Chợ Đầm, bận rộn nên tôi làm việc nhà nhiều hơn cô ấy, khi nào rảnh tôi chạy xe ôm. Ở hoàn cảnh gia đình nhà tôi, khi vợ là trụ cột chính trong nhà, tôi mà không cáng đáng việc nhà giúp bà ấy một tay, không biết nhà tôi có yên ổn như bây giờ không?".

Theo điều tra mới đây về một số đề tài bình đẳng giới của phụ nữ do Hội LHPN tỉnh thực hiện, phụ nữ vẫn chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc con cái, làm các công việc nội trợ. Ở các gia đình ở khu vực nông thôn chỉ 1-4% thành viên nam chia sẻ việc nhà với phụ nữ; trong gia đình công nhân viên chức: sự tham gia của chồng và các thành viên khác trong nhà chiếm 12%. Đối với các cặp vợ chồng là công chức, tình hình tuy đã có cải thiện hơn, người chồng đã cùng vợ chăm sóc con cái, dạy dỗ con học hành...

Theo các chuyên gia tâm lý, để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc bền lâu, cả hai bên chồng- vợ phải biết quan tâm, giúp đỡ nhau trong mọi công việc. Biết sẻ chia công việc gia đình cùng vợ cũng là một trong những nguyên nhân giúp kéo dài "tuổi thọ" của cuộc sống gia đình.

. Hoàng Lan

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhắn tin nhiều hỏng tay  (27/01/2005)
Để có người bạn đời phù hợp  (26/01/2005)
Để tránh mua nhầm hoa quả Trung Quốc  (25/01/2005)
Tự phòng vệ khi ăn hoa quả   (24/01/2005)
Ngành Y tế Bình Định đang tập trung ngăn ngừa cúm gia cầm lây sang người  (24/01/2005)
8 nguyên tắc vàng cho sức khỏe   (24/01/2005)
Trọn tình trọn nghĩa  (21/01/2005)
Điều trị bệnh ở người cao tuổi  (21/01/2005)
Hành trình loại trừ bệnh phong: Còn nhiều thách thức   (20/01/2005)
5 ích lợi của sự tha thứ   (20/01/2005)
Uống bia dễ bị bệnh gout hơn uống rượu   (19/01/2005)
Sản phẩm sứ vệ sinh mới  (18/01/2005)
Chuối tiêu chữa nhiều bệnh  (17/01/2005)
"Ăn gì bổ nấy"  (16/01/2005)
Thiết bị kiểm tra sức khỏe  (14/01/2005)