Nhiễm virus cúm A chủng H5N1 - phức tạp từ triệu chứng đến điều trị
9:27', 28/1/ 2005 (GMT+7)

Từ hơi thở ra, hoặc trứng, thịt, phủ tạng, hay các chất thải của gia cầm bị bệnh, virus cúm chủng H5N1 xâm nhập cơ thể người và bắt đầu "phát huy tác dụng" sau 3 - 5 ngày ủ bệnh với sự "nhân đôi" của chúng ở các chất thể dịch của cơ thể, chủ yếu là ở trong huyết tương.

Bệnh diễn biến hết sức cấp thời với biểu hiện đầu tiên là sốt. Sốt cao liên tục, trên 38 độ C, có thể kèm rét run, tim đập nhanh. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, các triệu chứng đường thở bắt đầu xuất hiện: người bệnh ho, thường là ho khan, ít có các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, rát họng. Kế đến, bệnh nhân cảm thấy đau ngực.

Sau nửa ngày, các triệu chứng trầm trọng xuất hiện nhanh: người bệnh thấy khó thở, tím tái, trường hợp nặng có thể có hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh, nhịp thở càng lúc càng nhanh, thở dốc, thở nông, xanh tái. Giai đoạn này thầy thuốc có thể nghe phổi, thấy có ran ẩm, đủ để chẩn đoán viêm phổi.

Tuy nhiên, bệnh không dừng lại ở đó. Các triệu chứng về tuần hoàn xuất hiện. Người bệnh thấy tim đập nhanh, vã mồ hôi, mệt lả, đuối sức, sốt tiến triển nhanh. Đây là nhóm triệu chứng hiếm thấy ở các bệnh đường hô hấp khác. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân có các triệu chứng khác nữa như: đau đầu, đau cơ liên tục, có khi bị tiêu chảy, rối loạn ý thức đến nỗi mê man, đờ đẫn, mắt lờ đờ.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh diễn biến nhanh dẫn đến suy đa dạng, đây lại là một nhóm triệu chứng khác nữa làm cho "bộ mặt lâm sàng" của bệnh này trở nên quá phức tạp. Nhiều trường hợp tổn thương đa phủ tạng. Gan, thận, não bị ảnh hưởng, dẫn đến những hội chứng nặng như hội chứng đông máu nội mạch rải rác, hội chứng mất não…

Bên cạnh đó, tổn thương nhìn thấy trên phim phổi cũng đa dạng. Tùy theo thời điểm chụp mà hình ảnh tổn thương phổi cũng sẽ khác nhau. Tổn thương lúc đầu là hình ảnh viêm phổi kẽ khu trú một bên, tập trung giống như viêm phổi thùy nhưng ranh giới không rõ, sau đó tiến triển nhanh, lan tỏa sang cả hai bên. Chính vì hình ảnh đa dạng ấy, người ta yêu cầu chụp phổi nhiều lần trong ngày ở giai đoạn cấp để theo dõi diễn tiến của bệnh.

Khi làm công thức máu, thường thấy số lượng bạch cầu và bạch cầu trung tính giảm. Có thể giảm cả tiểu cầu nữa. Nếu làm khí máu thấy tình trạng giảm oxy máu khi bệnh tiến triển nặng. PaO2 giảm <85 mm Hg, có khi giảm nhanh, dưới 60 mm Hg.

Về điều trị, phải làm sao đưa thuốc kháng virus có tên biệt dược là Tamiflu vào cơ thể trong vòng 48 giờ đầu tiên kể từ khi có triệu chứng thì thuốc mới có hiệu quả đáng kể. Một khi các dấu hiệu suy hô hấp đã rõ, nhất là khi não bộ bị tổn thương, gan, thận bị suy, tuần hoàn kém hiệu quả thì thuốc kháng virus không mang lại lợi ích gì nữa. Rõ ràng khi đối phó với dịch cúm gia cầm lây sang người, y học đang đứng trước những thách thức lớn lao chưa từng thấy!

Muốn có hiệu quả trong điều trị người bị cúm A chủng H5N1 đã có dấu hiệu phát bệnh, điều cần thiết là phải phát hiện bệnh thật nhanh, đưa vào viện thật kịp thời và điều trị phải hết sức khẩn trương, toàn diện.

. BS Trần Như Luận

(Trung tâm TTGDSK Bình Định)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sẻ chia việc nhà  (27/01/2005)
Nhắn tin nhiều hỏng tay  (27/01/2005)
Để có người bạn đời phù hợp  (26/01/2005)
Để tránh mua nhầm hoa quả Trung Quốc  (25/01/2005)
Tự phòng vệ khi ăn hoa quả   (24/01/2005)
Ngành Y tế Bình Định đang tập trung ngăn ngừa cúm gia cầm lây sang người  (24/01/2005)
8 nguyên tắc vàng cho sức khỏe   (24/01/2005)
Trọn tình trọn nghĩa  (21/01/2005)
Điều trị bệnh ở người cao tuổi  (21/01/2005)
Hành trình loại trừ bệnh phong: Còn nhiều thách thức   (20/01/2005)
5 ích lợi của sự tha thứ   (20/01/2005)
Uống bia dễ bị bệnh gout hơn uống rượu   (19/01/2005)
Sản phẩm sứ vệ sinh mới  (18/01/2005)
Chuối tiêu chữa nhiều bệnh  (17/01/2005)
"Ăn gì bổ nấy"  (16/01/2005)