Thứ hai, ngày 31/3/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
HẠNH PHÚC LÀ TIẾN CÔNG!
17:7', 2/10/ 2003 (GMT+7)

Hùng và tôi nhập ngũ cùng một ngày. Cũng cùng mười chín tuổi nhưng Hùng có cái dáng to cao lực lưỡng khác hẳn cái dáng mảnh khảnh của tôi. Lúc ấy, bọn lau nhau chúng tôi chẳng thằng nào có một "mảnh tình vắt vai" cả, có chăng chỉ là một nụ cười, một ánh mắt nhìn thân thiện của người con gái là cùng. Riêng Hùng là nó có người... yêu thực sự. Người yêu của Hùng là Mơ.

Có thể nói Mơ xinh nhất làng tôi hồi ấy. Nước da của nó mới trắng hồng làm sao! Mái tóc của nó mới đen dài và óng ả làm sao! Nhưng cực kỳ nhất vẫn là đôi mắt. Đôi mắt Mơ to tròn, đen lay láy và lúc nào cũng như có đốm lửa cháy. Anh nào yếu bóng vía thì không dám nhìn vào đôi mắt ấy. May cho tôi là anh chàng "dát gái", nếu không tôi cũng bị "chết chìm" vào "đáy nước hồ thu" long lanh lúng liếng kia.

Hai bên bố mẹ Hùng- Mơ đã hoàn thành thủ tục dạm ngõ, chỉ chờ ngày "tổ chức".

Hôm lên đường, bố mẹ, anh chị em, bà con tập trung tất cả ở sân đình đưa tiễn chúng tôi. Riêng cái Mơ và một số anh chị em khác theo đoàn quân lên đến tận huyện, khi đoàn quân hành quân xa tít tới phà Tân Đệ, Mơ mới quay về.

Sau ba tháng huấn luyện tân binh tại Chinê (Hòa Bình), chúng tôi mỗi người được biên chế vào một đơn vị khác nhau, cùng tiến về "miền Nam đau thương và anh dũng".

Có thể nói những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20 đến ngày toàn thắng- là thời kỳ cả nước lên đường đánh giặc, ở ngoài Bắc lúc ấy, trừ ông bà già cả và trẻ em, xóm làng hầu như là phụ nữ. Bao nhiêu trai tráng thông minh khỏe mạnh đều ra trận. Vì thế mọi việc từ nhỏ tới lớn dồn lên vai phụ nữ. Chị em mỗi người ai cũng phải làm việc bằng hai, bằng ba. Từ việc cơm nước, chăm sóc bố mẹ già đến vườn tược, đồng áng..., từ đường cày đảm đang đến gieo cấy, làm cỏ, bón phân, gặt hái..., lại còn tham gia trực chiến bắn máy bay Mỹ nữa, tất cả đều phải lo chu toàn. Người ta bảo "trai thời loạn, gái thời bình" là quý. Như thế chưa đủ. "Gái thời loạn" cũng anh hùng biết bao, đáng quý biết bao!

Nhưng còn một nỗi khổ cực mà chị em phải âm thầm chịu đựng, đó là nỗi khổ về tình cảm. Mơ và bao nhiêu chị em đã phải âm thầm chịu đựng, âm thầm vượt lên...

Trong những năm ấy, bố mẹ Hùng nhiều phen ốm nặng. Mơ đã hết lòng chăm sóc chu đáo như bố mẹ đẻ của mình.

Ngày hòa bình, bao nhiêu người đã trở về, nhưng Hùng cứ "biệt vô âm tín". Ba năm sau Mơ mới tìm thấy Hùng trong một trại thương binh nặng. Số là những vết thương trước ngày 30-4-1975 đã làm Hùng hỏng mất một tay, một mắt nên Hùng phải ở trại thêm 3 năm nữa.

Thế là Mơ đã chờ Hùng 15 năm, hết một thời con gái.

Ngày gặp mặt, hai người ôm nhau khóc không thành tiếng. Họ gục vào nhau rồi lăn xuống đất. Một người đã thành thương binh nặng, một người đã bị 15 năm nhớ thương vắt kiệt dòng nước mắt. Tưởng rằng họ không đứng dậy nổi.

Nhưng mà không! Đôi uyên ương ấy đã đứng lên bằng sức mạnh tình yêu của những người chiến thắng.

Những năm đầu sau khi trở về, với tư chất của người sỹ quan tác chiến, Hùng đã đặt ra và thực hiện một kế hoạch trên mặt trận VAC. Hai vợ chồng Hùng vừa nuôi con nhỏ vừa chăm một vườn cây ăn quả, một ao cá và một bầy lợn gà. Mô hình VAC ấy ngày càng phát triển nhờ tinh thần tiến công của vợ chồng Hùng - như Hùng vẫn thường nói. Anh còn tự học để thi đỗ, học và tốt nghiệp loại giỏi đại học nông nghiệp rồi xin về công tác tại xã. Mơ thì vừa cùng chồng làm kinh tế, nuôi dạy con, vừa làm hội trưởng phụ nữ xã.

Gần hai mươi năm làm Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, rồi Bí thư đảng ủy xã, người kỹ sư thương binh Trần Văn Hùng đã đưa năng suất lúa của xã lên hàng nhất nhì trong tỉnh, khôi phục cá làng nghề, làm giàu cho quê hương.

Với tuổi ngoài 60, bây giờ Hùng đã nghỉ hưu. Nhưng mà nghỉ theo chế độ. Còn người sỹ quan tác chiến, người thương binh Trần Văn Hùng thì vẫn không ngừng làm việc. Mặc dù sức khỏe anh yếu nhiều, còn có một tay, một mắt, những vết thương cũ thỉnh thoảng tái phát, nhưng lúc nào anh cũng nêu cao tư tưởng tiến công. Tiến công để chiến thắng bệnh tật, chiến thắng đau đớn, chiến thắng đói nghèo, lạc hậu; chiến thắng mọi khó khăn gian khổ. Mơ cũng nghỉ công tác xã nhưng lại mở lớp dạy cắt may miễn phí cho các cháu con em cựu chiến binh của xã tại cơ sở ngôi nhà hai tầng khang trang của gia đình.

Con trai của anh chị học đại học kinh tế, con gái học PTTH, các cháu đều chăm ngoan học giỏi.

Ai cũng bảo gia đình anh chị thật hạnh phúc.

Nhưng nếu ai hỏi hạnh phúc là gì thì Hùng nói ngay: Hạnh phúc là tiến công! Tiến công! Tiến công và... Tiến công!

Vâng! Những ai chùn bước, những ai đầu hàng hoàn cảnh, đầu hàng số phận thì khó mà có hạnh phúc!

. Phạm Minh Giang

(Số 12 tổ 49 Phường Quang Trung, TX Thái Bình, tỉnh Thái Bình).

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
CON DÂU BÌNH ĐỊNH  (26/09/2003)
HẠNH PHÚC TRONG TẦM TAY   (15/08/2003)
TRỌN VẸN ĐÔI ĐƯỜNG TÌNH NHÀ NGHĨA NƯỚC   (08/08/2003)
HẠNH PHÚC LÀ ĐƯỢC CỐNG HIẾN   (06/08/2003)
TÌNH NGƯỜI LÁI ĐÒ   (23/07/2003)
MÃI ĐỢI BA VỀ  (26/06/2003)
LẤY CHỒNG TÀN TẬT!   (13/06/2003)
CHỊ HÀ DŨNG CẢM  (08/06/2003)
KHI TÌNH YÊU KHÔNG CÒN  (02/06/2003)
SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU  (26/05/2003)
BỆ ĐỠ  (23/05/2003)
MỐI TÌNH ĐẦU CỦA TÔI   (16/05/2003)
TRÁI TIM SẸO  (13/05/2003)
Tìm lại được hàng nghìn cổ vật bị đánh cắp ở Iraq  (09/05/2003)
NGỌN LỬA NHỎ CỦA MỘT ĐỜI NGƯỜI  (10/05/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn