Tôi gặp Thu một buổi chiều mùa xuân 1966 trên con đường giữa đồng. Hôm ấy Thu đi làm cỏ về. Xóm Đông của tôi và xóm Bến Đò của Thu cách nhau một quãng đồng lúa đương xanh thì con gái. Đã ba mươi mấy năm trời rồi nhưng chiều xuân ấy cứ xôn xao mãi trong tôi. Đã ba mươi mấy năm trời rồi nhưng hình ảnh người thiếu nữ có thân hình tròn lẳn, cổ tay, cổ chân quấn đầy xà cạp, khăn trùm kín mặt, chỉ để hở đôi mắt sáng và nụ cười tươi rói - cứ còn in mãi trong tâm trí tôi khó có ngày phai mờ.
Không ngờ buổi gặp gỡ chiều xuân giữa hai bờ lúa rì rào năm ấy lại gắn bó tôi và Thu suốt cả một đời!
Trung đoàn pháo Phòng không của tôi năm ấy đóng quân ở Thanh Hóa. Tôi được đơn vị cử ra Hà Nội công tác, rồi tranh thủ về thăm nhà ba ngày (Ba ngày phép duy nhất trong mười năm quân ngũ của tôi). Sau ba ngày ấy, kể từ sau khi gặp Thu, trái tim tôi đã có một người để mà thương mà nhớ.
Rồi tôi lên đường mang theo ánh mắt Thu và một lời hẹn ước.
Sau đợt ấy, đơn vị tôi tiến dần về phía Nam.
Trở về đơn vị, những lá thư cháy bỏng yêu thương nhưng ám mùi khói lửa trận địa cứ tới tấp bay về quê nhà, từ những địa chỉ JB03, JB04 rồi JB05 và cứ xa dần, xa dần... Những lá thư nồng thắm yêu thương từ quê lúa Thái Bình cũng theo dòng người, dòng xe tới tấp bay về trận địa.
Suốt bốn năm trời trên những trận địa giữa đồng, lưng đèo, sườn non, đỉnh núi... trải qua những tháng ngày mưa dầm, nắng gắt, trải qua bao nhiêu là trận bom quần, đạn vãi của kẻ thù, tôi vẫn thấy vui và tin ở ngày mai... Những lá thư dán bằng nhựa sung, những nét chữ run run nhưng tròn đầy, thấm nước mắt của Thu đã động viên tôi nhiều lắm.
Bao nhiêu lần bom cháy, bom bi, và rốc két, bao nhiêu lần di chuyển trận địa từ đồng lên núi, từ núi xuống đồng, may sao bảy mươi lăm lá thư của Thu - nhiều lá bị cháy dở - nhưng chẳng lá nào bị cháy hết. Trước khi tiến sâu vào Nam, tôi đã kịp gửi bọc thư vào một gia đình nhà dân ở Quảng Trạch.
Sau bốn năm chiến đấu ở các vùng Đò Lèn, Sao Vàng, Hàm Rồng (Thanh Hóa), Con Cuông, Kỳ Sơn, các con đường biên giới Việt - Lào (Nghệ An), Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh), Bố Trạch, Quảng Trạch (Quảng Bình), đơn vị tôi tiến vào Nam theo đường Trường Sơn. Thời kỳ này là thời kỳ của những cuộc hành quân liên miên xuyên rừng, lặn suối, hành quân trong mưa rừng tầm tã, trong đói khát và sốt rét... Trên vai, trên lưng anh nào cũng lỉnh kỉnh nào là súng trường, súng AK, lựu đạn, xoong nồi, cuốc xẻng, lại phải khênh vác nào là nòng pháo, tầm pháo, bánh xe... Méo mặt nhất là khênh tầm pháo. Ba chàng mới khênh nổi một cái tầm pháo, cực kỳ khó đi. Đang tuổi ăn, tuổi ngủ, thế mà anh nào cũng phải chịu đói, chịu khát, chịu thiếu ngủ. Hầu hết là còm nhom. Thế mà chiến đấu thì phải nhanh. Kỷ luật sắt phải như thế. Kỷ luật chiến trường dạy chúng tôi phải như thế. Những giờ phút yên tĩnh nhất giữa hai làn đạn, hai loạt bom, hai đợt pháo sáng, chúng tôi thường kể cho nhau nghe về quê nhà, về người yêu, về bạn gái... Trong màn đêm của chiến trận, trong khói lửa của chiến trường, ánh mắt Thu trong tôi cứ sáng rực hơn bao giờ hết.
Thế rồi ngày 30-4-1975 cũng đã đến. Bao nhiêu đồng đội tôi đã anh dũng chiến đấu, bao nhiêu người đã bị thương, bao nhiêu người đã vĩnh viễn nằm lại trên những cánh đồng, những cánh rừng thân yêu của đất nước. Tôi bị mấy lần sức ép nhưng may mắn còn lành lặn trở về.
Thu vẫn đợi tôi. Thu đã đợi tôi suốt mười năm của thời con gái. Chỉ một lời hứa. Chỉ bằng một lời hứa tưởng rằng gió thoảng thế mà bền mãi được mười năm! Bão đạn, mưa bom và sóng gió mười năm trời không thể nào thổi bay được một lời thề tưởng mỏng mảnh như tờ giấy kia!
Mười năm ấy, bố mẹ cả hai nhà nhiều đận ốm có lần tưởng khó qua khỏi. Mỗi nhà lại có một đàn em thơ dại nữa. Một mình Thu đã tảo tần chăm sóc, lo toan tất cả - chỉ vì một lời hứa mỏng manh của Tình yêu!
Tình yêu quả có sức mạnh không ngờ!
Tôi chuyển ngành về một ngành kinh tế của tỉnh, rồi lại phải tiếp tục đi học đại học. Thu lại phải một mình vừa đi làm ở xí nghiệp, vừa nuôi con nhỏ, vừa chăm sóc tứ thân phụ mẫu của chúng tôi. Trong thời gian tôi đi học ấy, ba cụ đã ốm nặng và lần lượt "đi xa". Đôi vai tảo tần của Thu phải gánh bao nhiêu là nỗi cực nhọc, gánh bao nhiêu là nghĩa, là tình!
Bây giờ, tôi và Thu đều đã nghỉ hưu. Kinh tế gia đình tôi còn nghèo. Nhưng hai con tôi (một gái, một trai) chịu khó học hành, chịu khó lao động, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Gia đình tôi năm nào cũng được bà con bầu là Gia đình hạnh phúc, văn hóa.
Nghỉ hưu rồi, tôi vẫn tiếp tục tham gia làm bí thư chi bộ, say mê các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các hoạt động tình nghĩa trong phường phố.
Tôi nghĩ trên đời này có nhiều kiểu hạnh phúc, có nhiều người hạnh phúc. Tôi thấy tôi cũng là một người hạnh phúc.
Cảm ơn tình yêu của Thu đã cho tôi được hưởng hạnh phúc bình dị này - hạnh phúc bình dị nhưng vô cùng quý báu mà tôi nâng niu, trân trọng suốt đời!
. Phạm Phúc Thành
(Số 12, tổ 50, phường Quang Trung, thị xã Thái Bình - tỉnh Thái Bình)
|