Hơn 20 năm sau ngày đất nước thống nhất tôi mới có dịp gặp lại Bích Vân - cô bạn gái cùng lớp thời học đại học Tổng hợp Hà Nội - nhân một chuyến đi công tác vào tỉnh Đồng Nai. Lúc tôi đến Đài Phát thanh - Truyền hình tìm Vân thì đã hết giờ làm việc buổi chiều. Cơ quan vắng ngắt, chỉ còn vài chiếc xe máy dựng ở góc sân. Nghe tôi hỏi thăm địa chỉ nhà riêng của Vân, ông bảo vệ sốt sắng:
- Chị Bích Vân, Giám đốc Đài? À, chị Ba hả? Chị chờ chút xíu, tôi gọi cho, chị Ba chưa về nhà.
Nói rồi ông đi nhanh lên gác. Không đầy 5 phút sau tôi đã thấy một người phụ nữ tầm thước xuất hiện ở sảnh bước vội ra sân. Đúng là Bích Vân rồi. Vân tuy có hơi mập hơn trước nhưng dáng vẫn nhanh nhẹn như thuở nào.
Chúng tôi ôm nhau trong niềm xúc động. Tình bạn gái thân thiết sau bao năm xa cách có biết bao điều để nói với nhau, nhưng điều canh cánh quan tâm đầu tiên mà phụ nữ chúng tôi thường muốn hỏi thăm nhau vẫn là chuyện chồng con, gia đình. Đối với Vân, tôi càng không thể kìm nén:
- Anh Tiến thế nào hả Vân?
- Ảnh vẫn vậy, nhưng bây giờ không đi nạng được nữa, ngồi một chỗ thôi - Vân vẫn ôm tôi, nói với giọng thầm thì, đầy thương cảm.
Nghe Vân nói tôi bỗng cảm thấy sự thiệt tình yêu thương bạn của mình thành sự lỡ lời đã chạm vào nỗi đau của Vân. Tôi lí nhí xin lỗi. Vân buông tôi ra, chúng tôi lại nắm chặt tay nhau, nhìn ngắm nhau. Vân cười, nói nhỏ nhẹ:
- Sao lại xin lỗi, chúng mình hiểu nhau quá mà. Vân phải cảm ơn Xuân mới phải chứ.
Sau mấy phút hàn huyên Vân đưa tôi về thăm gia đình. Cửa mở, tôi đã nhìn thấy ngay anh Tiến ngồi cạnh bàn uống nước. Vẫn với mái tóc bồng và khuôn mặt tròn, tươi vui anh cất tiếng hỏi khi Vân vừa bước vào nhà:
- Vân đấy hả? Nhà mình có khách à, mời khách vào đi em.
- Em đưa khách về thăm anh đây, xem anh có nhận ra ai không.
Vân vừa nói vừa đến bên anh Tiến, một tay đặt nhẹ lên vai anh, một tay vuốt vuốt mái tóc bồng đã trắng gần hết của anh với một cử chỉ thật âu yếm. Tôi đến gần chào anh, anh cười cười và nói:
- Anh biết rồi, làm sao quên được, cô Út ét chứ ai - Và anh gọi con mau lấy nước mời "cô Út". Giọng anh vẫn trầm ấm như thuở nào. Ngày xưa anh vẫn thường gọi tôi là út, chả là vì trong nhóm chơi hồi ấy tôi không những nhỏ tuổi nhất mà còn vì ngây thơ, không biết yêu là gì.
Tôi đang bồi hồi với những ý nghĩ về ngày xưa thì cậu con trai bưng nước ra mời. Anh Tiến vội giới thiệu ngay:
- Chào cô Út đi con. Đây là con trai thứ hai của anh, 19 tuổi, cao 1m78. Còn cô chị, cô gái hồi sinh ra ở Thư viện Quốc gia năm nay đã 23, vừa tốt nghiệp Đại học kinh tế thành phố, hàng đêm cháu vẫn đi học thêm vi tính... - Anh vui sướng nói như khoe về tổ ấm của mình. Tôi thật sự xúc động và chúc mừng hạnh phúc của người bạn gái.
Sau cái cười thật tươi và mãn nguyện, Vân ghé vào tai tôi nói thật nhỏ như sợ anh Tiến nghe thấy: "Trời ơi, Xuân không biết đâu, Vân khổ ghê lắm đó!..."
Nghe giọng nói của Vân tôi biết Vân đang vui - giọng nói của một người phụ nữ đã vượt qua bao khó khăn để vừa vươn lên trưởng thành trong công tác vừa xây dựng được tổ ấm hạnh phúc trong hoàn cảnh gia đình có người chồng bị tàn tật.
Năm tháng qua đi, đến bây giờ gặp lại anh Tiến, quả đúng như Vân nói: Ảnh vẫn vậy. "Vẫn vậy" là vì anh là một người tàn tật nhưng trí tuệ vẫn rất tinh anh, tiếng nói vẫn rổn rảng, ấm áp, nụ cười vẫn tươi rói như ngày chúng tôi thường đến thăm anh ở cái lán chái - nơi sơ tán đèo heo hút gió của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tràn đầy những kỷ niệm thân thương.
Hồi ấy, chúng tôi là những cô gái đang độ tuổi bẻ gãy sừng trâu vào học ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - một trường đại học danh tiếng nhất cả nước. Tiếng là ở trường đại học nhưng do chiến tranh ác liệt, giặc Mỹ leo thang ném bom miền Bắc nên tất cả các trường đại học cũng như nhiều cơ quan đều phải đi sơ tán ở các vùng sâu, vùng rừng núi xa đô thành. Trường của chúng tôi phải sơ tán lên tận vùng rừng núi Thái Nguyên. Lớp tôi ở thôn Ký Phú, xã Tràng Dương, huyện Đại Từ, cách Hà nội 120 cây số. Chúng tôi đi tàu hỏa từ ga Hàng Cỏ - Hà Nội (nói là đi tàu từ Hà Nội nhưng thực ra tàu cũng phải sơ tán, phải đi bộ gần chục cây số mới tới nơi có tàu) đến ga Quán Triều (Thái Nguyên) mất 80 cây số, rồi lại phải lội bộ thêm 40 cây số đường rừng núi nữa mới đến được nơi sơ tán...
Cũng là sự tình cờ mà chúng tôi gặp nhau trong một lớp. Năm ấy chúng tôi tập trung tại trường Đại học Tổng hợp để chuẩn bị sang Trung Quốc học đại học, nhưng thời gian tập trung kéo dài hàng tháng mà vẫn chưa đi được. Té ra là bên Trung Quốc xảy ra cuộc cách mạng văn hóa, tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, nên lưu học sinh Việt Nam đang học ở Trung Quốc lần lượt được đưa về tiếp tục học trong nước. Vì vậy số sinh viên đi Trung Quốc hụt như chúng tôi đang tập trung ở trường nào thì đều được phân bổ vào học các khoa của trường ấy. Và như thế là chúng tôi khoảng 10 anh em được "bốc" vào khoa văn và phải nhập học ngay vì đã chậm hơn ngày khai giảng hai tháng. Lúc ấy là vào tháng 11 năm 1966, miền Bắc đã vào giữa đông, trời rét căm căm.
Đến nơi sơ tán chúng tôi vừa phải học đuổi theo chương trình với các bạn vào trước mà lại vẫn không được bỏ các hoạt động của lớp như đi rừng lấy nứa, giang, cây gỗ về đánh tranh, làm nhà ở, làm lớp học... Ở giảng đường đại học nhà tranh vách đất của chúng tôi có làm một ngăn chái nhỏ nương theo mái lớp giành làm chỗ ở và học cho một anh sinh viên khoa văn khóa 7 (trước chúng tôi 4 năm). Anh tên là Tiến bị tai nạn liệt cả hai chân và là "con đặc biệt" (từ giành riêng cho những người có cha, mẹ, đang hoạt động ở chiến trường miền Nam). Lớp E1 (mật danh chỉ năm thứ nhất của chúng tôi) cất lán ở gần lớp học nên bọn bạn lớp tôi thường đến thăm chơi, trò chuyện với anh. Đó là một chàng trai có mái tóc bồng, khuôn mặt tròn. Anh hấp dẫn chúng tôi không chỉ vì có giọng nói Nam bộ trầm ấm, cách nói chuyện rất có duyên mà còn chính vì sự hiểu biết uyên thâm của anh về văn học, về xã hội. Mấy đứa con gái lớp tôi, đặc biệt là nhóm bạn gái học sinh miền Nam chúng tôi vì tình cảm quê hương nên thường đến thăm và giúp đỡ anh nhiều nhất. Với tình thương của người em gái, chúng tôi đến lúc thì nấu nước, pha trà cho anh; lúc thì treo màn, xếp màn, có lúc cả giặt giũ quần áo cho anh khi các bạn trai của anh vì bận việc chưa làm được. Lâu dần thành thân. Tuy nhiên cũng chỉ được một thời gian đầu, sau đó chúng tôi đến với anh thưa dần. Cuối cùng chỉ còn Vân là vẫn thường xuyên đến chăm sóc anh. Và chúng tôi mỗi đứa có những công việc riêng tư khác nhau nên cũng chẳng còn quan tâm nhiều đến anh nữa.
Ở trường, lớp sơ tán ngoài việc học tập, thi cử chúng tôi hàng tuần còn phải lên rừng đốn củi về đun, phải lội qua suối đi hàng 4, 5 cây số gánh gạo cho bếp ăn; hàng ngày phân công nhau xuống bếp ăn gánh cơm cho cả lớp... Sợ nhất là những đêm đông, mưa dầm, gió bấc, trời rét như cắt thịt da. Thời ấy, quần áo ấm rất thiếu. Những ngày nhiệt độ khoảng10, 12 độ là chúng tôi thường phải đốt củi để sưởi mới học bài được. Hôm nào lười có thể ráng trùm chăn học bài được nhưng ngủ thì khó vô cùng vì dù đã trùm chăn bông kín mít từ đầu đến chân mà cái rét vẫn thấu xương. Một khi đã chui được vào chăn rồi thì đứa nào đứa nấy người cứ co quắp lại, cuộn tròn như những con cuốn chiếu, dường như chẳng thể nào thò đầu ra được nữa.
Trời rét căm căm như vậy mà không hiểu vì sao đối với Vân cứ như không có chuyện gì khó khăn. Thường cứ mỗi tối học bài xong là Vân chạy ngay sang với anh Tiến, nấu nước giúp anh rửa chân, tay, và dém màn cho anh rồi mới về. Có hôm 11, 12 giờ đêm đang say giấc, có người nhắn "anh Tiến gọi" là Vân bật dậy, chạy ngay sang lán chái...
Tình yêu của Vân bắt đầu là như vậy.
Rồi dần dần cả lớp ai cũng biết mối tình của Vân và anh Tiến. Nhiều bạn thương Vân, nên có ý bàn ra và ngăn cản, chỉ sợ sau này Vân khổ vì cả hai bên đều không có cha mẹ ở miền Bắc, anh Tiến không thể đủ sức khỏe cáng đáng việc gia đình... Cũng có người nghĩ, chắc là do tuổi trẻ nông nổi, tình yêu sinh viên... khi ra trường là sẽ tan như bong bóng xà phòng, không việc gì phải lo. Bọn con gái chúng tôi rất thương Vân nhưng chỉ dám nói xa nói gần, chẳng ai có kinh nghiệm gì và nhất là sợ tổn thương tình bạn. Trong lớp, Vân là một cô gái có phần nổi trội hơn những người bạn bình thường khác. Vân có mái tóc dài, thân hình thon thả, lại thuộc loại thắt đáy lưng ong chứ không phải loại eo "bánh mì" như tôi nên cũng có nhiều bạn trai theo đuổi với tình cảm chân thành, tha thiết. Nhưng trái tim Vân chỉ xao xuyến trong giây lát thôi, rồi tất cả vẫn giành trọn vẹn nhịp đập rộn ràng cho anh Tiến... Có lẽ là do hai người có nhiều điểm tương đồng về hoàn cảnh: cha mẹ cùng hoạt động cách mạng ở miền Nam, cùng thiếu thốn tình cảm từ nhỏ... nên tâm hồn dễ hòa hợp với nhau chăng?
Bốn năm học trôi qua với biết bao nỗi khó nhọc vất vả của thời chiến. Sau khi tốt nghiệp, tất cả sinh viên lớp chúng tôi đều được phân công công tác ở nhiều cơ quan khác nhau: như Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ, các Báo, Đài ở Trung ương... 5 cô sinh viên học sinh miền Nam chúng tôi trong đó có Vân được về Đài phát thanh. Và sự nghiệp làm báo của chúng tôi cũng bắt đầu từ tháng 9 năm 1970 ấy. Mới đó mà đã hơn 30 năm... Đêm nằm bên nhau trong nhà Vân ở Đồng Nai hôm ấy khi vui vui kể về chuyện tình của mình, Vân còn "tiết lộ" cho tôi nhiều điều "bí mật" mà bạn bè không mấy ai biết. Vân nói rằng không thể nào lý giải nổi vì sao Vân yêu anh Tiến đến vậy. Vì tình yêu Vân đã bất chấp tất cả và cũng vì tình yêu Vân đã chấp nhận tất cả mọi khó khăn. Chuyện hôn thú của Vân cũng thật là đặc biệt. Khi đến Ủy Ban hành chánh làm giấy kết hôn, Vân phải nhờ một người bạn của anh Tiến đi thay (sợ nếu thấy anh tàn tật nặng như thế người ta lại ái ngại và biết đâu lại chẳng có người tiếp tục khuyên Vân... đừng...) May sao người bạn ấy cũng quá cảm thương cho hai người nên cũng đồng ý giúp. Và câu chuyện ấy đến nay vẫn còn hoàn toàn bí mật. Vân nói rằng vẫn biết là mình có lỗi với chính quyền, nhưng rồi cũng tự bào chữa một cách hài hước là nói theo kiểu lý luận kịch "hoàn cảnh điển hình sinh con người điển hình" mà (!).
Vân đã kể về những quãng thời gian Vân được diễm phúc làm mẹ trong muôn vàn khó khăn, khổ cực: sau ba ngày sinh con ở bệnh viện về là Vân đã phải làm tất cả mọi công việc gia đình. Trước đây chỉ chăm sóc cho chồng đã vất vả rồi, giờ lại thêm cháu bé còn đỏ hỏn thì tưởng không còn gì có thể vất vả hơn thế nữa... Nhưng không hiểu vì sao Vân đã vượt qua tất cả để đến bây giờ Vân đã có được hai người con ngoan, cao lớn học giỏi mà tôi đoán chắc rằng bạn bè trong lớp tôi không mấy ai có được những đứa con hội đủ nhiều tiêu chí cơ bản lý tưởng như thế.
Những năm còn ở Hà Nội, anh Tiến xin được việc làm ở Thư viện Quốc gia. Vợ chồng Vân được bố trí chỗ ở ngay trong cơ quan. Sau đó Vân sinh được một cháu gái. Việc gia đình tuy vô cùng khó khăn nhưng không vì thế mà Vân sao nhãng việc cơ quan. Vân sắp xếp công việc gia đình một cách chu đáo và cũng hết sức chuyên cần trong công việc là một phóng viên. Được cái anh chị em trong đơn vị cũng thông cảm hoàn cảnh của Vân nên thường bố trí cho Vân làm việc ở những cơ quan trong thành phố không phải đi cơ sở để có thể đi về trong ngày, thuận lợi cho việc chăm sóc chồng, con...
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vợ chồng Vân - Tiến được chuyển công tác về quê chồng và cùng được bố trí làm việc tại Đài Phát thanh Đồng Nai. Về quê chồng, Vân được gia đình anh Tiến vô cùng quí mến, yêu thương không chỉ là người dâu hiền, mà còn như người con gái quí và hơn thế nữa như là một ân nhân... Tình yêu thương đó đã bù đắp cho Vân những thiếu thốn tình cảm trước đây và làm vợi dần trong Vân nỗi lo toan khó nhọc đeo đẳng Vân trong suốt những năm tháng qua mà không một lần Vân dám hé môi than thân trách phận.
Tuy nhiên, những năm tháng sau giải phóng, đất nước đã gặp phải muôn vàn khó khăn. Với đồng lương ba cọc ba đồng, cán bộ nhà nước nào cũng phải bươn chải để có thêm đồng ra đồng vào nuôi sống gia đình. Một lần nữa Vân phải một mình đối mặt với những khó khăn và tìm mọi cách xoay xở để nuôi chồng và hai con nhỏ. Ngoài thời gian làm việc ở Đài, Vân thường xuyên phải chạy lo nuôi thêm 6 con heo, từ tờ mờ sáng cho đến đêm khuya, lúc nào cũng luôn chân luôn tay, tất tả chả khác gì bà xã của cụ Tú "quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng"... Anh Tiến thấy Vân quá vất vả nhưng cũng đành bó tay, chỉ biết động viên an ủi còn thì khóc thầm. Nước mắt chảy ra được thì có thể vơi bớt nỗi đau khổ, đằng này nước mắt lại chảy âm thầm trong tim nên càng đau lòng, thắt ruột...
Người ta nói "ông trời có mắt" - hình như cũng đúng.
Cùng với thời gian, công việc của Vân ở cơ quan cũng ngày càng tiến tới. Vân được cấp trên đánh giá là một phóng viên có năng lực về nhiều mặt và trong thời gian gần 10 năm, Vân dần dần được đề bạt lên các nấc thang quản lý: Phó trưởng phòng, Trưởng phòng Biên tập và sau đó là Phó Giám đốc Đài Phát thanh Đồng Nai. Đến khi Trung ương có chủ trương sát nhập Đài Phát thanh và Đài Truyền hình làm một, Vân được tin tưởng giao giữ chức Giám đốc Đài phát thanh - Truyền hình Đồng Nai. Chức vụ này không có gì là lớn, nhưng đó là sự tín nhiệm của Đảng và chính quyền đối với Vân về quá trình phấn đấu không ngừng của chị cho sự nghiệp báo chí.
Là bạn gái, biết nhiều về Vân nhưng tôi cũng không thể hiểu được để đạt được như vậy chị đã vắt mình cho sự nghiệp và cho gia đình như thế nào. Trong trường hợp này, quả là Vân đã bước sang lĩnh vực của sự phi thường.
. Xuân Mai |