Đã gần 20 năm chung sống, đứa con gái duy nhất của anh chị cũng đã ở tuổi cập kê, vậy mà nhắc đến chuyện ngày xưa, anh Dương Văn Minh cứ bẽn lẽn như lần đầu đi hỏi vợ. Anh vốn quê ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, đi bộ đội rồi bị thương nặng tại chiến trường miền Trung. Anh bị mù cả hai mắt, là thương binh nặng hạng 1/4.
Sau năm 1975 anh về điều trị và an dưỡng tại trại An dưỡng Kim Châu (thị trấn Bình Định, An Nhơn). Ở đấy, ai cũng biết đến anh - một thương binh nặng nhưng năng nổ và nhiệt tình trong công việc. Nhưng về cuộc sống nội tâm anh lại là người sống khép kín, mặc cảm tránh xa phụ nữ bởi mặc cảm mình đã là người tàn phế. Anh đã từng thề là sẽ không bao giờ cưới vợ bởi anh nghĩ rằng ai lại có thể đi yêu một người tàn phế như anh. Vả lại, nếu có lấy nhau đi chăng nữa thì cũng là gánh nặng cho người khác mà thôi.
Thế rồi chẳng biết ông trời xếp đặt thế nào mà chị lại xuất hiện, làm đảo lộn hết mọi suy nghĩ của anh. Chị tên là Nguyễn Thị Thanh Trà, nhân viên của Bến xe khách tỉnh. Rất tình cờ, chị lên thăm người chị nuôi cũng đang an dưỡng ở Kim Châu. Chị đi lại thường xuyên, hai bên thi thoảng gặp nhau, chỉ cười, thăm hỏi xã giao rồi ai lại có việc người nấy. Lâu dần, qua bạn bè chị biết đến anh, một thương binh được mọi người quý trọng và tín nhiệm. Mới đầu chỉ là sự nể phục, rồi chị lại nghĩ đến anh nhiều hơn. Vốn cũng là thanh niên xung phong, thương binh loại 4/4, chị thấu hiểu và thông cảm những gì mà anh Minh đang chịu đựng. Chị nghĩ đơn giản: "Cũng là đều vì dân vì nước cả nhưng so với mình anh ấy mất mát nhiều quá".
Bởi vậy trước khi chị lấy anh, ba chị hỏi: "Con đã suy nghĩ kỹ chưa?", chị trả lời chắc nịch: "Quan điểm của con khác mọi người". Còn anh, đến khi thông báo với tổ chức: "Tôi sẽ lấy vợ", ai cũng đều bật ngửa. Mãi đến khi chị vào với anh, bẽn lẽn gật đầu, lúc ấy mọi người mới tin là thật.
Cuộc sống tạo lập ban đầu của hai người hết sức khó khăn, tất cả chỉ trông vào đồng lương và phụ cấp thương binh. Rồi thêm đứa con ra đời, cuộc sống lại càng khó khăn hơn gấp bội phần. Anh chị phải quần quật nuôi heo, nuôi gà. Chị lo chạy vòng ngoài còn anh lại thay chị "tề gia nội trợ". Căn nhà ngói xây từ năm 1989 là kết quả nuôi heo dành dụm hàng năm. Mỗi lứa heo là một mục tiêu: lứa đầu mua gạch, lứa sau thì mua đá, rồi xi măng... Phải mấy lứa heo liền anh chị mới gom góp đủ để xây được tổ ấm. Một thời gian sau, nuôi heo không có lời mà còn bị dịch chết, hai vợ chồng lỗ mất chừng 7 chỉ vàng. Năm 1994 anh chị chuyển hẳn sang nuôi vịt đẻ. Trong vườn nhà lúc nào cũng có vài trăm con vịt đẻ, khi cao điểm lên đến 600 con. Hiện nay một ngày trung bình anh chị thu nhập khoảng 70.000 đồng từ tiền bán trứng. Anh Mai Văn Long, cán bộ phụ trách công tác Thương binh – xã hội của phường Quang Trung (TP Quy Nhơn) nhận xét về gia đình của anh Dương Văn Minh: "Đây là gia đình chính sách làm ăn giỏi nhất của phường chúng tôi". Còn anh Minh không giấu vẻ tự hào khi nói về mình: "Tôi nhìn không thấy nhưng đầu óc còn minh mẫn, tính toán làm ăn vẫn tốt. Có được như ngày hôm nay phần lớn cũng là nhờ công của nội tướng biết đảm đang quán xuyến mọi việc trong nhà". Chị thì lại điềm nhiên: "Việc gì cần làm trước thì tôi làm, biết sắp xếp công việc có khoa học thì khó gì đâu".
Vậy đó, họ đến với nhau bằng tình yêu chân thành, sự cảm thông và đồng cam cộng khổ để rồi gần hai mươi năm gắn bó với nhau, là chừng ấy năm tràn đầy hạnh phúc và cũng không ít nỗi gian truân vất vả. Họ đã cùng nhau vượt qua một quãng đường dài…
. Thu Hà |