Thứ hai, ngày 31/3/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
HOA CẢI TRIỀN SÔNG
17:2', 3/11/ 2003 (GMT+7)

Gần 30 tuổi không ai khẳng định mình là người thành công hay thất bại trong nghề nghiệp, nhất lại là nghề mang tính đặc thù như nghề báo. Nhiều lúc ngồi ngẫm lại những gian khó và thành đạt của mình đã từng trải qua, khi ấy tôi càng hiểu một điều rằng đam mê nghề nghiệp của tôi sẽ không bao giờ tắt, bởi tôi nhận được điều đó từ anh: một người luôn mong muốn vượt qua khó khăn và mất mát với khao khát được trở thành một nhà báo.

Tôi nhìn anh với con mắt của một đứa con gái 14 tuổi ngổ ngáo, tinh nghịch và cũng rất trẻ con khi ngoại giới thiệu "Đây là anh Lài, hàng xóm của ngoại". Nhài hay Lài với tôi cũng như nhau cả bởi vì anh không cùng lứa với tôi vì thế không thể bạn được, mà không là bạn thì quan tâm làm gì? Nhưng tôi cũng hơi tò mò khi nhìn thấy 2 ống quần buông thõng - anh mất 2 chân trong một trận đánh ở Campuchia.

Bao nhiêu tơ tưởng thú vị về quê ngoại trong tôi tan biến hết khi không thể nào chơi với lũ trẻ trong làng, không phải tôi là một con bé tiểu thư, yểu điệu, phải thành thật mà nói tôi là đầu têu của các trò quậy phá trong khu phố cũng như trong trường, và tôi cũng tự hào mình là một "nữ chiến binh" dũng mãnh trong các "trận đấu ác liệt". Nhưng ác thay lũ trẻ làng này chúng cứ thích hì hục đánh trận giả dưới dòng sông mát dịu thay vì trên bờ. Vì thế tôi chỉ còn biết tiu nghỉu đứng nhìn tụi chúng vui đùa bởi tôi là chúa sợ nước.

Không thể nào quanh quẩn bên ngoại nghe bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Chẳng biết làm gì tôi lân la sang mượn anh vài cuốn truyện (xin nói thêm một chút tôi vốn là con bé học dốt nhưng lại rất thích đọc truyện), thế là cuộc hành trình đầy khó khăn nhằm thực hiện lý tưởng cao đẹp của chàng Dế Mèn, chuyện câu rắn, câu cá sấu cũng như lấy mật ong ở vùng đất phương Nam, những chuyến phiêu lưu của Tom Sayer, sự phá án tài tình của thám tử Sơ-lốc Hôm... cuốn hút lấy tôi. Cứ thế tôi và anh cùng ngồi một bàn, tôi thì mải mê đọc còn anh hí hoáy viết. Tôi tò mò không hiểu anh đang viết gì, dường như đọc được câu hỏi trong mắt tôi anh tươi cười giải thích "Anh đang viết báo, nhóc con ạ!", "Thế viết báo có khó không ? Em viết có được không", "Rất dễ nếu nhóc có đam mê". Khi ấy tôi chẳng hiểu đam mê là cái gì nhưng cũng lờ mờ đoán được qua ánh mắt sáng rực khi cầm viết của anh. Vậy mà cách đây vài phút đôi mắt ấy tái đi vì những cơn đau do vết thương cũ gây nên. Anh viết miệt mài, vội vã cứ như sợ ngày mai sẽ không còn được viết nữa. Anh thường kể với tôi về những ngày xưa, về những tháng ngày gian khổ ở chiến trường, về những người đồng đội đã hy sinh...

Càng ngày tôi càng quấn quýt bên anh để được nghe dạy bảo cũng như tâm sự. Anh có một niềm khao khát rất lớn là được đi học ở trường báo chí để trở thành một nhà báo chính quy, nhưng đó chỉ là mơ ước mà thôi bởi anh không đủ điều kiện về kinh tế cũng như sức khỏe. Nhìn những lần anh bồi hồi giở tấm ảnh cũ của bố, ông vốn là nhà báo chiến trường nổi tiếng và đã hy sinh trong lúc tay vẫn cầm cái máy ảnh, tôi biết những lúc đó anh nghĩ gì... Dù bận rộn viết lách như thế nhưng chiều nào anh cũng dành thời gian ra triền sông đầy hoa cải và cứ thế, đứng lặng nhìn sang bờ sông bên kia, không biết bên ấy anh nhìn thấy những gì? Một chân trời để anh thực hiện những ước mơ hoài bão của mình hay bên ấy có người con gái vội vã đi lấy chồng khi nghe tin người yêu của mình trở về không còn lành lặn về thể xác?

3 tháng hè trôi thật nhanh, tôi phải chia tay ngoại và anh. Tôi khóc suốt quãng đường dài hơn ngàn cây số, những giọt nước mắt đánh dấu sự trưởng thành của một cô gái. 2 năm sau ngoại mất, từ đó tôi cũng bặt tin anh. Có người bà con ngoài ấy vào chơi kể lại rằng do vết thương cũ tái phát, không có người chăm sóc nên anh đã chuyển vào trại điều dưỡng thương binh ở Vùng Tàu, lại có người nói anh đã chết sau khi vào trại điều dưỡng vài tháng...

Học hết 12, tôi thi vào ngành báo chí trước ánh mắt sửng sốt của bố và sự van nài của mẹ, bởt họ cho rằng ngành ấy không phù hợp với nữ. Nhưng tôi vẫn quyết tâm đeo đuổi bởi bây giờ nó đã trở thành đam mê của tôi và... anh.

Đã nhiều năm trôi qua, không lúc nào tôi không nghĩ về anh, những lúc gặp khó khăn trong công việc bao giờ anh cũng như đang ở bên cạnh động viên cho tôi. Nhiều lần có dịp đi công tác trong Nam tôi cũng muốn tìm anh nhưng lại lo sợ không gặp một người hiển hiện bằng xương, bằng thịt mà đối diện với tấm bia đá lạnh lùng. Thôi! Thà cứ sống trong sự mập mờ với ý nghĩ anh vẫn còn sống đâu đó còn hơn phải đối diện với thực tế mà có thể là sẽ rất phũ phàng. Thời gian chỉ có một chiều nhưng nếu cho một điều ước tôi ước rằng mình sẽ trở lại ngày xưa, cùng anh đứng ở triền sông bên những vồng hoa cải vàng rực trong nắng chiều. Nhưng khi ấy tôi không là con bé 14 tuổi mà là một thiếu nữ đã trưởng thành, tôi sẽ thì thầm nói cái điều mà tôi ấp ủ suốt bao năm trong tận đáy lòng mình rằng: Nhóc con yêu anh!

. HOÀI PHỐ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
ĐIỀU GIẢN DỊ  (30/10/2003)
ĐỒNG CAM CỘNG KHỔ  (24/10/2003)
TÌNH YÊU ĐẾN TỪ MỘT KHÁT VỌNG  (17/10/2003)
CHUYỆN TÌNH CỦA MỘT NHÀ BÁO   (14/10/2003)
Hạnh Phúc   (08/10/2003)
HẠNH PHÚC LÀ TIẾN CÔNG!   (02/10/2003)
CON DÂU BÌNH ĐỊNH  (26/09/2003)
HẠNH PHÚC TRONG TẦM TAY   (15/08/2003)
TRỌN VẸN ĐÔI ĐƯỜNG TÌNH NHÀ NGHĨA NƯỚC   (08/08/2003)
HẠNH PHÚC LÀ ĐƯỢC CỐNG HIẾN   (06/08/2003)
TÌNH NGƯỜI LÁI ĐÒ   (23/07/2003)
MÃI ĐỢI BA VỀ  (26/06/2003)
LẤY CHỒNG TÀN TẬT!   (13/06/2003)
CHỊ HÀ DŨNG CẢM  (08/06/2003)
KHI TÌNH YÊU KHÔNG CÒN  (02/06/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn