Tình yêu là một đề tài muôn thuở. Đó là sức mạnh để con người vượt qua bao vất vả, đắng cay và bất hạnh. Tình yêu cũng làm cho con người vượt lên trên những số phận, để khẳng định lý tưởng sống của mình. Mỗi chúng ta ai cũng có một lần để yêu và để nhớ. Chẳng phải Xuân Diệu đã từng nói "Làm sao sống được mà không yêu". Những số phận và cuộc đời của mỗi con người mang những hình thái và màu sắc khác nhau, tình yêu cũng như thế. Sống cho người mình yêu, và yêu những gì mình đang có, đó là bài học được rút ra từ mối tình đầu của tôi.
Tôi lớn lên bên cạnh những đứa trẻ chăn trâu khét nắng của vùng quê lam lũ chân núi Bà - Phù Cát, nhưng tôi được may mắn hơn chúng là ba mẹ đầu tư việc học cho chị em tôi ngay từ nhỏ. Những mùa lúa ít ỏi và là nguồn thu duy nhất của gia đình cũng theo chân chị em tôi vào những mái trường. Thời gian của ba mẹ tôi ở ngoài đồng nhiều hơn là ở nhà, nhưng chị em tôi chưa giúp gì được cho ba mẹ. Có lẽ đối với họ nguồn vui duy nhất là thành tích học tập của chị em tôi ở trường. Biết như thế nên tôi cố gắng học, mặc dù điều kiện vật chất thua rất nhiều các bạn cùng lớp.
Đến tuổi cập kê, tôi để lại đằng sau lưng những lời tán tỉnh hẹn hò. Ngày vào đại học, hành trang của tôi là một câu nói của ba: "Cố gắng học nghe con, niềm hy vọng của ba mẹ là các con không phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Tôi quay đi cố giấu giọt nước mắt, nhưng lòng lại thổn thức: "Ba ơi, con sẽ cố…".
Tháng đầu tiên, tôi bước chân vào giảng đường với một tâm trạng nhớ nhà khôn nguôi. Không biết ở quê nhà ba mẹ tôi đang làm gì, bữa cơm gia đình chắc là lại bớt món. Xót xa, nhưng tôi tự nhủ không được phép nản. Sinh viên nghèo cũng có cách sống của sinh viên nghèo. Thế là tháng thứ hai tôi bắt đầu làm thêm để có tiền đi học. Trời Đà Lạt rét đến tê tái lòng người, nhưng sau những giờ học tôi lại đi rửa bát ở những quán cơm, để đổi lấy bữa cơm chiều. Tối đến tôi lại đi chạy bàn ở các quán café sinh viên để lấy tiền đóng nội trú. 10 giờ đêm về đến chỗ trọ, vệ sinh và chuẩn bị bài cho ngày hôm sau. Nhiều lúc tôi đến giảng đường với đôi mắt thâm quầng. Năm đầu tôi hoàn thành kỳ thi với một kết quả tương đối khá, đủ để nhà trường cấp học bổng 120.000 đồng/tháng. Ba mẹ tôi mừng đến rơi nước mắt khi con gái nỗ lực như thế.
Cuộc sống cứ đều đều diễn ra nếu như không có một ngày tôi nhận được lời chúc mừng sinh nhật từ anh: "Cố gắng lên Trân Quỳnh nhé, anh luôn ở bên em". Đây là lần đầu tiên tôi biết thế nào là sinh nhật. Anh đã đến bên tôi nhẹ nhàng như trời Đà Lạt, không ồn ào vội vã, không một lời tỏ tình như những chàng trai khác. Trông anh chững chạc, đàng hoàng. Anh âm thầm giúp tôi mọi việc, che chở khi tôi bị ức hiếp, nâng đỡ khi tôi suy sụp tinh thần. Tôi bắt đầu thấy tự tin khi có anh chia sẻ. Không biết từ lúc nào tôi đã yêu anh.
Cuộc sống thay đổi đối với tôi. Anh không cho tôi đi làm sau những giờ học nữa. Đã có lúc anh phải đi làm đất trồng la gim, quét sơn nhà để lấy tiền đóng học phí cho tôi. Căn bệnh thiếu can xi huyết thường tái phát, thêm vào đó là sự lao lực quá nhiều, đã có lúc tôi ngất đi trong giờ học. Những lúc như vậy anh bồng tôi từ trường về chỗ trọ, và khi tỉnh dậy nhìn anh kiên nhẫn bón cho tôi từng thìa cháo, tôi thương anh đến nao lòng.
Cuộc sống và cái nghèo quanh quẩn, có lúc tôi thấy sự bế tắc, nhưng tôi vẫn đứng vững được là nhờ vào tình yêu của anh. Những buổi chiều thứ bảy, sau khi tan học, anh đưa tôi dạo quanh bờ Hồ Xuân Hương, kể cho tôi nghe kỷ niệm thời thơ ấu và những điều thuộc về gia đình anh. Tôi lẳng lặng nghe và tự hào...
Cứ ngỡ tình yêu của chúng tôi không bao giờ tan vỡ, tôi tin anh như tin chính cuộc đời mình. Nhưng có ngờ đâu, lại một chữ "ngờ", nó đã thay đổi số phận của chúng tôi. Kết thúc khóa học, tôi háo hức trở về với gia đình như những kỳ nghỉ khác, nơi đó có ba mẹ và các em tôi đang chờ đợi. Tôi không nghĩ rằng đó là ngày định mệnh của tôi và anh. Tôi không muốn xa gia đình, càng không muốn mất anh. Nhưng anh cũng còn có một trách nhiệm như tôi. Anh là con trai đầu trong gia đình, và là cháu đích tôn của một dòng họ lớn. Rất nhiều mối quan hệ ràng buộc, nên anh phải hy sinh tình yêu của chính mình. Tôi không có quyền bắt anh lựa chọn nhưng khoảng cách là một lý do để ba mẹ anh buộc chúng tôi phải xa nhau, và cũng vì gia đình tôi không môn đăng hộ đối với gia đình anh.
Khi biết rằng tình yêu của chúng tôi bị ngăn cản từ phía gia đình anh, tôi đã gục ngã trong đau đớn. Từ Quảng Bình xa xôi, anh thường gọi điện vào an ủi: "Em đừng khóc nữa, anh đau lòng lắm. Em khóc nhiều rồi ngã bệnh, không có anh bên cạnh lấy ai mà chăm sóc cho em". Rồi những lần điện cứ vơi dần, vơi dần theo ngày tháng. Đến một ngày tôi nhận được điện từ mẹ anh với nội dung "Hãy buông tha cho con trai bà". Rồi tiếp đến lá thư với những lời đau lòng của anh dành cho tôi. Thế là hết.
Trong lúc tôi đau đớn vì mất anh thì một tai họa khác lại ập đến. Một ngày kia sếp gọi tôi lên thông báo cho nghỉ việc, vì cơ quan thừa biên chế. Không còn gì nữa, tôi chông chênh giữa cuộc đời. Tôi thất vọng và gục ngã. Đã có lúc tôi muốn tìm đến cái chết. Nhưng không, tôi phải sống, phải khẳng định. Bên cạnh tôi còn có rất nhiều người tốt. Ba mẹ, các em tôi, và có lẽ cả anh nữa không ai muốn nhìn tôi đau đớn. Trường đời không phẳng lặng như mặt hồ Xuân Hương ngày ấy, phải biết đứng lên sau một lần vấp ngã, văng vẳng trong tâm là lời động viên mình như vậy. Tôi bắt đầu một ngày mới và một tập hồ sơ mới. Rồi một ngày tôi được nhận vào một công ty du lịch, tôi dốc hết sức mình vào làm và học. Thấm thoắt mới đó mà đã hai năm, tôi đã đứng vững trong nghề và dần có một chỗ đứng, được sếp tin dùng, đồng nghiệp yêu thương.
Trong một lần đi công tác, tôi có dịp đến quê anh, thăm gia đình và tôi đã thủ thỉ với mẹ anh những điều mà hơn hai năm qua tôi muốn nói. Bà đã khóc, những giọt nước mắt của người mẹ yêu con mà tôi đang chia sẻ. Cảm động hơn khi bà bảo: "Mẹ xin lỗi vì làm khổ con". Bà đưa địa chỉ và bảo tôi hãy đến với anh. Nhưng tôi không thể, giữa chúng tôi đã có một khoảng cách, có một hướng đi riêng mà mỗi người đã lựa chọn. Được biết anh cũng đang đi trên con đường nghề nghiệp như tôi, cũng dõi theo mỗi bước chân tôi đi, và cầu mong cho tôi hạnh phúc.
Như những gì tôi dành cho gia đình mình, anh trở thành một phần máu thịt trong tôi. Có những thành công không phải chỉ nhờ vào đôi chân của mình, mà ở đó có sự góp phần của những người yêu thương. Không đến được điểm cuối cùng là cuộc hôn nhân hạnh phúc nhưng tôi không oán trách anh. Anh mãi mãi là người bạn đường tốt bụng trên bước đường tôi chinh phục tương lai.
. Nguyễn Vũ Quỳnh Trân |