Thứ năm, ngày 10/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
Đoạn gãy

 

Phượng ngồi trên vệ cỏ, ngay cạnh một bờ mương. Con mương ngoằn ngoèo lúc thẳng lúc gấp khúc khuỷu theo bờ ruộng. Phượng phóng tầm mắt ra xa, cả một cánh đồng lúa bạt ngàn, xanh ngát. Sóng lúa mênh mang, lúa đang trổ đòng đòng. Không gian trong vắt và thoáng đãng khiến cho hương lúa quyến rũ đến lạ lùng. Phượng với tay ngắt một nhánh, những hạt lúa còn non nhưng căng tròn. Phượng cắn một hạt, một dòng sữa trắng chảy ra ngòn ngọt. Phượng phân vân, có phải lúa đương thì con gái không nhỉ? Sinh ra và lớn lên ở thành phố, những điều tận mắt bây giờ Phượng chỉ biết lơ mơ qua sách vở, phim ảnh. Nhìn vào Phượng lúc này có lẽ ai cũng nghĩ là một cô thôn nữ, nón đội đầu, bộ đồ hoa sẫm màu. Nhưng bề ngoài “thôn dã” ấy vẫn không giấu nổi nét rực rỡ của tuổi mười chín. Một cái nhói trong bụng khiến Phượng không đứng ngay lên được.

*

Cô nữ sinh trung học có vóc người tròn trịa, cân đối với dáng đi uyển chuyển đã làm không ít chàng trai trong trường thầm thương trộm nhớ. Nhưng với Phượng, học tập là niềm say mê của cô. Cô có năng khiếu về ngoại ngữ. Thầy giáo của Phượng luôn khích lệ, động viên cô. Phượng mơ ước sẽ thi vào đại học ngoại ngữ để sau này trở thành hướng dẫn viên du lịch.

Một buổi cùng trực trường, Phượng đã tiếp cận “đôi mắt đen” ấy. Mỗi khi vào lớp, hoặc giờ chuyển tiết, những buổi thứ hai chào cờ... Phượng lại bắt gặp “đôi mắt đen” kia. Thi thoảng, nó cũng lởn vởn ngay bàn học của Phượng và có khi cả trong giấc ngủ nữa. Nhưng quả thực bây giờ mới kề cận.

- Mình là Sơn đây- “đôi mắt đen” nói - Hôm nay Phượng cũng trực trường à?

Cử chỉ lúng túng của Sơn làm Phượng bật cười. Sơn có dáng người dong dỏng cao, gương mặt sáng sủa, là người luôn đứng đầu lớp về toán - lý và là thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi của trường.

- Phượng nhìn kìa, hoa phượng đã bắt đầu nở rồi đấy.

Phượng nhìn theo hướng tay Sơn chỉ. Những nụ hoa đã bắt đầu xoè ra dưới những tán là xanh rì, chẳng mấy chốc mà từng chùm đỏ rực thắp sáng cả mùa hè. Ôi mùa hè, Phượng bỗng thấy lòng nao nao, mùa hè cuối cùng của tuổi học trò. Sắp tới đây sẽ phải xa mái trường, xa lớp học thân yêu, bạn bè mỗi đứa mỗi nơi...

- Phượng định thi vào trường nào - Sơn hỏi, làm ngắt dòng suy nghĩ của Phượng. Phượng không nói, ngồi xuống lấy tay ghi trên mặt đất: ĐHNN - “Đại học ngoại ngữ à” - “Không, nông nghiệp”- Phượng cười. Sơn tỏ ra ngạc nhiên. Vóc dáng tiểu thư, làn da trắng mịn màng kia mà lại đi trồng lúa sao?

- Thật hả Phượng ?

- Mình cũng chẳng biết nữa - Phượng vẫn cười cười, nghiêng mái tóc xô xuống che nửa khuôn mặt - Thế còn Sơn?

- Mình thi kinh tế - Sơn trả lời.

Nhưng kìa, “đôi mắt đen” nhìn gì mà khiếp thế. Phượng bỗng cảm thấy bối rối.

- Phượng, Phượng - Sơn...mình ...rất mến Phượng, Phượng có biết không?

Phượng ngước cặp mắt đen, to tròn lên nhìn Sơn. Ô, cái anh chàng trông lúc nào cũng nghiêm túc như một triết gia ấy bây giờ có bộ mặt đỏ dừ như... hoa phượng. À Phượng nhớ ra rồi, có lần mẹ kể, mẹ bảo mẹ đặt tên con là Đan Phượng là để kỷ niệm lúc bố tỏ tình với mẹ dưới gốc phượng. Khi ấy mẹ đã đan tặng bố một cái áo len, vì mẹ thấy mùa lạnh nào bố cũng chỉ mặc mỗi chiếc áo công nhân mà phải đứng tít trên tầng cao của công trình. Mẹ thương lắm. Rồi mẹ bảo: “Mẹ biết, con gái mà mang tên các loài hoa là khổ lắm, nhưng mẹ và bố có nhiều kỷ niệm ở gốc phượng, nên mẹ muốn giữ”. Phượng vội nhắm mắt lại. Một cái gì thật nhẹ lướt qua má Phượng. Một giây thôi, nhưng như có một luồng điện làm Phượng chợt bừng tỉnh. Phượng ù chạy...

Những ngày sau Phượng cố tránh “đôi mắt đen”. Một lần, trước khi vào lớp, một giọng nói quen quen khiến Phượng dừng lại.

- Phượng, Phượng ơi, cho Sơn xin lỗi.

Hơi thở của Sơn phà vào mặt Phượng. Phượng mỉm cười thật xinh. “Không, Sơn không có lỗi gì cả. Chỉ vì...vì Phượng sợ quá đấy thôi”!

*

Và từ đó, ngày tháng cứ như một cú rút của vận động viên sắp về đích. Tình yêu càng ngày càng trở nên nồng thắm, việc học hành của Phượng trở nên nhòa nhạt. Phượng thi tốt nghiệp chỉ đạt loại trung bình và vào đại học chỉ đạt nửa số điểm. Nhưng nỗi buồn chẳng bao lâu đã nhường chỗ cho nỗi sợ cứ ám ảnh Phượng. Phượng hốt hoảng khi mẹ hỏi: “Sao dạo này mẹ thấy con xanh xao quá, lại biếng ăn quá, người xanh rớt ra như thế kia, con bị ốm hay thấy trong người khó chịu thế nào hả con?” Ánh mắt mẹ dò xét làm Phượng bối rối và thấy lo sợ. Phượng chạy về phòng ôm mặt khóc.

- Có chuyện gì thế hở con ? Con đã làm gì rồi, xấu hổ cha mẹ quá con ơi ! - Linh cảm của người mẹ khiến bà không kìm chế được.

- Không thể như thế được - Bố quát lên. Mày bảo thằng Sơn lại đây gặp tao.

Chẳng hiểu sao hôm ấy trời mưa rả rích, không khí ướt nhèm nhẹp. Phượng đạp như bay đến tìm Sơn. Sơn đang hớn hở với niềm vui thi đỗ đại học.

- Sơn ơi, chúng mình đã có... - Phượng khóc nức lên.

- Sao, Phượng nói sao ?

- Vừa rồi Sơn bận thi nên Phượng không tiện nói... - Phượng hổn hển.

- Thế làm sao bây giờ... - Qua làn nước mắt Phượng thấy mặt Sơn tái dần đi. Một thoáng, dáng Sơn chùng xuống. “Thôi, để Sơn sẽ thưa với bố mẹ”.

*

Bố thì nghiệt nghã, mẹ thì than trời, trách phận. Ngay cả bà nội cô, người chiều chuộng và hay bênh vực cô từ bé cũng mắng: Nhà này không chấp nhận cái ngữ ấy... Tất cả, ai cũng chì chiết cô. Bạn bè thì xì xầm: “Con Phượng trông hiền thế mà...”. Nhưng không có gì xót xa bằng sự từ chối của cha mẹ Sơn. Rằng tương lai của Sơn đang rộng mở phía trước. Rằng họ chỉ có Sơn là con trai duy nhất. Rằng họ sẽ chu cấp một khoản tiền lớn cho Phượng đến bác sĩ với điều kiện đừng “làm phiền” Sơn. Bầu trời như sụp đổ trước mắt Phượng khi Sơn vì quá phụ thuộc vào bố mẹ và không đủ bản lĩnh để đứng ra bảo vệ tình yêu, quyết định hạnh phúc cho chính mình. Sơn đã không dám gặp Phượng nữa. Phượng chỉ muốn chết nếu không có thím. Nghe chuyện, thím đến thăm và đã kiên quyết đứng về phía Phượng.

- Anh chị để cho nó một con đường sống chứ. Mọi người chúng ta phải biết nhìn thẳng vào sự thật. Có gì ghê gớm lắm đâu, đừng làm cháu nó quẫn trí - thím nói một hơi dài - Nếu anh chị cho phép, em sẽ đưa cháu về quê một thời gian...

Rồi hằng đêm khi chỉ còn hai thím cháu, thím nói chuyện cho Phượng nghe về cuộc sống, về những lẽ phải trái ở đời. Hai con thím giờ đều đã có cuộc sống riêng và ở xa. Chú đã mất vì bạo bệnh. Nhà chỉ còn lại mình thím nên thím thích đi đâu tùy ý. Thím kể, thời con gái cũng bằng tuổi Phượng như bây giờ, thím cũng yêu một người, người ấy là thủy thủ. Người ấy và thím yêu nhau lắm, cũng thề non hẹn biển nhưng rồi cá nước chim trời, yêu nhau trọn tình để xa nhau mãi mãi. Người ấy đi xa để lại cho thím một trời hy vọng. Cuộc sống cứ theo dòng chảy của nó. Mỗi người rồi cũng có cuộc đời riêng. Thím bảo, dù sao đó cũng là món quà thượng đế ban tặng, chính sự tinh khiết huyền ảo làm cho nó đẹp mãi trong lòng mỗi người. Nếu người ấy không đi xa, chắc thím cũng chẳng tránh khỏi như Phượng bây giờ. Thím choàng tay ôm lấy Phượng vỗ về: Cháu cũng đừng trách bố mẹ mà tội, bởi vì bố mẹ cháu yêu nhau và xây dựng hạnh phúc chỉ với một mối tình duy nhất. Tình yêu trọn vẹn thường là khắt khe vậy đấy. Lúc nóng giận thì thế chứ cha mẹ nào chả thương con. Cháu biết không, tất cả những thứ cháu thích là bố mẹ cháu gửi về đấy. Bố mẹ cháu bảo để cháu nguôi ngoai bớt đi rồi sẽ đón cả hai mẹ con về, ông bà sẽ trông cháu để Phượng vào đại học. Cháu đừng buồn, mà hãy giữ lấy. Đó là dấu tích một tình yêu cho dù nó có phũ phàng.

Thím nhìn Phượng cười âu yếm. Nụ cười làm gương mặt thím trẻ hẳn lại. Chắc người ấy của thím phải mê nụ cười này lắm.

Được thím chăm sóc ân cần, Phượng không cảm thấy nặng nề u uất nữa. Cô nhìn cuộc sống bằng cái nhìn tươi dần lên. Cô tự hứa với chính mình, hai năm nữa cô sẽ thi vào đại học Nông nghiệp. Có những điều mà không bao giờ nghĩ thì nó lại đến, hết sức ngẫu nhiên; ngược lại có những điều trở thành nỗi khát khao đến cháy bỏng thì không bao giờ thành sự thật...

Nhất định Phượng sẽ trở thành một kỹ sư nông nghiệp giỏi. Cô cắn thêm vài hạt lúa, dòng sữa non trắng đục chảy ra. Ôi đất mẹ đã tạo ra sự sống, cho cuộc đời trở nên có ý nghĩa hơn, xanh tươi hơn. Phượng mỉm cười, trước mắt cô chân trời đã hừng lên một màu sáng, hứa hẹn mùa lúa mới.

Kim Hà

Nam Định, Xuân 2003

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn