Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi có dịp đi công tác tại thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam). Anh Mười Chấp, Bí thư thị xã thời kháng chiến chống Mỹ đưa tôi đến thăm một gia đình có con là chiến sĩ giải phóng quân. Vừa đến cổng một ngôi nhà ngói, anh hỏi tôi:
- Nhà báo có nhớ nhà này không?
Tôi đưa mắt quan sát kỹ ngôi nhà và các nhà lân cận, nhưng chỉ nhớ mang máng rằng vào một đêm tháng 10 năm 1970, tôi được anh Mười Chấp đưa vào nội thị có đến khu phố này, vào một số gia đình để tuyên truyền, giải thích đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chính sách đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nhưng gia đình này là gia đình nào thì tôi không thể nhớ ra được. Từ trong nhà bước ra một thanh niên mặc quần áo giải phóng quân, chân trái đi nạng gỗ và một cô gái mặc áo dài màu xanh lơ. Đi cùng hai nam nữ thanh niên là hai ông bà tuổi gần 60. Anh Mười Chấp lại hỏi tôi:
- Anh Nam có biết cặp uyên ương này là ai không?
Cố nhớ lại, tôi thấy hai gương mặt trông quen quen, hình như tôi đã có lần gặp tại vùng giải phóng Quảng Nam. Kéo tay tôi vào nhà, sau khi ngồi vào bàn khách, anh Mười Chấp chậm rãi nói:
- Đây là cậu Tú Thành mà anh đã viết trong bài Tuổi trẻ Quảng Nam đăng trên báo Cờ giải phóng khu V, đây là cô Tú Đào mà anh và tôi đã gặp tại vùng hậu cứ Quảng Nam, và đây là ông bà Ba, cha mẹ em Thành là gia đình mà anh và tôi đã đến đầu tiên trong cái đêm tôi đưa anh vào nội thị…
Tôi đứng dậy reo lên “Tôi nhớ ra rồi!” và đưa tay nắm chặt tay Thành và tay cô Đào. Tôi quay lại lễ phép phân trần với cha mẹ em Thành:
- Xin lỗi chú và cô, vì đêm đó vội đến, vội đi nên cháu không thể nhớ được. Giờ cháu mới nhớ ra rằng đêm đó chú đã gửi tặng cháu hai hộp trà Mai Hạc. Đến nay, anh em cánh nhà báo chúng cháu vẫn còn nhớ mùi hương thoang thoảng và vị chát ngọt ngào của trà. Thế mà cháu lại không nhận ra chú và cô, thật quá dở! Cháu thành thật xin lỗi…
Ông Ba chậm rãi nói:
- Chuyện nhỏ, không có gì phải áy náy… Báo cáo với anh Mười và anh Nam, hôm qua ngày lành, tháng tốt, hai cháu Thành và Đào đã làm lễ cưới, có đông đủ các bạn đồng môn, bạn chiến đấu của hai cháu đến dự rất vui. Thú thật với hai anh nếu thằng Thành không được cách mạng giác ngộ mà nghe theo sự sắp xếp của gia đình cưới cháu Đào từ năm 1967 thì ngày nay hai đứa nó không thể có được niềm vinh dự và tự hào đứng trong hàng ngũ cách mạng góp phần công lao nhỏ bé vào sự nghiệp giải phóng quê hương… Giờ nghĩ lại tôi thấy mình không thức thời bằng chúng nó. Nhưng mà, con hơn cha là nhà có phúc, phải không các anh?
Qua những phút giây gặp gỡ trò chuyện, tôi nhớ lại năm 1967 khi đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, trong giới trí thức và học sinh sinh viên Quảng Nam – Đà Nẵng dấy lên mạnh mẽ phong trào chống Mỹ – ngụy. Nhiều học sinh đang học bậc tú tài hay vừa thi đậu tú tài đã trốn gia đình ra vùng giải phóng xin gia nhập giải phóng quân hay thanh niên xung phong. Trong số học sinh nói trên có em Thành vừa thi đậu vào Đại học văn khoa Huế, cha mẹ đã định ngày cưới vợ, nhưng em đã cùng hai người bạn được cán bộ cơ sở hợp pháp dẫn đường nửa đêm bơi qua sông, lặn lội ra vùng giải phóng. Tại vùng căn cứ Trà My, khi làm nhiệm vụ phóng viên báo Cờ Giải phóng khu V, tôi đã gặp gỡ, trò chuyện với em Thành. Em tâm sự:
- Em là đứa con duy nhất của một gia đình khá giả làm nghề buôn bán. Cha mẹ em không làm gì cho chính quyền Sài Gòn, và cũng không tham gia cơ sở cách mạng. Thỉnh thoảng có người tin cậy ra vùng giải phóng thì cha mẹ em gửi thuốc men, quà bánh tặng bác Mười Chấp. Sợ em bị địch bắt đi quân dịch, cha mẹ em tìm cách lo lót bọn chính quyền và buộc em phải cưới vợ… Ý trung nhân của em là cô Đào, bạn học cùng trường, dưới em hai lớp. Đào yêu em chân thật và tha thiết. Cô ấy có tinh thần yêu nước và chống Mỹ. Đào động viên em nên trốn ra vùng giải phóng tham gia kháng chiến, sau một thời gian cô ta sẽ thoát ly gia đình lên căn cứ tham gia chống Mỹ, cứu nước. Đào thủ thỉ với em rằng “Là thanh niên có học, nếu chúng mình không có ít nhiều đóng góp vào sự nghiệp giải phóng quê hương, sau ngày kháng chiến toàn thắng, dị lắm!…”. Thế là hai ngày trước khi tổ chức đám cưới, em đã được các cô giao liên hợp pháp đưa ra vùng giải phóng. Giờ thì em đã yên tâm về phần mình, còn về Đào thì em rất lo. Con bé xinh đẹp, dễ thương, thông minh và có nghị lực sợ bị gia đình ép lấy chồng khác, sợ nhất là bị bọn quyền thế o ép…”.
Năm 1970, tôi lại có dịp đi công tác Quảng Nam. Tại vùng căn cứ Phước Sơn, tôi tình cờ gặp cô Tú Đào đang công tác tại trạm quân y dã chiến của tỉnh. Đào cho tôi biết sau khi cô về đây được hai tháng thì được gặp lại Thành trên đường đi chiến đấu bị mìn Jíp của Mỹ cắt đứt chân trái phải vào trạm quân y cấp cứu. Chính Đào là hộ lý trực tiếp chăm sóc Thành. Điều trị gần 10 ngày thì Thành được chuyển ra Bắc. Đào bộc bạch:
- Trước khi chia tay nhau, anh Thành có viết tặng em mấy câu thơ: “Càng xông pha chiến trận, Càng sáng bừng thủy chung. Càng lao vào lửa đạn, Càng yêu em tột cùng. Tình yêu gieo sự sống, Ngày giải phóng xanh mầm”.
Tôi hỏi Đào:
- Từ ngày Thành ra vùng giải phóng em sống trong vùng địch như thế nào?
Đào ngậm ngùi kể lại những nỗi khổ ải phải vượt qua. Là nữ sinh có nhan sắc, Đào luôn bị bọn quyền thế của tỉnh, thị xã đến o ép phải lấy con trai chúng. Đào tìm mọi cách lần lữa qua ngày. Chúng giở trò dọa dẫm gia đình Đào rằng nếu Đào không chịu lấy con trai tên thị trưởng Tam Kỳ để có sự che chở thì sẽ bị kết tội có liên quan với Việt cộng là giải phóng quân, sẽ bị bắt bớ, đánh đập, tra tấn, tù đày… Trước tình thế bức bách, ý tưởng thoát ly gia đình lên căn cứ tham gia kháng chiến được nhen nhóm, lúc Thành trốn ra vùng giải phóng, nay như ngọn lửa cháy bùng lên nóng bỏng tâm can Đào. Được cơ sở hợp pháp nội thị giúp đỡ, Đào trốn ra vùng giải phóng…
Nhớ lại mọi chuyện, tôi ân cần hỏi Thành và Đào:
- Từ sau ngày Thành ra Bắc điều trị đến ngày giải phóng miền Nam, hai cô cậu làm gì, ở đâu?
Đào vui vẻ kể:
- Em tiếp tục phục vụ tại trạm quân y được hơn hai năm thì chuyển sang thanh niên xung phong gùi cõng súng đạn phục vụ chiến trường. Liễu yếu, đào tơ như em, lúc đầu gùi cõng chừng 15-20 kg đã là ê ẩm, khổ sở lắm rồi. Sau rồi cũng quen dần. Trong chiến dịch mùa xuân lịch sử năm 1975, em gùi cõng đến 50-60kg nhưng thấy nhẹ tênh tênh. Có lẽ vì em háo hức ngày quê hương hoàn toàn giải phóng được gặp lại anh Thành, được sum họp gia đình, nên quên mọi gian lao, vất vả… Còn anh Thành, sau khi điều trị lành vết thương, trên cho đi học Đại học sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp xong, ra dạy được mấy tháng thì miền Nam hoàn toàn giải phóng. Anh ấy xin về Tam Kỳ ngay. Thế là chúng em được gặp lại nhau, được đoàn tụ gia đình, mừng vui đến phát khóc!…
Tôi hỏi đùa Thành:
- Sao em không kiếm một cô gái Hà Nội duyên dáng, thanh lịch có giọng nói ngọt ngào như tiếng oanh vàng líu lo?
- Em mà làm vậy thì còn mặt mũi nào dám gặp lại Đào!
- Còn Đào, có chồng thương binh cụt một chân không sợ khó khổ sao?
- Đối với em, cái vô giá và hạnh phúc nhất là lòng chung thủy, chung thủy với lý tưởng cách mạng, chung thủy với người yêu, khó khăn, gian khổ mấy em cũng không sợ. Hồi còn ngồi ghế nhà trường mới yêu nhau, chúng em luôn nhắc nhở nhau là phải giữ trọn lòng chung thủy. Mấy câu thơ anh Thành viết tặng em lúc chia tay là lời nhắc nhở sâu sắc, đầy tin tưởng “Tình yêu gieo sự sống, Ngày giải phóng xanh mầm!”.
- Có đúng như vậy không Thành? (Tôi hỏi)
Thành không trả lời mà ngả đầu vào ngực Đào, âu yếm nhìn người bạn cùng chung lý tưởng. Thấy vậy, anh Mười Chấp cười bảo:
- Hai đứa bay thật tân thời!
Mọi người cười vui thanh thản!…
Hoài Nam |