Chủ Nhật, ngày 6/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
Ba tôi

Cho đến khi sắp nhắm mắt xuôi tay ba tôi còn kịp tỉnh táo để trao lại cho chúng tôi - những đứa con của Người một quyển sổ bìa đen cũ kỹ, bạc màu, bên trong là những trang giấy ố vàng chi chít chữ và một tấm giấy nhỏ được ép plastic gần bằng bàn tay: giấy chứng nhận  huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Những dòng chữ bé nhỏ ngoằn nghèo trong quyển sổ bé nhỏ ấy đã nói lên bao điều, có trang như viết nhật ký, có đoạn như tự sự, tâm sự, có đoạn lại là những lời nhắn nhủ dặn dò con cái đầy thương cảm.

Lắp ráp lại những điều ba tôi viết, chúng tôi thêm hiểu những tâm sự sâu sắc của cuộc đời ông như một dòng sông dạt dào chở nặng phù sa. Đó là những trang thắm cuộc đời ba tôi để lại cho các con...

Hà Nội ngày... tháng... năm 1962. Ba sắp được trở về quê hương miền Nam sau 8 năm cách xa đằng đẵng. Ba tập kết ra Bắc theo nhiệm vụ của Đảng giao, nay theo tiếng gọi của Đảng, của quê hương ba lại trở về quê trong nỗi niềm rạo rực mong nhớ yêu thương vô hạn.

... Con Ch. của ba ơi ! Khi từ đất nước của Lênin  trở về con sẽ không được gặp ba nữa, ba biết là con sẽ thương nhớ biết chừng nào. Tạm biệt thằng con trai hiền lành, hiếu thảo ba mong con ngày một trưởng thành học hành không thua kém bạn bè để không phụ công ơn của Đảng và Bác Hồ. Ba về quê hương, về với mẹ con và 5 chị em gái của con đây. Ba sẽ góp phần cùng đồng bào chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược, giải phóng quê hương. Ba sẽ không được ra ga đón con để được ôm con trong lòng và vui cùng những thành tích học tập xuất sắc mà con đã báo cho ba trong thư.

Sơn Tây ngày... tháng... năm 1962.

... Bà nó ơi ! Tôi đang về với bà và các con đây. Mấy năm nay bặt tin gia đình, ngày Bắc đêm Nam lòng tôi ngổn ngang thương nhớ. Bà có biết không tôi đã tích cực tập luyện cho có đủ sức khỏe, đủ sức chịu đựng gian khổ để thực hiện được ước mong trở về quê hương. Hàng ngày tôi phải tập đi bộ hàng chục cây số mang chiếc ba lô đựng đầy gạch nặng khoảng 35 – 40 kg  trên lưng và phải tập leo lên núi  - làm cho chân cứng đá mềm mà. Là anh trai cày đi theo cách mạng, nay đã 46 tuổi rồi, tôi thấy mình còn khỏe lắm. Tôi cố mang nhiều gạch, mang nặng hơn để cho quen vất vả ở chiến trường...

... Mình đã đi thăm lại mấy ông bạn quen thân của cơ quan cũ ở khu Hoàn Kiếm, Hà Nội, thăm ông bạn thân người Nam bộ nằm cùng phòng. Ông ơi, tôi về là để tạm biệt ông đây. Có thể nay mai ông cũng về quê như tôi, khi đó ông mới hiểu hết tâm sự của tôi lúc này. Nhiệm vụ thật bí mật vì vậy tôi không dám nói rõ với ông. Tạm biệt nhé Câu lạc bộ Thống nhất – nơi bà con đồng hương miền Nam thường gặp gỡ hẹn hò trò chuyện với nhau trong những ngày nghỉ, ngày lễ và ngày tết.

... Chao ơi, không biết mình đã đi qua bao nhiêu cánh rừng, bao nhiêu ngọn núi, trạm giao liên, đường đi cứ hun hút thăm thẳm, chân cẳng sưng vù, tóe máu. Ai ai cũng đau đớn, mệt rã cả người nhưng không một ai chịu dừng chân. Những lần đến trạm giao liên là vui hơn cả, như được thắp sáng niềm hy vọng vì  biết đâu lại gặp được người cùng quê, hoặc hỏi thăm tin tức về gia đình...

... Ngày... tháng... năm 1963. Gần 3 tháng lặn lội đường rừng Trường Sơn mới đến được điểm tập kết của mình  - không phải là quê mà là tỉnh Khánh hòa. Bà và các con ạ ! Với người cách mạng đâu cũng là quê hương cả. Ở đây tôi được nghe câu ca dao :

                                  Anh về Bình Định thăm cha,

                          Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em.

Về đến đây là tôi thấy gần bà rồi.

... Con Ch. ơi, sắp hết năm 1966 rồi, chắc là con đã về nước. Vì nhiệm vụ bí mật, lúc đi ba không thể báo cho con biết được. Ba về tỉnh K. không có điều kiện  gặp mẹ con và các chị em con. Dù nỗi mong nhớ ngày đêm, nhưng vì nhiệm vụ cách mạng (cũng như nhiều anh em khác) ba phải hy sinh tất cả như lời thề nguyền với Đảng, với Bác trước lúc lên đường. Đã hơn 10 năm cách xa đằng đẵng, bom đạn của giặc cày xới khắp miền Nam... chẳng biết mẹ con và các chị em con sống chết ra sao ? Ba có anh bạn người cùng đơn vị mới trở về, nghe tin vợ và 2 con anh bị Mỹ ngụy bắn chết cả trong một trận càn vì chúng có chỉ điểm  -  xăm và khui hầm bí mật trong nhà...

... Bà ơi, hôm nay tôi như được gặp bà thật sự chứ không như mọi lần trong hàng trăm giấc mơ đâu. May mắn làm sao, trên đường công tác tôi được gặp con H. Nó là y sĩ trạm phẫu.  Cha con gặp nhau không nói nên lời. Nó cứ ôm riết tôi mà khóc. Con mình đã trưởng thành theo cách mạng. Đó là niềm tự hào cho bà và tôi. Con cho biết bà vẫn một lòng chờ đợi thủy chung, lòng tôi thương bà vô hạn và cũng đau khổ vô cùng. Bà ơi, đất nước bị chia cắt, chiến tranh gian khổ biết bao nhiêu, bọn Mỹ ngụy tàn ác trời không dung đất không tha. Biết bao gia đình bị chia lìa, ly tán, chuyện mất còn chẳng lường trước được... Như bà, tôi cũng một lòng đợi ngày đất nước thống nhất, gặp lại bà và các con, cầu mong gia đình ta sum họp đông đủ mọi người...

... Con Ch. à, bây giờ ba có thể báo cho con tin vui. Ba đã gặp được con H. -  người em gái của con trên đường công tác. Mẹ con cho nó nhảy núi. Nó là y sỹ trạm phẫu. Nó hỏi về con rất nhiều. Nó kể tỉ mỉ về mẹ con, về chị hai, các em và đặc biệt là đứa em gái út của con – tên là Chín. Ba chưa biết mặt con Chín nhưng nghĩ thương nó qúa, lúc ba đi tập kết nó còn nằm trong bụng mẹ. Con H. nói mẹ con là cơ sở cách mạng, mặc dù mẹ con bị quản thúc, quản chế, gian khổ trăm điều. Bọn giặc càn phá ác liệt và muốn biến quê hương mình thành vùng trắng. Cánh đồng quê ta màu mỡ trù phú, đồng ruộng xanh tươi là thế mà giờ cỏ lác mọc lút đầu người.

... Bọn giặc muốn xúc cá ra khỏi nước và tát cạn cả nước luôn. Nhưng làm sao được. Bà con xã mình vẫn một lòng theo cách mạng, bám trụ đấu tranh với giặc một tấc không đi, một ly không rời. Con Ch. ơi, ngày thống nhất đất nước nhất định các con phải về xây dựng lại quê hương mình, nghen con.

Còn biết bao trang giấy ba tôi ghi vội vã những dòng chữ ngoằn nghèo, xiên xẹo, có trang bị nhòe hết  không biết là do mưa nắng dãi dầu, hay là do  ông đã không cầm được nước mắt mỗi khi viết và đọc lại về những nỗi nhớ thương, đau khổ khôn nguôi của chính mình.

Trong quyển sổ nhỏ bé đó ba tôi còn kể: một lần ba tôi đi công tác bị thương, rồi bị bệnh và được cấp trên đưa ra Bắc chữa bệnh. Sau lần bị mổ do lồng ruột, điều trị xong thấy hơi khỏe ông lại tiếp tục xin trở về miền Nam. Lần này ông được toại nguyện vì được hoạt động tại khu căn cứ của tỉnh nhà. Trong chiến dịch  tổng tiến công giải phóng miền Nam mùa xuân năm 1975, ông đã có mặt cùng đoàn quân cách mạng về giải phóng Qui Nhơn vào ngày 31 tháng 3 năm 1975.

Qua hơn 20 năm xa cách, vượt qua bao gian khổ, mất mát, thử thách và hy sinh trong cuộc chiến tranh ác liệt, tàn khốc do Mỹ ngụy gây ra, ba mẹ và tất cả anh chị em gia đình tôi may mắn được đoàn tụ trên mảnh đất quê hương sau này được Nhà nước phong tặng là xã Anh hùng. Trong niềm vui chung, chúng tôi thấy một điều hạnh phúc nhất của những người con trong gia đình mình là tình cảm vợ chồng của ba mẹ tôi vẫn nguyên vẹn thủy chung, giữ trọn lời thề nguyền son sắt.

Hiếu Hà
Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vân  (21/02/2003)
Lệ vui ngày cưới  (21/02/2003)
Tùng "ốc gạc"  (21/02/2003)
Ba tôi  (21/02/2003)
Hoa xác pháo  (21/02/2003)
Tình yêu gieo sự sống  (21/02/2003)
Đôi bạn của tôi  (21/02/2003)
Đoạn gãy  (21/02/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn