1- Nhân chuyến công tác tại TPHCM tháng 2/2003 vừa rồi, tôi đến thăm nhà bà chị họ. Trước mặt tôi là một người đàn bà tuổi đã “ngũ tuần”, gầy gò, da xanh xao, mình mẩy ướt đầy mồ hôi, tay chân co giật liên hồi. Tôi hỏi về bệnh tình của chị, được chồng chị cho biết: Cô ấy lại bị bệnh cũ, lên cơn động kinh vì trước đây bị địch tra tấn lúc bị bắt làm tù binh đấy mà! Tôi ngạc nhiên, vì từ trước tới giờ tôi chưa được biết chị tôi đã từng là tù binh. Thay vì ở khách sạn thì tôi ở lại nhà chị, trước là để thăm sau là để hỏi chị về những năm tháng chị ở tù. Khi chị tôi tỉnh lại, nhìn thấy tôi, chị rất vui, nghe tôi hỏi, chị xúc động, hồi tưởng và kể lại chuyện xưa…
2- Chị tôi sinh ra và lớn lên trên vùng quê miền biển Hoài Hương (Hoài Nhơn, Bình Định) hiền hòa. Tuổi ấu thơ của chị không có lấy một ngày bình yên. Hàng ngày chị phải chứng kiến cảnh giặc tàn sát người dân vô tội, bắn chết thả ra biển, xác chết lại trôi dạt vào bờ trông thật thương tâm. Tiếng đạn pháo kích của giặc làm cháy nhà, chết người, làng xóm tan hoang là chuyện như ăn cơm bữa. Trong một cơn sốt mê man, chị tôi được cô tôi chăm sóc. Qua cơn sốt chị tôi tỉnh lại thì cô tôi đã vĩnh viễn ra đi vì trúng pháo địch, trong lúc đó đầu chị tôi còn gối ở tay mẹ. Chị tôi ôm cô tôi khóc nức nở, nghẹn ngào, khóc đến khô cả mắt, khản cả giọng. Tang tóc, đau thương, uất hận, căm thù. Chị tôi quyết định thoát ly lên cứ ở Hoài Ân vào năm 1968, lúc đó chị mới 14 tuổi.
3- Lên cứ, chị tôi được cấp trên cho học y tá, sau nhiều lần tham gia chiến đấu với địch, chị tôi được điều đi bổ sung lực lượng cho C1 bộ đội tỉnh Bình Định .Chị nhớ như in, vào ngày 21/10/1972 đơn vị của chị được giao nhiệm vụ đánh địch đóng ở chợ Trung Lương, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Hành quân lúc 4 giờ chiều, được lệnh nổ súng vào 5 giờ chiều ngày hôm sau. Bị ta bao vây, siết chặt quân địch không thể rút quân được nên đã bị ta tiêu diệt gọn một đại đội địch, thu được nhiều lọai vũ khí. Số địch còn sót do đi tuần ngoài đồng, chúng đã gom lại rồi gọi trực thăng, xe tăng, bộ binh đến cứu viện và vây hãm ta. Bộ đội ta đã chiến đấu rất anh dũng, kiên cường. Có anh đã liều mình xông lên đánh lạc hướng địch để các đồng chí trong đơn vị rút lui an toàn. Có anh đã rút lựu đạn tự sát để khỏi lọt vào tay địch. Trên đường rút lui về đơn vị, bất ngờ chị tôi và một số đồng đội của chị bị phục kích bắt rồi đưa vào trại giam ở Phú Tài, thị xã Quy Nhơn.
Vào năm 1972 phong trào đấu tranh của cả nước nói chung, Bình Định nói riêng phát triển rất mạnh, nhiều vùng giải phóng được rộng mở, làm địch hoang mang lo sợ. Chúng đã chuyển số tù binh ở trại giam Phú Tài vào trại giam Cần Thơ. Trong trại giam, chị tôi là người nhỏ tuổi nhất trại, lúc đó chị tôi mới 18 tuổi. Chính vì thế mà chị được các cô, các chị trong tù coi như con, luôn thương yêu, đùm bọc, dìu dắt chỉ báo cho mọi điều để chị tôi vững vàng đối phó với địch. Mặc cho bao cực hình tra tấn dã man của chúng không hề lay chuyển được ý chí của chị tôi. Biết không thể dụ dỗ, mua chuộc, chúng điên cuồng tra tấn chị tôi một cách hết sức dã man. Chúng bảo chị tôi là con cộng sản cứng đầu, phải cho mày đi tàu thủy mới được. Thế là chúng hòa nước vôi, nước ớt cùng với nước xà phòng đổ vào miệng, vào mũi, vào tai khi nào phình bụng rồi thì chúng leo lên đạp cho nước từ bụng trào ngược trở ra. Cứ thế chúng tra tấn đến năm lần bảy lượt, chị tôi ngất đi không còn biết gì nữa thì chúng lôi bỏ vào phòng. Có hôm chị tôi lại bị địch tra tấn theo kiểu gọi của chúng là “đi cơ giới”. Chúng găm điện vào các đầu ngón tay, ngón chân, vào tai rồi gắm vào điện, thế là chị tôi bị điện giật tung bổng lên rồi rơi xuống đất, ngất xỉu mà chị tôi không hề hay biết gì. Chị tôi một mực không khai gì, tức quá chúng bỏ vào thúng “cô-néc”, bên ngòai chúng dùng báng súng dộng vào, bên trong chị tôi trào máu mũi, máu miệng ra. Trước những trận đòn thù tàn ác, dã man như vậy, chị tôi và các chị em trong tù đều không nao núng trước kẻ thù. Tinh thần đấu tranh của các chị ngày càng cao, tình đồng đội, đồng chí luôn giữ vững. Các tổ chức như Đảng, Đoàn thanh niên trong nhà tù đều được bí mật họat động để lãnh đạo phong trào đấu tranh trong tù. Chị nào có thành tích thì được tuyên dương kịp thời để động viên. Trước sự gan dạ, kiên cường của chị tôi, chi bộ trong nhà tù đã chọn chị tôi là đối tượng Đảng.
4- Phong trào đấu tranh hợp pháp bên ngoài mạnh mẽ, buộc địch phải chấp thuận trao trả tù binh cho ta. Ngày 15/2/1973 chị tôi cùng 904 chị tù binh khác được trao trả lại sân bay Lộc Ninh. Khi bước xuống sân bay, đoàn tù binh của ta được chú Phạm Văn Trà (nay là Thượng tướng Phạm Văn Trà) và cô Nguyễn Thị Định đón tiếp. Trong niềm vui hân hoan được trở về, vừa bước xuống sân bay các chị đã giương cao cờ giải phóng, giăng biểu ngữ hô đả đảo bọn ngụy quyền, khiến chúng kinh ngạc há hốc mồm đứng nhìn xen lẫn cảm phục tinh thần đấu tranh của những người chiến sĩ cách mạng. Chị tôi bị địch đánh đập tra tấn quá dã man nên đã được Đảng và Nhà nước đưa ra miền Bắc điều trị. Sau ngày nước nhà thống nhất chị tôi trở về quê nhà công tác.
5- Trở về, chị hỏi thăm bạn bè cũ để tìm kiếm anh người yêu, người đồng đội cũ năm xưa. Còn anh, dù nghe tin chị hy sinh trong một trận đánh ác liệt nhưng anh vẫn thầm chờ đợi. Nước nhà giải phóng đã hai năm rồi mà anh vẫn chưa lập gia đình, bởi vì anh còn thương chị. Linh tính báo cho anh biết chị còn sống, với hy vọng 1% anh vẫn cố kiếm tìm. Còn dượng tôi (cha đẻ chị) đã lập bàn thờ cúng suốt mấy năm trời. Giờ gặp lại mà cứ ngỡ trong mơ. Thế là anh chị xây dựng hạnh phúc với nhau, sinh được ba con gồm hai trai, một gái. Năm 1991 anh chị nghỉ hưu rồi chuyển vào Nam sinh sống.Anh chị đều là thương binh, với đồng lương hưu ít ỏi, bệnh tật luôn dày vò anh chị lúc trái gió, trở trời, nhưng anh vẫn cố gắng chăm sóc chị, người đau ít nuôi người đau nhiều. Với lòng kiên nhẫn khắc phục khó khăn, bệnh tật anh chị tôi đã cố gắng làm thêm bằng sức lực còn lại của mình để kiếm tiền nuôi con ăn học. Đến nay một cháu đã tốt nghiệp Đại học, còn một cháu đang học Đại học năm thứ tư. Cô con gái út đang học lớp 12. Gia đình anh chị được UBND phường Bình Khánh, quận 2, TP Hồ Chí Minh tuyên dương danh hiệu Gia đình thương binh vượt khó, Gia đình thương binh tiêu biểu.
6- Thế đấy, chiến tranh đi qua đã gần 30 năm nhưng nỗi đau thể xác của chị tôi vẫn còn. Khi biết tôi có ý định viết bài về chị, chị đã nói rất nhiều đồng đội của chị đã anh dũng hy sinh ở tuổi thanh xuân. Chiến tranh ác liệt, có người đã mất cả xác, họ đã hóa thân vào đất, vào nước, trở thành bất tử, có viết thì viết về họ - những người chiến sĩ cách mạng anh hùng.
Chị tôi, người nữ tù binh năm xưa không bao giờ muốn nói về mình - chuyện đã ba mươi năm rồi nay tôi mới được biết. Với lý tưởng cách mạng, với tình yêu chân thật, đã tạo nên phẩm chất kiên cường, sức sống mãnh liệt cho chị tôi - người nữ chiến sĩ cách mạng TRƯƠNG THỊ CHƠN. Tôi kính phục chị, ngưỡng mộ chị lắm chị ơi!
. Tình Lam
(Quy Nhơn) |