Huân đã rất có lý khi nhắc lại một câu nói nổi tiếng của Các Mác rằng: Hạnh phúc là đấu tranh. Cũng vì đấu tranh cho hạnh phúc đang đeo đuổi, suýt nữa Huân đã phải trả giá bằng tính mạng của mình. Hơn hết đó là một cuộc đấu tranh “không cân sức” giữa Huân và người cha kính yêu.
Huân và Linh học chung lớp với nhau từ khi còn cấp phổ thông cơ sở. Dần dần, đôi bạn thân nhau thông qua những buổi học nhóm. Khi lên cấp 3, tình cảm của Huân và Linh càng trở nên gắn bó. Bạn bè trong lớp gọi họ là đôi trai tài gái sắc. Huân là lớp trưởng và là học sinh giỏi Toán cấp tỉnh, còn Linh là cô cán bộ Văn thể mỹ rất xinh đẹp và có giọng ca mượt mà nhất trường. Lúc đầu thấy Huân và Linh chơi thân với nhau, ông Hùng, ba của Huân không hề có ý nghi ngờ. Theo ông, Huân và Linh chỉ là bạn học với nhau.
Khi Huân thi đậu vào trường Đại học Kinh tế, Linh lại phải ở nhà để học nghề vì gia đình nghèo. Mỗi khi về quê vào dịp hè hoặc xuân đến, Huân luôn đến thăm Linh và tình yêu của họ cũng đã nảy nở. Biết chuyện, ông Hùng tìm cách ngăn cản không cho đứa con trai duy nhất của gia đình ông đi yêu một “con nhỏ nhà nghèo kiết xác”.
Huân không bày tỏ thái độ phản đối nhưng vẫn luôn cương quyết đeo đuổi và nuôi dưỡng tình yêu của mình. Trong những lần gặp nhau, Huân thường động viên Linh cố gắng đi học lại. Bên cạnh sự động viên về tinh thần, Huân nhận thêm nhiều cua dạy kèm để có tiền phụ giúp người yêu vào Đại học. Sự cố gắng đó của Huân đã mang lại kết quả tốt. Linh thi đậu Đại học Đà Lạt. Khoảng cách hơn 400 km giữa TP Hồ Chí Minh với Đà Lạt chừng như ngắn lại vào những chiều cuối tuần. Ông Hùng viết thư, gọi điện, thậm chí lặn lội từ Bình Định vào TP Hồ Chí Minh để ngăn cản tình yêu của đôi bạn. Huân luôn sống trong sự đau khổ khi phải làm trái ý cha mình. Trong một lần lên Đà Lạt thăm Linh, vì mãi suy nghĩ về những điều cha mình nói, Huân đã lao xe xuống đèo Fren, rất may cả người và xe vướng vào một cây thông chứ không thì thể nào lường hết được hậu quả như thế nào.
Nhưng rồi một kết thúc có hậu đã đến với Huân. Bốn năm Đại học đã qua đi chóng vánh, Huân xin vào làm ở một công ty liên doanh. Thu nhập hàng tháng được Huân chia ra nhiều phần, phần gởi về giúp đỡ ba mẹ, phần hỗ trợ cho Linh học năm cuối. Khi Linh ra trường cũng là lúc 2 người phải đối diện với một thực tế nghiệt ngã nhất: Hoặc chia tay, hoặc đến với nhau trong sự ngăn cản của gia đình.
***
Huân về nhà ăn tết sớm hơn thường lệ, anh lẽo đẽo theo cha lặt lá những chậu Mai, phụ mẹ chăm sóc đàn gà. Rồi trong bữa cơm cuối năm, Huân nắm lấy bàn tay già nua của cha mà rằng: “Thưa cha! Con đã bất hiếu với cha mẹ, có lỗi với gia đình Linh!”
Trong suy nghĩ từng trải của ông Hùng đoán biết chuyện chẳng lành nên gặng hỏi: “Có chuyện gì vậy con ? Có phải chúng mày đã…?”
Huân nhìn sâu trong mắt cha và đáp: “Dạ! Chúng con đã trót dại… Linh có mang 2 tháng rồi cha ạ!”
“Sao mày dám làm cái chuyện tày đình vậy hả?” - Ông Hùng gầm lên, rồi dằn chén cơm đánh rầm xuống mâm. Huân nhìn cha lo lắng. Sau một hồi trầm ngâm, rồi bất ngờ ông dịu giọng: “Chuyện đã lỡ rồi, mày phải cưới nó chứ không thì thất đức lắm con ạ! Thôi thì bây làm sao đó thì làm.”
Vậy là Huân và Linh cưới nhau. Có điều ông Hùng chờ cả năm sau mà không thấy có cháu nội để bồng. Hóa ra Huân chỉ giả vờ làm như chuyện đã rồi để cha đồng ý cho anh cưới Linh, chứ thực ra 2 người chưa có gì với nhau cả. Nhưng ông Hùng không giận con mà hết mực thương yêu vợ chồng Huân vì Huân đã tìm được cho ông một cô con dâu ngoan hiền và đảm đang.
. Thanh Trúc