Thứ hai, ngày 7/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
CHO EM ĐI MỘT CON ĐƯỜNG
17:37', 18/3/ 2003 (GMT+7)

Hôm đường điện quốc gia băng qua ngọn núi cao về tới làng đảo, cả làng vui như ngày hội. Sao không là ngày hội cho được bởi biết bao nhiêu năm rồi, đêm xuống ở đây chỉ có những ngọn đèn dầu thắp lù mù trong những căn nhà như thể đó là một thế giới hoàn toàn khác xa với thế giới bên ngoài. Hơn một năm làm cô giáo ở đảo này, tôi càng hiểu rõ nỗi mừng vui của người dân nơi đây. Ngay tức thì, chị Thêm bán tạp hoá ở đầu thôn đã gởi người về thành phố mua ngay một chiếc tivi để xem phim… cho đã khi có điện về. Ông Hai thợ mộc đã nghĩ đến chuyện sẽ mua mấy phương tiện bào, cưa bằng máy cho nhẹ công. Còn tôi, tôi cũng cảm thấy vui vì đêm đêm ở trong khu nội trú của giáo viên cũng có điện để làm thêm một số việc hơn là nghe sóng vỗ. Như thế, tôi cũng nhẹ lòng hơn là cứ ra bờ biển mà ngóng đợi xem thử Hoan có ra đây tìm tôi không?

Hôm khánh thành đường điện quốc gia, tôi thật bất ngờ khi Hoan cũng theo đoàn nhà báo đi tàu ra tận nơi tôi làm việc cho biết, nhưng chủ yếu là xem thử công việc của tôi như thế nào. Ừ, tôi sống thế nào làm sao anh hình dung ra được nhưng chắc chắn một điều: tôi rất vui khi được trở lại công việc của mình. Công việc của một cô giáo mà tôi phải vất vả biết bao để được chọn lựa. Nhưng suýt một tí nữa thôi là tôi đã không đi được trên con đường ấy. Tại sao ư? Bởi vì tôi yêu Hoan quá đỗi. Tôi chưa bao giờ nghĩ có một ngày nào đó tôi phải đem nghề dạy học của mình và tình yêu trao cho Hoan để đưa lên bàn cân mà xem thử bên nào nặng bên nào nhẹ. Tôi yêu anh như thể anh là một phần da thịt của tôi, tôi chẳng thể để mất phần da thịt thân thiết của mình. Nhưng nếu tình yêu của tôi đối với Hoan là một phần da thịt thì nghề dạy học lại giống như khí trời mỗi ngày tôi phải được hít thở. Tôi chẳng thể bỏ cái này hoặc bỏ cái kia. Tôi tham lam quá phải không? Bởi mẹ tôi đã từng dạy tôi rằng: “Yêu một người đàn ông là phải biết cam chịu”. Có phải vì cả cuộc đời mẹ là một sự cam chịu bên bố tôi. Bố tôi cười thì mẹ tôi cười, bố tôi buồn thì mẹ lẳng lặng ra trước nhà ngồi im cùng chiếc ghế xích đu nhìn người ta hững hờ qua lại. Mẹ tôi đã sống như thế suốt cả tuổi thanh xuân của mình. Mẹ đã tự đánh mất mình tự bao giờ mà mẹ không biết. Mẹ trở thành  một người đàn bà cười vui theo người đàn ông của mình để quên rằng mình cũng có quyền chọn lựa màu áo mình thích. Mẹ cũng quên rằng mẹ có quyền nấu món ăn mình ưa thích. Tôi thực sự sợ hãi khi người mẹ thương yêu nhất đời của tôi đã quên rằng mẹ thích ăn món xà lách trộn dấm chẳng hạn. Mẹ đã quên món ăn đó như thể nó thuộc về loại món ăn xa lạ bởi vì bố tôi chẳng thích. Còn nhiều chuyện về mẹ nữa, nhưng chính vì sự thần phục bố của mẹ quá đáng mà tôi cảm thấy cuộc đời sao mệt mỏi quá.

Hoan là con ông bạn thân của bố. Ông Nghĩa vẫn thường lui tới nhà tôi để bàn với bố những chuyện làm ăn. Bởi hai người cùng là nhà thầu chuyên thi công làm những con đường lớn nhỏ. Hoan luôn xuất hiện trước mặt tôi vào những lúc tôi buồn héo hắt, vì thế ngay tức khắc anh đã làm mềm lòng trái tim tôi. Là con trai của một nhà thầu nên Hoan mau chóng trở thành một nhà thầu nhỏ, anh đã vỗ tay hoan hô khi biết tôi gan lì chọn nghề dạy học vì bố tôi chỉ muốn tôi đi học nghề kế toán để còn về giúp ông tính toán những công trình. Bố tôi có cái lý của ông khi ông nói với tôi: “Nếu con là kế toán của bố thì bố rất yên tâm. Chuyện làm ăn của bố khó lọt ra bên ngoài. Tôi lắc đầu: “Nhưng con rất sợ những con số”. Vậy mà cả tháng trời về nhà bố chẳng thèm nói chuyện với tôi, thậm chí một lời mắng chửi cũng không hề có. Như tôi đã nói, mẹ tôi giống như con tắc kè tự biến đổi màu da cho phù hợp với nơi đang ẩn náu, mẹ chẳng hề bênh vực được con gái của mẹ. Cuộc chiến tranh lạnh giữa tôi và bố tôi  khiến cho mẹ tôi lo sợ. Nhiều khi mẹ vào tận phòng tôi: “Nhi à, hay là con nghe lời bố con đi! Nghề kế toán dễ giàu có hơn là đi dạy. Con có thấy con Hải con ông Ái xóm trên không? Đi dạy học nhiều khi chẳng có thời gian, còn học trò thì đâu có đứa nào ngoan đâu”. Nhưng cuộc chiến tranh giữa bố tôi và tôi kết thúc, bố tôi phải cho tôi theo nghề sư phạm. Trường tôi học gần nhà, học sư phạm không phải đóng học phí nên dù bố tôi nói: “Nếu con chọn nghề giáo thì con tự lo thân”, tôi  vẫn vượt qua được ba năm sư phạm một cách an toàn.

Hoan không khác gì bố tôi sau khi tôi và anh thành vợ chồng. Anh đã khéo léo che dấu mẫu người chỉ thích người khác làm theo ý mình trong thời gian chúng tôi yêu nhau. Cho đến khi chúng tôi đi hưởng tuần trăng mật về, Hoan nói: “Em nghỉ dạy đi, Nhi?” Tôi tròn xoe đôi mắt nhìn Hoan: “Anh vừa nói gì vậy anh Hoan?” Hoan cười theo cách của anh: “Vợ của ông nhà thầu thì không cần đi dạy. Nghề dạy học bạc bẽo lắm, lại mất thì giờ. Nếu em thích thì anh giới thiệu cho em về công ty du lịch làm cũng được. Làm ở đó vừa sang trọng lại vừa vui hơn.” Tôi tưởng mình sẽ cứng rắn hơn mẹ, nghĩa là tôi sẽ phản đối Hoan. Tôi không thể bỏ niềm đam mê của mình. Nhưng lạ kỳ chưa. Có một số người đàn ông biết điểm yếu của người đàn bà để sau hôn nhân đã biến người đàn bà của mình thành bản sao thứ hai. Hoan cũng như bố tôi. Hai người là những mẫu người đó.

Tôi đã suy nghĩ cả tuần lễ trước khi làm đơn xin nghỉ việc. Thầy Minh hiệu trưởng cầm lá đơn của tôi  bỏ vào hộc bàn và nói: “Tôi không cho cô nghỉ việc hẳn, bởi vì cô là một giáo viên dạy tốt. Hơn nữa, với cô nghề dạy học quan trọng hơn cả tiền bạc. Cô sẽ được nghỉ dạy một năm, sang năm nếu cô vẫn giữ ý định thì tôi không cản”.

Một năm rời khỏi thế giới riêng của mình tôi đã sống như thế nào? Tôi sống cho tình yêu chồng, cho người đàn ông mà tôi yêu là tất cả. Tôi không thích tô màu son đậm, nhưng vì anh tôi đã đổi màu son đó. Tôi chẳng thích la cà ở những nơi mà mọi người cứ nâng ly chúc tụng với nhau bằng những lời gian dối nhưng tôi lại phải đi cùng anh trong cuộc đời này. Tôi đã đánh mất con người của mình như thế đó, rồi soi gương, tôi có cảm giác như trong gương là một con người khác chứ không phải là tôi. Khi bước chân ra đường, tôi có cảm giác là tôi phải bước chồng lên bước chân của anh. Tôi không có đường đi riêng của mình.

Tình cờ, tôi gặp thầy Minh hiệu trưởng trên phố. Cuộc gặp ngắn ngủi nhưng chỉ với câu nói của thầy “Đôi mắt của em sao nhiều khói thế, Nhi?” Tiếng thầy vọng theo sau lưng tôi: “Thế giới của em chính là lớp học phải không?” Tôi quyết định  trở lại nghề dạy học vì không thể đánh mất mình như mẹ tôi đã từng.

Đôi mắt của tôi có nhiều khói vì tôi đã rời bỏ thế giới riêng của mình .Tôi đâu còn là tôi nữa. Để rồi trong đêm hôm đó, tôi từ chối cùng đi với Hoan đến dự một buổi tiệc tân gia. Tôi nói với Hoan mấy ngày sau đó: “Em đã xin đi dạy học lại rồi. Ở ngoài đảo Ninh Vân đang thiếu giáo viên, em cũng đã viết đơn tình nguyện”. Hoan trừng mắt nhìn tôi, đôi mắt ấy như đang ngạc nhiên không hiểu. Anh chưa nghĩ ra được nguyên nhân tại sao tôi lại tình nguyện ra đảo. Anh chỉ cười gằn: “Tùy cô!” rồi hết.

***

Hoan nói với tôi: “Anh nhớ em lắm nên anh mới tìm cách ký hợp đồng làm đường ở ngoài đảo này”. Anh kề tai tôi nói nhỏ trong gió ngàn: “Em lỳ như đá”.

Tôi dắt Hoan đi dọc theo con đường ven biển của làng đảo. Có lẽ đây là con đường  duy nhất của thế gian chẳng hề có dấu lăn của những chiếc bánh xe. Người dân ở đây đã quen đi bộ.

Tôi nói với Hoan: “Em tưởng anh sẽ gởi ra đây tờ đơn ly hôn bắt em ký?” Hoan nhìn ra xa, những con sóng cứ loăn xoăn chạy lui chạy tới: “Tào lao!”

Tôi không thể hình dung ra con đường Hoan sẽ làm trong tương lai ở làng đảo này. Con đường đó chắc chắn sẽ có những chiếc xe lăn bánh. Chắc anh không nghe lời tôi nói với anh giữa gió biển: “Thì anh cứ cho em đi một con đường”.

. Khuê Việt Trường

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
“Ăn cơm trước kẻng”   (12/03/2003)
CHỊ TÔI  (06/03/2003)
Ba tôi  (21/02/2003)
Vân  (21/02/2003)
Lệ vui ngày cưới  (21/02/2003)
Tùng "ốc gạc"  (21/02/2003)
Ba tôi  (21/02/2003)
Hoa xác pháo  (21/02/2003)
Tình yêu gieo sự sống  (21/02/2003)
Đôi bạn của tôi  (21/02/2003)
Đoạn gãy  (04/03/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn