1. Tôi vẫn thường đạp xe đi về mỗi ngày 12 cây số, đã thành thói quen nên không thấy mệt. Học xong trung cấp thú y, tôi được phân về một trại chăn nuôi cách trung tâm thành phố 6 km. Trại có tên gọi khá mỹ miều: Trại chăn nuôi Bạch Tuyết. Thân gái mảnh mai, sáng đi, trưa ở lại, chiều về, mỗi ngày 12 cây số. Nếu mà có tổ chức giải đua xe đạp nữ, thì tôi giật giải quán quân là cái chắc. Anh bảo: “Sao bao nhiêu nghề em không chọn, lại chọn cái nghề làm bạn với súc vật?”. Anh có biết đâu, giữa ước mơ và hiện thực là một khoảng cách xa vời, đôi khi người ta không có quyền chọn lựa cho mình công việc mà mình yêu thích. Tôi mơ ước trở thành bác sĩ, chữa bệnh cho người, nhưng rớt đại học, do điều kiện gia đình không cho phép, đành phải học trung cấp thú y, cũng là chữa bệnh đấy thôi, nhưng mà cho gia súc.
2. Ông trưởng trại chăn nuôi Bạch Tuyết đã ngoài 60, mắt mũi kèm nhèm, gầy như que củi. Công nhân làm việc trong trại chỉ có mười người, trừ ông trưởng trại, còn toàn là nữ và đều lớn tuổi hơn tôi. Chân ướt chân ráo về trại tôi đã lập được “chiến công”. Chả là cái máy bơm nước chạy bằng xăng bỗng nhiên trở chứng, giật mãi không nổ. Ông trưởng trại bận độc có cái quần đùi, mồ hôi nhễ nhại, loay hoay bên cái máy cả buổi trưa mà nó vẫn im ru. Cáu tiết, ông luôn mồm văng tục. Lũ heo ăn xong, chờ nước, kêu rầm rĩ. Tôi chợt nhớ mỗi lần hẹn nhưng đến trễ, anh thường nhại theo câu hát “Xe anh hôm nay bị hư chỉ tại cái bu-gi”, liền reo lên: “Hay là nó hư cái bu-gi?”. Tưởng tôi nói đùa, mấy chị đứng gần cười ngặt nghẽo. Ông trưởng trại vỗ trán: “Có lý!”. Rồi ông thay cái bu-gi mới vào, máy nổ, ông khen: “Cô này giỏi!”.
3. Trại Bạch Tuyết nuôi trên 500 con heo thịt, nhiệm vụ chính của tôi là lo cho chúng khỏi ốm, khỏi dịch bệnh. Có tôi về, bằng cấp hẳn hoi, ông trưởng trại mừng lắm, việc gì cũng giao tôi làm, cũng phải “chờ ý kiến cô Linh xem đã”. Từ ngày có tôi về, có lẽ nhờ “mát tay”, lũ heo không còn đau ốm rồi lăn đùng ra chết như trước. Cả trại ai cũng phấn khởi, tôi cũng rất phấn khởi vì mình đã dần quen công việc, đã dần quen “dàn hợp xướng” eng éc đinh tai nhức óc của của lũ heo mỗi lúc đòi ăn. Cuối năm, tôi được bình bầu là lao động tiên tiến, được thưởng một chiếc lốp xe đạp, tôi tặng anh. Năm sau, tôi được bầu làm... phó trại, kể cũng oai. Còn anh thì khinh khỉnh: “Tưởng gì. Làm phó trại heo mà cũng khoe”. Tôi đang vui nên không cảm thấy tự ái. Nhưng câu sau của anh làm tôi tái mặt: “Suốt ngày quanh quẩn với lũ heo, em không thấy người em có mùi gì à?”, rồi anh gằn giọng: “Mùi heo!”.
Tôi choáng váng, không khóc, nhưng cảm thấy ghê sợ trước thái độ của anh, anh có vẻ hả hê lắm khi nói ra điều đó. Ừ, thì mùi heo, cũng được chứ sao. Chị Liên, một cựu thanh niên xung phong, 40 tuổi vẫn chưa chồng, là công nhân của trại; mỗi đợt xuất chuồng đưa heo đi lò mổ là chị lại xoa đầu từng con heo, khóc: “Các con của má, đừng trách má nghe, các con sắp được hóa kiếp làm người rồi đó.” Hồi mới vào, thấy vậy, tôi cho là chị lẩn thẩn. Nhưng dần về sau, tôi mới thấy lũ heo tội nghiệp và đáng yêu làm sao. Như con Móng Cái, mỗi lần tôi gãi sồn sột vào bụng nó, nói “kềnh” là nó nằm lăn ra trông rất ngộ nghĩnh. Hay như con Ðại Bạch, mỗi lần cho nó ăn là nó lại dụi dụi cái đầu vào chân tôi để làm nũng như một chú mèo con. Giá như mà, anh cũng gần gũi lũ heo như tôi?
4. Anh gọi điện thoại đến trại: “Sao tối qua em không đến?”, “Em bận”. “Bận gì?”. Trại có một con heo nái vừa sinh được chục chú heo con, vậy mà bỗng dưng nó lăn ra ốm. Nó mà chết thì lũ con cũng chết theo. Thương lũ heo con, tôi phải túc trực bên con heo mẹ để theo dõi bệnh tình của nó. “Bận gì?”, anh hỏi gặng. “Có một con heo nái bị ốm”. “Ối trời, tưởng gì. Thế em coi heo hơn anh à?”. Chẳng có ai lại so sánh kỳ cục như anh, rõ ràng anh không thông cảm với nghề nghiệp của tôi.
Năm sau nữa, ông trưởng trại về hưu, dĩ nhiên, tôi lên làm trại trưởng. Chẳng khoe, anh cũng biết: “Chào bà trưởng trại heo”. Tôi im lặng. “Em chắc suốt đời gắn bó với lũ heo sao?”. “Ừ!”. “Em có biết là người em có một mùi rất đặc trưng không?”. Tôi ngẩng đầu: “Biết, mùi heo chứ gì!”. Anh phá lên cười, thật tàn nhẫn. Sau lần đó, tôi và anh không gặp nhau nữa. Có lần, tôi thấy anh đi với một người con gái khác, anh có vẻ hạnh phúc lắm. Tôi quay đi, cảm thấy ánh mắt tự đắc của anh còn đuổi theo lưng mình.
5. Tôi vẫn lại đi về, mỗi ngày 12 cây số. Không còn anh, chẳng có ai chế giễu cái chức trưởng trại chăn nuôi của tôi, thế mà hay. Nhiều khi, tôi lại nhớ hai từ “mùi heo” mà anh đã nói với tôi rồi liên tưởng đến chuyện “Mùi cọp” mà tôi đã đọc. Chẳng lẽ, lại có cái mùi nghề nghiệp, thật sao? Tôi vẫn còn trẻ lắm, mới ngoài 20 tuổi, mỗi ngày đi về 12 cây số, biết đâu lại có một chàng trai nào đó để mắt tới. Hôm qua, ông trưởng trại cũ ghé thăm, ông xưng bố, gọi tôi là con dâu. Tôi nửa đùa nửa thật: “Con trai bố có phát hiện ra cái mùi heo của bố không?”. Ông trợn mắt: “Mùi heo là thế nào?”. Các chị ngồi xung quanh vỗ tay đôm đốp, cười như nắc nẻ. Hiểu ra, ông bật cười theo: “Làm quái gì có mùi heo, nếu có, bà nhà tôi đã phát hiện ra nó từ lâu.”
. Bảo Linh (Quy Nhơn) |