Thứ sáu, ngày 4/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
CÂY TRE TRĂM ÐỐT
6:53', 8/4/ 2003 (GMT+7)

1. Ðang học dở dang lớp 11 thì tôi phải nghỉ học vì gia đình tôi quá khó khăn. Cơn ác mộng ấy làm tôi suy sụp nhưng phải cố gắng vượt qua vì tôi biết, ba mẹ tôi còn đau đớn hơn nhiều. Ba mẹ tôi bàn với nhau cho tôi theo học nghề hớt tóc ở nhà ông Tư cạo. Tôi không thích nghề ấy nhưng không dám trái lời.

Ông Tư cạo mới nghe tên có vẻ hung dữ nhưng thật ra rất hiền. Ông khuyên tôi nên đi học lớp bổ túc ban đêm để lấy cho được cái bằng tốt nghiệp cấp ba. Ông bảo: “Thời nào cũng vậy con ạ, không có cái chữ trong đầu thì không làm nên trò trống gì.” Tôi mãi biết ơn ông về lời dạy ấy.

2. Ban ngày, tôi vừa học vừa làm nghề hớt tóc với ông Tư cạo. Ban đêm, tôi học bổ túc văn hóa. Vừa đúng một tháng thì ông Tư cạo cho tôi “hạ sơn”. Ông nói: “Con là đứa học trò sáng dạ nhất trong cuộc đời làm phó cạo của ta”. Các trò hớt tóc, cạo mặt, ngoáy tai tôi tiếp thu nhanh chóng, thỉnh thoảng lại biết pha trò với khách nên ông Tư cạo thường nhường khách cho tôi. Nhờ đó, tôi không những có tiền trả công “đào tạo” cho ông mà còn dư ra đem về cho mẹ. Lần đầu tiên nhận mấy ngàn tiền lương tôi đưa về, mẹ tôi khóc.

Mặc dù cho tôi “hạ sơn” nhưng vì thiếu thợ mà tiệm hớt tóc lại thường đông khách nên ông Tư cạo sang xin ba mẹ tôi cho tôi làm việc với ông, trả công đàng hoàng. Ông nhẩm tính với mẹ tôi: “Mỗi cái đầu hớt xong giá bốn ngàn, tui lấy một ngàn khấu hao, còn lại là của nó. Một ngày nó chịu khó ủi được chục cái đầu là có ngay ba chục ngàn, khỏe re.” Tôi chính thức về làm công cho ông Tư cạo từ hôm ấy.

3. Những lúc vắng khách, ông Tư cạo rủ tôi làm vài ván cờ tướng giải khuây. Ban đầu tôi thua nhưng về sau ông Tư cạo không thắng tôi được một ván nào.Cứ sau một ván thua là ông lại chép miệng: “Thằng này khá!” Những khi không chơi cờ thì ông nằm dài trên ghế, bảo tôi ngoáy tai cho ông và ông rủ rỉ kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa. Ông kể, hồi mới hớt tóc, khách quen chưa có, ông phải lang thang đây đó hớt dạo. Có một lần đang cạo mặt cho khách, ông lỡ tay làm đứt tai khách bị khách nện cho một trận. Cái tên Tư cạo gắn chặt với ông sau sự kiện này.

Chuyện của ông làm tôi lại nhớ cái hồi tôi mới đến tiệm hớt tóc. Khi được ngoáy tai, tôi cứ co rúm lại vì nhột và cũng vì sợ, biết đâu ông Tư cạo mạnh tay một chút thì bỗng dưng đang lành hóa điếc. Tôi phải cảnh giác ông: “Bác cẩn thận, không khéo lại gắp cả... màng nhĩ của cháu ra đấy ạ.”

Nhắc lại những chuyện cũ, hai bác cháu nhìn nhau cười đến chảy nước mắt.

4. Ông Tư cạo có một đứa con gái duy nhất, tên Nhi. Vợ ông chết đã lâu nhưng ông ở vậy nuôi con. Khi tôi hoàn tất chương trình bổ túc cấp ba thì cũng là lúc Nhi bắt đầu vào lớp 12. Bạn bè trong lớp của Nhi thường đến chơi, có đứa ngạc nhiên khi thấy tôi còn trẻ mà theo nghề hớt tóc. Chắc là sau lưng tôi, chúng bàn tán nhiều lắm. Có một thằng trong số đó không ưa tôi, có lần nó giả vờ thì thầm với một thằng trong nhóm nhưng cố ý để tôi nghe thấy: “Thằng này y như cái thằng trong truyện Cây tre trăm đốt”. Ý nó muốn ám chỉ tôi giống như anh nông dân trong truyện phải cong lưng làm không công cho ông chủ để mong đến này cưới được con gái ông ta. Suốt ngày lách cách chiếc kéo trong tay, hớt tóc cho khách, pha trò với khách, xong việc thì về, tôi có bao giờ nghĩ đến chuyện ấy.

5. Nhưng ông Tư cạo thì nghĩ đến chuyện ấy. Ông bí mật bàn với ba mẹ tôi: “Tui thấy thằng con của anh chị đàng hoàng, chí thú làm ăn, tui thương. Nó làm với tôi mấy năm nay nên tui biết”. Rồi ông nói như đinh đóng cột: “Chờ con Nhi học xong đại học, tui bắt rể!”. Chuyện ấy mãi sau này tôi mới biết, và oái oăm thay, khi đã biết, cuộc sống của tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Quyết định của ông Tư cạo vì có liên quan đến tương lai của tôi nên dù muốn dù không, tôi cũng phải nghĩ đến. Sau đó thì Nhi cũng biết. Chẳng biết Nhi nghĩ gì nhưng tôi thì tôi bắt đầu nghĩ đến... Nhi. Trước đây, vào buổi trưa, tôi thường về sớm để phụ mẹ nấu cơm, gánh nước thì bây giờ tôi hay cố nán lại, dù không có khách, chỉ để nhìn Nhi đi học về. Tôi chẳng còn nhận biết được hình ảnh của Nhi đã tràn ngập trong tâm trí tôi từ lúc nào. Tôi thuộc từng ánh mắt, nụ cười, từng cử chỉ, cả cái kiểu nghiêng đầu mỗi khi nói chuyện với người khác của Nhi. Trong đầu tôi cứ toan tính bao dự định. Và tôi mơ tưởng đến ngày Nhi ra trường.

6. Nhưng Nhi chẳng để ý gì đến tôi. Người Nhi để ý là cái gã đã ví tôi như anh nông dân trong truyện “Cây tre trăm đốt”. Họ cùng vào đại học, cùng ra trường và cùng xin về dạy học ở một vùng xa. Có lẽ, cái sự “cùng” ấy đã gắn chặt họ với nhau hơn. Còn tôi, tôi là cái gì nhỉ? Cay đắng thay, tôi chỉ là một anh phó cạo bình thường, hết sức bình thường, lại học hành dang dở nên tôi chẳng là cái gì trong suy nghĩ của Nhi cũng phải lẽ.

Biết chuyện, ông Tư cạo rất buồn. Ông ngậm ngùi bảo tôi: “Ta có lỗi với cháu!”. Tôi thấy ông già hẳn, dáng người trĩu xuống. Tôi muốn an ủi ông, rằng ông không có lỗi gì cả nhưng tôi không làm sao nói được. Và bỗng dưng, tôi lại nhớ đến cái chuyện “Cây tre trăm đốt”. Dẫu không giống như trong truyện nhưng tôi thấy mình và anh nông dân khốn khổ nọ lại có số phận giống nhau. Chỉ hiềm một nỗi, tôi không có được cái tài “khắc nhập khắc xuất” để làm cho Nhi đến với tôi; mà giả dụ tôi có tài “khắc nhập khắc xuất” thật, thì tôi cũng chẳng bao giờ làm như thế.

. Bảo Huy

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
HIỂU NHAU CÙNG XÂY SỰ NGHIỆP  (03/04/2003)
PHỐ KHÔNG CHỈ BÁN LỒNG ĐÈN  (30/03/2003)
NHỜ TÌNH YÊU, CHÚNG TÔI ĐÃ VƯỢT QUA MỌI KHÓ KHĂN  (26/03/2003)
TRƯỞNG TRẠI CHĂN NUÔI  (23/03/2003)
CHO EM ĐI MỘT CON ĐƯỜNG  (18/03/2003)
“Ăn cơm trước kẻng”   (12/03/2003)
CHỊ TÔI  (06/03/2003)
Ba tôi  (21/02/2003)
Vân  (21/02/2003)
Lệ vui ngày cưới  (21/02/2003)
Tùng "ốc gạc"  (21/02/2003)
Ba tôi  (21/02/2003)
Hoa xác pháo  (21/02/2003)
Tình yêu gieo sự sống  (21/02/2003)
Đôi bạn của tôi  (21/02/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn