Khi còn sống, có lần ông tôi kể: “Bà ngoại con là một người phụ nữ tuyệt vời, ông chỉ tiếc là vì hoàn cảnh nên ông đã không giữ trọn vẹn tình yêu đối với bà.”
Bà ngoại tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ khi lên 12 tuổi, một mình bà vất vả bươn chải làm thuê để nuôi sống bản thân và 2 em nhỏ. Khi bà đến với ông tôi cũng là khi chiến tranh bắt đầu ác liệt. Rồi lần lượt dì tôi rồi đến má tôi ra đời trong gian nan, bom đạn. Khi dì và má tôi vừa chập chững lên 5 lên 3 thì ông tôi đi tập kết ra Bắc. Bà tôi đã khổ lại càng khổ hơn khi giờ đây phải nuôi thêm 2 đứa con thơ. Hàng ngày bà phải đi cắt lúa mướn cho người ta để lấy lúa công về nuôi con, nuôi em. Người em út của ngoại gia nhập du kích chiến đấu hy sinh. Hung tin đến với ngoại vào một ngày lũ lụt. Ngoại như điên như dại bơi vượt qua con sông cái trong cơn lũ lụt để về nhà nhận xác em bị địch bắn phanh thây ở đầu làng. Nỗi đau mất em chưa nguôi ngoai thì có người đi Bắc về nói ông tôi đã hy sinh. Theo lời má tôi kể lại: Khi nghe tin ấy bà ngoại con không khóc mà chỉ lặng người đi, ngoại ốm liệt giường mấy ngày liền…
Ngoại thường ngồi trước nhà vào mỗi buổi chiều nhìn về phương Bắc, nơi có từng đàn chim kéo về tổ ấm, rồi ngoại nói với má tôi và như nói với chính mình: Tao không tin là ba mày đã chết, tao vẫn đợi ngày ổng về.
Chiến tranh qua đi. Những người tập kết ra Bắc cùng đợt với ông tôi đều trở về thăm lại quê xưa. Tuyệt nhiên không ai biết ông tôi bây giờ ở đâu?
Mãi hơn 10 năm sau ngày giải phóng, ông tôi mới trở về. Dáng ông gầy gò trong bộ quân phục bạc màu. Ông nhìn bà bằng ánh mắt lo lắng và bồi hồi. Ông tôi tưởng bà tôi sẽ tức điên lên và đuổi ông ra khỏi nhà khi ông cho bà biết tin ông đã có vợ ở ngoài Bắc. Bà tôi im lặng hồi lâu rồi hỏi ông: “Chị và mấy cháu ở ngoài đó có khoẻ không? Sao ông không cho mấy cháu về trong này chơi cho biết quê nội, biết chị biết em…”
Ở chơi được mươi hôm, ông tôi trở về Bắc và năm sau ông đã đưa bà ngoại thứ hai của tôi cùng mấy cậu về quê chơi. Tối hôm ấy, người vợ thứ hai của ông tôi nói chuyện với ngoại tôi rất khuya, rồi 2 người đàn bà, một khắc khổ già nua, một trẻ ôm nhau khóc thút thít… Hôm sau, bà ngoại tôi cho họp con rể, họ hàng lại và giới thiệu người vợ thứ hai của ông, bà nói trước họ hàng, con cháu: “Từ nay, em Loan sẽ là con dâu của dòng họ Đào, tôi mong mọi người hãy xem Loan như tôi và tất cả con cháu ở đây phải xưng hô với Loan như xưng hô với tôi…”. Từ đó về sau, thi thoảng cậu và các dì của tôi ở ngoài Bắc cũng về Nam để thăm họ hàng và thăm ngoại tôi.
Ngày ông tôi đau nặng, mẹ tôi và dì ra Bắc để thăm ông, trước lúc ra đi, ông cầm tay má tôi và nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo, xanh mướt: “Hãy tha lỗi cho ba nghe các con, ba có lỗi với má và các con trong đó nhiều lắm, sau này hãy cố gắng đưa xác ba về trong đó nhé !…”
Cho đến bây giờ ngoại tôi cũng không bao giờ kể cho con cháu biết: Vì sao ông tôi lại lập gia đình ở ngoài đó và vì sao ông lại không về thăm quê trong suốt thời gian hơn 10 năm trời sau chiến tranh. Bà chỉ thường nói với con cháu rằng: “Trong tình yêu, phải cần có sự chung thuỷ và hy sinh các con à! Đó là 2 đức tính rất quí giá của người phụ nữ và trong tình yêu. Khi có nó ta sẽ tìm thấy được sự thanh thản trong khổ đau…”
. Tô Giang (Hoài Nhơn) |