Thứ sáu, ngày 4/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
NGÓN TAY KHÔNG ĐEO NHẪN
18:45', 14/4/ 2003 (GMT+7)

Tôi không hiểu tại sao tôi lại chọn anh trong thế giới tưởng rằng rộng thênh thang nhưng lại vô cùng chật hẹp này. Trong tình yêu làm gì có phép tính cộng trừ nhân chia. Hơn ai hết tôi hiểu điều đó. Nhưng để vượt qua cửa ải dư luận, vượt qua cửa ải của gia đình tôi quả thật là chuyện không đơn giản. Còn Mỹ của tôi thì hiền lành và nhút nhát quá. Anh chỉ im lặng nhìn tôi khi gió cứ thổi lồng lộng trên những hàng cây. Nước đá đọng lại trên vành ly bắt đầu chảy lan ra mặt kính của chiếc bàn. Mỹ cừ dùng ngón tay của anh chấm vào nước mà vẽ lên bàn những vòng tròn vô nghĩa. Chỉ mới có một tháng mà anh ốm o như vừa trải qua một cơn bệnh nặng. Anh nói thầm thì:”Anh chẳng hề mặc cảm dù anh là một người thợ.”

Tay anh chẳng đẹp như tay của bất cứ một người đàn ông nào. Bởi đó là bàn tay của một người thợ. Bàn tay đó đã làm ra biết bao nhiêu cánh cửa sắt khép mở cho những ngôi nhà? Bàn tay anh đã làm cho bao nhiêu mái vòm trở nên xinh đẹp. Nhưng dù cho anh có tạo ra bao nhiêu cửa, bao nhiêu mái vòm, anh vẫn bị gọi một từ đơn giản: “thợ “. Tôi đã phải lên tiếng phản đối Thuỳ, cô bạn học chung với tôi từ nhỏ, hiện đang làm việc ở bên ngân hàng: “Thợ thì sao? Ai cũng đòi lấy thầy hết thì mấy ông thợ ế vợ à?” Thuỳ trả lời: “Không phải thế, nhưng thằng đó không tương xứng với mày. Hai người lệch nhau quá. Một bên thì có địa vị trong xã hội, một bên thì tối ngày lấm lem với sắt thép, hàn xì.” Tôi phì cười: “Tối ngày bận rộn thì không đi nhậu, không la cà quán này quán nọ, chẳng đi công tác cho mình khỏi đau tim.”

Thuỳ lấy chồng rất sớm. Chồng Thuỳ là một người thành đạt, lại có tiếng tăm trong xã hội. Nhưng tôi biết có rất nhiều đêm Thuỳ phải ăn cơm một mình, bởi chồng Thuỳ phải luôn tiếp khách. Thời buổi này không ai mời khách về nhà mình ăn cơm, nhất là cánh đàn ông. Họ thích ngồi ở những nơi đèn màu phả dịu, ở nơi đó có những cô phục vụ xinh đẹp ăn nói ngọt ngào. Điều đó Thuỳ không thể thổ lộ cùng tôi, bởi nó muốn cho mọi người tưởng rằng nó đang vô cùng hạnh phúc.

Tôi sẽ giải thích như thế nào về mối tình này? Tôi yêu anh, yêu bàn tay cứng có thể xoa vai tôi trong cơn mỏi mệt. Tôi yêu nụ cười quá đỗi hồn nhiên của anh, yêu cả tính rụt rè khi phải tiếp xúc với những con người không ở trong thế giới của anh. Tôi yêu cả cách tỏ tình không có hoa hồng của anh. Có thể tôi không lãng mạn, nhưng nếu yêu người thì phải biết chấp nhận những gì người có. Tôi chấp nhận anh như thế đó. Anh nói chuyện với tôi cũng rất hồn nhiên:

- Hôm nào rảnh, anh sẽ làm lại lan can cửa nhà em cho đẹp. Lan can gì mà thấp quá, lỡ em vói người ra ngoài bị té thì sao?

Tôi yêu sự kiên trì chờ đợi của anh. Anh yêu và chờ đợi không mỏi mệt. Anh vẫn bình thản đứng đợi tôi ở gốc cây ven đường khi tôi đi chơi khuya về với người đàn ông khác mà không chút hờn giận, không phải anh dùng “khổ nhục kế” như trong sách vở thường nói để làm mềm lòng tôi . Anh biết rằng bao quanh tôi có bao nhiêu người đàn ông luôn chở tôi về nếu xe tôi bị hư, sẵn sàng mua thuốc cho tôi uống nếu tôi bị bệnh. Những người đàn ông đó biết tôi thích màu son gì? Biết tôi thích nghe nhạc gì và họ cũng biết tôi thích ăn gì. Anh không quan tâm đến điều đó, điều đơn giản là anh yêu tôi. Anh yêu tôi không mặc cảm, dù anh biết rằng anh thua tôi đủ mọi điều.

Tình yêu sao lạ lùng vậy? Tôi đã từng hỏi anh là tại sao tôi có thể mềm lòng trước anh? Anh trả lời tôi:

- Anh tin rằng anh lo cho em được cả cuộc đời. Anh không biết đi bia ôm, anh không thích hát karaoke. Anh cũng chẳng hút thuốc, không quen cô này cô kia. Đến giờ này anh chỉ biết có em trong đời. Và mãi về sau dưới mắt anh cũng chỉ có một mình em. Anh cũng chẳng mặc cảm với nghề của anh khi đến với em.

Nếu những người đàn ông khác nói với tôi điều đó tôi sẽ cười vào mũi họ. Bởi với tất cả những người phụ nữ trước mặt, họ luôn dành cho sự ân cần và ngọt ngào. Nhưng để làm vợ họ thì lại là chuyện khác. Bà vợ của ông giám đốc nơi tôi làm việc có thể đã từng khóc thầm khi cả tháng trời chồng mình cứ mãi bước vào quán xá, cứ đi công tác liên tục. Ai biết được chăn gối nhà bà có lạnh lẽo không? Có thể tôi đang tự trấn an mình về tình yêu này. Nhưng tôi đang phải cố vượt qua rào cản quá lớn lao trong gia đình tôi. Cả nhà tôi đều làm nghề giáo: Ba tôi, mẹ tôi, chị Liễu và cả anh Huy. Ba tôi nói: “Con không theo nghề giáo cũng được, con lấy chồng như thế nào thì cũng do con chọn lấy. Nhưng thằng Mỹ là con riêng của mẹ nó, cả nhà người ta chẳng ai ăn nói cho đàng hoàng. Ba cũng chẳng chê nó là thợ. Nếu không có thợ thì mọi việc trong xã hội ai đảm nhận? Nhưng con nên nhớ là vợ chồng sống với nhau như đôi đũa lệch thì có cãi nhau con bụm miệng nó được không nếu nó đem ba mẹ con ra mà chửi? Con có tin là hai đứa sẽ yêu nó trọn đời không?” Mẹ không nói như ba, khi chỉ có hai mẹ con ở nhà, mẹ nhỏ nhẹ: “Hay là con bảo thằng Mỹ ghi tên học cái đại học tại chức nào đó đi?”

***

Yêu anh, tôi muốn bước chân vào nhà anh bằng những tiếng cười dòn chứ không phải bằng những ánh mắt xa lánh. Tôi mệt mỏi với tình yêu này giống như một vận động viên leo núi đã cạn sức mình mà đỉnh núi vẫn còn quá xa xăm. Tại sao con người ta lại chẳng thể nhìn tình yêu như thuở Chử ĐồngTử gặp Tiên Dung trên bãi cát? Chẳng lẽ tôi cứ rượt đuổi theo những vết chân tôi trên cát thôi ư?

Tôi không thể mất anh. Anh cũng đau khổ đến dường nào nếu không có tôi trong cuộc đời. Rồi hai đứa cùng cùng ra bờ sông mà nghe gió thổi. Mỹ nói:

- Anh sẽ ôn tập để thi vào lớp học đại học tại chức sắp mở.

Tôi thương anh quá. Lâu rồi anh đâu đụng tới chữ nghĩa, anh sẽ phải vật lộn với cơn mệt mỏi sau một ngày làm việc để bắt đầu làm học trò vì tôi.

Tôi trả lời:

- Em sẽ đi học cùng anh.

Rồi tôi và anh đi học thật. Tại sao không chờ đợi thêm vài năm nữa cho tình yêu này? Tôi và anh nói với nhau như thế. Hai đứa tôi chẳng hề sợ mất nhau dù chưa hề hứa hẹn sẽ sống với nhau trọn đời. Bởi đơn giản là trong cuộc đời này tôi chỉ cần có anh và anh chỉ cần có tôi. Lời cầu hôn của anh chính là tấm bằng của ý chí, để cho mọi người biết rằng khi đã yêu nhau thật lòng thì không có rào cản nào lại không vượt qua được.

Nghe chuyện anh đi học, ba tôi cười:

- Thời buổi này con trai nó đều vội vã và ham sắc. Còn thằng Mỹ thì không cần điều đó. Phải chi nó mở một tiệm sắt lớn thì không ai ngó ngàng đến môn đăng hộ đối nữa.

Tôi cười với ba tôi:

- Rồi tụi con sẽ mở tiệm, ba có nhớ ngày xưa ba lấy mẹ không? Khi đó ba cũng chỉ là một anh sinh viên nghèo mới ra trường.

Giờ đây những buổi tối tôi theo anh đi trên con đường đầy lá của ngôi trường cao trên đỉnh đồi. Tôi như bà cô giáo dạy cho anh từng bài học anh không hiểu. Có khi anh nản chí, tôi nói với anh:

- Anh không học thì ai đeo nhẫn cưới cho em? Anh để em thành gái già à?

Tôi xoè bàn tay của tôi cho anh xem. Bàn tay mười ngón không có một chiếc nhẫn nào lồng vào đó. Tôi đã nói với anh: “Em chỉ thích đeo chiếc nhẫn anh lồng vào trong ngày em tập gọi anh là chồng.” Anh nắm ngón tay chưa đeo nhẫn cưới của tôi, bóp nhẹ, rồi anh nói như để cho anh nghe:

- Không biết có đám cưới nào mà chú rể phải đem tới nhà cô dâu tấm bằng đại học để cầu hôn không em há. À, và chiếc nhẫn cưới đã mua trước rất lâu rồi.

Tôi cười:

- Có chớ. Anh bắt đầu lễ nghi mới của tình yêu rồi đó.

Ừ, có lễ nghi tình yêu nào trên thế giới như thế không? Nhưng tôi biết nếu không yêu tôi hết lòng, anh đã không kiên trì để vượt qua những ngày ngồi trong lớp học. Bởi nghĩ cho cùng thì tôi cũng chỉ là một người con gái trong đám đông mà anh đã gặp. Nhưng trước tình yêu to lớn của anh, tôi cảm thấy mình bé nhỏ quá.

. Khuê Việt Trường

(Nha Trang)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
NGOẠI TÔI  (09/04/2003)
CÂY TRE TRĂM ÐỐT  (08/04/2003)
HIỂU NHAU CÙNG XÂY SỰ NGHIỆP  (03/04/2003)
PHỐ KHÔNG CHỈ BÁN LỒNG ĐÈN  (30/03/2003)
NHỜ TÌNH YÊU, CHÚNG TÔI ĐÃ VƯỢT QUA MỌI KHÓ KHĂN  (26/03/2003)
TRƯỞNG TRẠI CHĂN NUÔI  (23/03/2003)
CHO EM ĐI MỘT CON ĐƯỜNG  (18/03/2003)
“Ăn cơm trước kẻng”   (12/03/2003)
CHỊ TÔI  (06/03/2003)
Ba tôi  (21/02/2003)
Vân  (21/02/2003)
Lệ vui ngày cưới  (21/02/2003)
Tùng "ốc gạc"  (21/02/2003)
Ba tôi  (21/02/2003)
Hoa xác pháo  (21/02/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn