Tình cờ đọc trang Tình yêu và Sự nghiệp trên báo Bình Định điện tử, tôi nghĩ ngay đến vợ chồng ông bà Hoàng Huy Bích – Đoàn Thị Bôi, một phần nguyên mẫu truyện ngắn “Mỗi tháng có một rằm” của tôi.
Ông bà cùng quê, Ba Làng An, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Họ cưới nhau một ngày thì ông xuống tàu đi tập kết, diện học sinh, chuyến cuối cùng ở Quy Nhơn. Lúc ấy ông đã có trình độ lớp 9. Ông nghĩ đi 2 năm theo Hiệp định. Không một lời hẹn, chuyến đi dài đến 20 năm! Học xong trung học, ông đậu vào Đại học Giao thông. Ra trường, ông tình nguyện làm công nhân 2 năm, cũng đi san đường, bẻ gi. Năm 1965 làm trưởng phòng kỹ thuật tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Rồi được cử phụ trách đội thanh niên xung phong ở tuyến lửa Quảng Bình những năm Mỹ đánh phá ác liệt, nhiệm vụ thông đường đoạn Đò Vàng. Năm 1972 về làm phó giám đốc đường sắt Hà Ninh. Sau giải phóng 1975 ông về phép 10 ngày rồi ra lại đến 1976 mới chuyển hẳn về làm phó giám đốc xí nghiệp đường sắt Nghĩa Bình đến nghỉ hưu, 1986. Bà ở miền Nam chăm sóc cha mẹ chồng đến năm 1965 thì được tổ chức chuyển lên nông trường chè Bàu Cạn làm công nhân, chuyên cung cấp thuốc cho cách mạng. Sau giải phóng bà về quê, làm cán bộ phụ nữ.
Vì điều kiện chiến tranh, chồng tập kết lấy vợ Bắc, vợ ở nhà ưng chồng khác là chuyện thường và dễ thông cảm. Người chung thuỷ chờ nhau đến 20 năm cũng không phải quá hiếm. Vả chăng, thời kỳ chiến tranh liên miên, người ta chưa kịp nghĩ riêng tư đã vèo quá nửa đời người. Thôi thì bù sớt cho nhau ngày gặp lại. Vậy mà phải 7 năm sau, ông bà mới thực sống với nhau, lúc này bà hết khả năng sinh con. Chính chuyện con cái là nguyên nhân của 7 năm chờ đợi. Ông đi tập kết, ở nhà kẻ thù bắt cha tra tấn đến chết ở trong tù, mẹ bị đánh thành trọng bệnh. Ngày gặp lại, cô dâu đã ngoài 40, cái cô dâu chăm sóc cha mẹ chồng năm xưa, không hiểu sao người mẹ nghĩ rằng không thể sinh nở. Bà mẹ giục ông lấy vợ khác để có cháu bế. Cái khao khát này cũng dễ hiểu: ông nội ông chỉ có ông là cháu trai duy nhất! Bà mẹ bệnh rề rề, hễ thấy mặt con dâu là lên cơn. Ông không thể nghe lời mẹ phụ bạc người phụ nữ chung thuỷ với mình ngần ấy năm trời. Cũng không thể bỏ mẹ. 7 năm chăm sóc mẹ đến khi bà qua đời. Lúc sống được cùng nhau thì nỗi ám ảnh của người mẹ đã thành sự thật, dòng họ ông không có người thừa kế!
Ông cầm máy ảnh từ năm 1972, đam mê và cũng là một cách giải toả. Đâu phải gỗ đá gì, làm sếp một lực lượng chị em đông phải ráng mà qua cám dỗ. Ngồi một mình với cái bánh chưng ngày tết, không một người thân, nghĩ về miền Nam, nhớ cha mẹ và người vợ trẻ chưa một lần liên lạc được, sống chết thế nào, còn chờ đợi mình không. Và ông tin, cũng như mình, người vợ chưa kịp hiểu nhau chưa kịp quen hơi bén tiếng ở quê nhà vẫn mong ngày đoàn tụ. Cái lòng tự trọng của đàn ông đứng được. Còn bà? Người phụ nữ xinh đẹp này bạc tóc rất sớm. Bà không lý giải gì hết, cứ ngóng về miền Bắc, và tin!
Trở lại với chuyện cầm máy của ông. Có thể nói không ngoa rằng ảnh của ông là cuốn biên niên sử Xí nghiệp Đường sắt Nghĩa Bình. Là những cán bộ của xí nghiệp nói với tôi như thế. Số lượng ảnh đáng nể mấy chục năm cầm máy của ông còn phần cơ bản khác: vẻ đẹp hoa và phong cảnh. Ông là cộng tác viên tâm đắc báo Đường Sắt, là hội viên Hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Định. Mới rồi ông tham gia cuộc thi ảnh lần 2 do Hội tổ chức với quy mô lớn, đoạt liền 2 giải Nhì và Ba. Bà có vẻ không ủng hộ lắm chuyện chơi ảnh của ông, sợ tốn tiền. Một chuyến đi sáng tác, tốn khoảng 500 ngàn, là nhiều với lương hưu. Nhưng bà không cấm cản: chỉ lo nhỡ đau bệnh biết nương tựa vào ai. Chao ôi, cái niềm vui ít ỏi ấy cũng phải tính toán. Mà lo cũng không tránh được, mấy tháng qua ông ngã bệnh, bệnh nặng, phải đi Sài Gòn chữa. Bà xỉu nhiều lần khi cầm bệnh án của ông, người ốm lại lo chăm vợ!
Giờ ông về điều trị tại nhà, kết hợp đông- tây y, dĩ nhiên cũng chỉ mình bà lo toan mọi thứ. Trước đây mỗi lần ông sấy máy bằng bóng đèn 3W bà xót, sợ tốn điện, chơi vài cây cảnh không đủ nước thừa phải tưới nước máy, bà lo. Giờ tay run ông không cầm máy được, chính bà lặng lẽ chong ngọn điện nhỏ kia giúp chồng. Tôi không nghĩ đó là cái bóng điện thông thường. Đó là ngọn lửa trái tim bà, nó từng ấp ủ cháy qua những biến cố lớn lao của đất nước, từng kiên trì không tắt qua nghiệt ngã tình nhà. Tôi, một tín đồ của tình yêu, không sợ bị chê trách, cả gan lý giải hai trái tim héo hắt đang gắng gỏi nhen lên chút lửa còn lại để sưởi ấm nhau kia. Bà tiễn tôi với lời nhắc rủ bạn bè lại chơi với ông.
Mỗi người có cách hiểu, cách quan niệm và yêu khác nhau; thậm chí có người cho rằng tình yêu là thứ trang sức phù phiếm. Không thể tranh luận đúng sai, hơn thua chuyện này. Chuyện hai con người ở tuổi thất thập tôi đang kể gắn liền với thời đất nước đau thương và anh hùng. Đóng góp của mỗi con người khó tính đếm, chuyện riêng tư càng không thể cân đo. Tôi đã tin và hằng tin những năm tháng ấy trong sự hoà quyện tình yêu Tổ quốc với tình yêu đôi lứa, con người đã biết sống đẹp hơn, cao thượng hơn.
Nếu mọi ước muốn của con người mà thành hiện thực, tôi cầu mong ông, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Huy Bích có thể cầm máy trở lại để bà còn cơ hội rầy ông về chuyện phung phí điện mỗi lần sấy máy, cái bóng 3 W diệu kỳ kia!…
. Lê Hoài Lương
|