Đầu năm 1971, cụm thông tin Quân khu 5 chúng tôi được bổ sung về một nữ kỹ sư trẻ đẹp, mà lại là người Hà Nội chính cống. Phần lý lịch của cô ta thì cứ gọi là... hết chê. Cô tên là Hương, con gái của một vị giáo sư y khoa, đang là phó giám đốc Bệnh viện Quân y Hà Nội. Vừa tốt nghiệp Đại học (Khoa sửa chữa thông tin), Hương xung phong đi bộ đội và được điều vào chiến trường.
Là một đài trưởng trong một cụm thông tin, từ ngày có Hương về, tôi rất mừng. Không mừng sao được, bởi lâu nay tổ cơ công của đơn vị chúng tôi có 4 người (1 nam, 3 nữ), anh chị em hầu hết là mới qua trình độ sơ cấp trung cấp sửa chữa. Cụm có 12 đài thông tin 15W đã qua sử dụng nhiều năm nên cứ hỏng lên, hỏng xuống, nay hư cái này, mai hư cái kia... Trong khi đó, thông tin - liên lạc phục vụ cho sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu đối với các chiến trường thì ngày càng nhiều, đòi hỏi tính nhanh chóng, chính xác cao. Nay có được một kỹ sư trẻ về chắc là mọi hỏng hóc của các máy móc trong cụm sẽ được khắc phục, sửa chữa khẩn trương hơn, nhanh chóng hơn; đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ.
Hương về đơn vị tôi được một tháng thì được cấp trên quyết định bổ nhiệm làm tổ trưởng Tổ cơ công với cấp hàm chuẩn úy. Phải nói rằng, ở chiến trường Khu 5 mà đặc biệt là chiến trường Quảng Nam, chưa có năm nào gian khổ, ác liệt, đói cơm, lạt muối như năm 1971. Ngày Hương về đơn vị cũng là lúc đơn vị tôi đang đứt lương thực hơn mười ngày. Cả cán bộ, chiến sĩ gần 100 người mà trong kho chỉ còn hơn chục lon gạo với vài lon muối. Số lương thực ít ỏi này chỉ để dành cho số anh em đau ốm nặng. Còn tất cả đều ngày ba bữa toàn cháo môn dóc (không có muối, chát xì).
Hương có người nhỏ nhắn, mảnh mai, với đôi mắt đẹp, mơ mộng. Một cô gái đất Hà thành chỉ quen sung sướng ấy vậy mà lần đầu tiên chạm trán với trận đói này, Hương đã sớm tỏ ra là một người có bản lĩnh, ý chí và nghị lực chịu đựng tốt. Đói khổ là vậy mà Hương làm việc không biết mệt mỏi, không kể giờ giấc, ngày đêm. Nhiều hôm máy móc trong cụm hư hỏng nhiều, tôi thấy Hương thức một mình đến 2-3 giờ sáng bên ngọn đèn dầu leo lét trong nhà Tổ cơ công: mày mò hàn từng con sò, con ốc, nối từng đoạn dây điện ngắn ngủn, bé xúi; nối mạch cho các máy móc, kịp thời cho các đài đưa vào sử dụng, làm việc... Rồi cũng từ cái trận đói quay, đói quắt năm ấy mà tôi với Hương đã có sự đồng cảm với nhau. Ngày lại ngày, cô con gái Hà thành đã đem lòng yêu thương một anh con trai Bình Định là tôi.
Tôi năm ấy 25 tuổi, Hương 23 tuổi bằng cái tuổi tuy chưa thật "chín" nhưng cũng đã ngã màu "hườm hườm" trong lĩnh vực tình yêu. Mặc dù tổ chức không cấm đoán gì nhưng tôi luôn tự nghĩ: “Yêu đương lúc này đã đúng chưa, đã hợp lúc chưa? Rồi thì con bồng, con dắt trong hoàn cảnh chiến tranh này thì làm sao mà không vướng bận đến công tác và chiến đấu?” Tôi vẫn thường tâm niệm rằng: Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù, biết đâu sẽ đến lượt mình phải hy sinh? Chính vì vậy mà nhiều khi Hương chủ động bao nhiêu thì tôi lại cứ giả vờ “tai lơ, mặt điếc" bấy nhiêu!
Khi Hiệp định Paris ký kết được nửa tháng, tôi nhận nhiệm vụ đi công tác vào Bình Định với anh Việt, tham mưu trưởng quân khu (tức trung tướng Nguyễn Năng, nay đã nghỉ hưu). Ở nhà, Hương bị một trận sốt rét khá nặng, lách đã sưng đến cấp số 4, các quân y quân khu giải quyết cho Hương ra Bắc chữa bệnh. Khi đi, Hương không dám báo cáo chuyện riêng tư của mình cho các anh trong cấp ủy, chi bộ và ban chỉ huy đơn vị biết để tạo điều kiện giúp đỡ mà chỉ khóc nhiều và để lại cho tôi một lá thư. Thư Hương để lại cho tôi đại loại là "Vì điều kiện sức khỏe, bệnh tật, em phải ra Bắc chữa bệnh. Khỏi bệnh, em sẽ vào lại công tác. Ngày em ra đi mà không gặp được anh, em rất buồn và ân hận nhiều điều. Mong anh giữ gìn sức khỏe, công tác và chiến đấu tốt. Em nghĩ: chiến tranh có thể còn kéo dài và gian khổ, sự ác liệt ở chiến trường cũng có thể ngày càng gia tăng đó anh! Hẹn ngày thống nhất đất nước, chúng mình gặp lại nhau."
Cuối năm 1973, tôi nhận được thư của Hương từ Hà Nội gởi vào và báo cho tôi biết là Hương đã điều trị khỏi bệnh, đang chuẩn bị các thủ tục để đi nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc. Đọc thư Hương, tôi vừa mừng, vừa lo. Rồi cuối năm 1974, trong khi đơn vị tôi đang ráo riết chuẩn bị mọi phương tiện máy móc để chuẩn bị bước vào chiến dịch mùa xuân năm 1975 lịch sử thì tôi lại nhận được thư của Hương gởi từ Tiệp Khắc về. Trong thư, Hương nói nhiều, kể nhiều, nhưng cuối cùng gút lại một điều là: "Do hoàn cảnh, Hương đã xây dựng gia đình với một người cùng đang học tập ở Tiệp Khắc và mong tôi thông cảm.” Bấy giờ tôi mới nhận ra mình đã 29 tuổi và Hương cũng đã 27 tuổi rồi còn gì.
Đến hôm nay thì tôi và Hương ai cũng yên bề gia thất. Nhớ lại kỷ niệm xưa, tôi chẳng trách Hương vì trong hoàn cảnh chiến tranh và xa cách như vậy, Hương không thể làm khác được. Tôi chỉ mong Hương luôn nhớ tới những ngày tháng đó như một kỷ niệm đẹp đầu đời của một thế hệ cầm súng đánh giặc, vì việc chung mà tạm gác việc riêng.
. Nguyễn Hữu Đức
|