Chúng tôi như đi miên man giữa vườn điều cuối đông hoa nở tím ngắt ngan ngát cả một vùng đồi. Những gốc điều trên mười năm tuổi chi chít những quả non hứa hẹn một vụ mùa bội thu sắp đến. Chủ nhân của vùng đồi này là anh Nguyễn Đình, ngoài ba mươi tuổi, hiện ở xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh. Đã vào cuối đông trời vẫn còn rét ngọt. Chúng tôi ngồi xuýt xoa bên ấm trà xanh thơm ngát trong ngôi nhà nhỏ khiêm tốn nằm ở góc vườn, cạnh dòng suối nhỏ nước rì rào trong vắt. Ngoài trời, một cơn mưa nhỏ bất chợt dăng dăng một màn sương mỏng. Khẽ đặt chén trà xuống chiếu, anh Đình lặng đi một chút hồi tưởng lại những sự việc như mới hôm qua mà nay đã lùi vào quá khứ với bao thăng trầm nghiệt ngã của cuộc đời.
Anh kể:
Chúng tôi sinh ra và lớn lên trong một vùng quê nghèo, tôi và cô ấy từ nhỏ đã gắn bó thân thiết với bao kỷ niệm, chung xóm chung trường, mỗi buổi chiều về cùng bọn thằng Phi, con Hà… nô đùa trên con sông Côn quanh năm xanh mát. Thời gian thấm thoát trôi, tình yêu đến tự lúc nào không biết. Cuối năm ấy, sau một đám cưới nho nhỏ đơn sơ chúng tôi đã có một tổ ấm xinh xinh ấm cúng.
Đầu những năm tám mươi, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp nổi lên cả tỉnh rồi cả huyện, cả nhà tôi đưa toàn bộ ruộng đất vào HTX và trở thành những người làm chủ trên mảnh đất này. Ngoài những ngày tham gia lao động ở HTX chúng tôi còn tranh thủ phát thêm vài sào rẫy trồng thêm khoai sắn (mì) để phòng khi giáp hạt và chăn nuôi. Mùa mưa năm ấy, cơn bão to quá đã đánh đổ rẫy mì tiêu điều, xơ xác. Lúc này, tôi đã thấy chán nản, nhưng vợ tôi vẫn điềm tĩnh nhẹ nhàng: “Mới thất bại mà anh đã nản chí thì làm ăn gì được, cần phải bình tĩnh vượt qua lúc khó khăn này”. Thế là chúng tôi lại ra sức bắt tay làm lại từ đầu, cuộc sống khó khăn đã dần ổn định. Vào khoảng năm 1989, nền kinh tế nước ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn, sự đổi mới như làn gió mát len lỏi vào từng cuộc sống mỗi gia đình, mỗi con người. Đúng lúc này thì gia đình tôi lại gặp hạn lớn. Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, mà tôi nghe lời của bà chị họ đem toàn bộ số vàng ít ỏi dành dụm để cho chị vay với lãi suất hấp dẫn là 15%. Nhận lãi suôn sẻ được vài tháng, thì đùng một cái chị họ tôi bị bắt vì tham gia một đường dây hụi lớn bị bể, lúc ấy tôi mới biết bị lừa thì đã muộn. Quá buồn chán thất vọng, tôi tìm chén rượu để giải sầu rồi trở thành đệ tử của thần Lưu linh lúc nào không biết. Trong lúc bất đắc chí tình cờ gặp lại thằng bạn thân đi làm ăn xa lâu ngày mới gặp. Trông nó thật bảnh bao, vàng đeo đầy cổ, xe pháo rượu bia tấp nập; biết hoàn cảnh của tôi nó bảo: “Thôi ông đi làm ăn với tôi, chỉ vài năm là khá thôi”.
Thế là, mặc cho lời cản ngăn đầy nước mắt của vợ tôi trong lúc bụng mang dạ chửa, tôi quyết chí lên đường tạo dựng một sự nghiệp mới để làm lại cuộc đời. Cùng với chiếc máy cưa, máy xẻ bước chân tôi đã đi qua khắp các cánh rừng của Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum… Qua một thời gian tôi mới biết thằng bạn tôi phất nhanh là do cấu kết với một số kiểm lâm thoái hóa để khai thác gỗ, phá rừng của nhà nước. Thế là một lần nữa tôi lại bị lừa, vô hình chung trở thành một tên lâm tặc. Suốt mấy tháng trời nằm rừng, ngủ suối phần giận đời, giận mình, cộng với công việc nặng nhọc sức khỏe tôi xuống nhanh chóng, để rồi một buổi sáng không thức dậy nổi tôi biết mình đã bị cơn sốt rét rừng quật ngã. Hơn một tuần liền nằm trong chiếc lán heo hút giữa rừng, lắng nghe tiếng thời gian trôi đi chậm chạp trong tiếng vượn hú chim kêu càng ảo não. Chạnh nghĩ đến gia đình, làng xóm tôi đã muốn bỏ về, nhưng nỗi tự ái khi nghĩ đến những con mắt thương hại của đám bạn cùng trang lứa khi trở về đã làm tôi nhụt chí. Trong lúc tuyệt vọng, thì một buổi trưa vợ tôi bất ngờ xuất hiện trước cửa lán, nhìn người thân yêu nhất của mình trong dáng vẻ tiều tụy tôi thấy lòng mình nặng trĩu. Tôi ân hận, xót xa trước sự nông nổi ích kỷ, nhỏ nhen của mình.
Về lại tổ ấm của mình, trong nhiều ngày liền tôi nung nấu một hướng làm ăn mới, kiên quyết bám đất bám làng không ly hương nữa. Vùng tôi ở có một làng người Ba na sinh sống, lần ấy tình cờ thế nào tôi lại vào nghỉ nhờ nhà anh Bá Bri ở cuối làng. Mới biết vợ anh mới sinh cháu thứ ba, bị băng huyết, gia đình đã đưa lên trạm xá rồi bệnh viện huyện nhưng bệnh vẫn không bớt, đã mất mấy con dê, con heo cúng ma rồi mà chị Bri vẫn chắc không qua khỏi. Tôi không vốn rành y thuật, nhưng trong quá trình bươn chải mưu sinh, qua truyền miệng tôi biết một cây thuốc nam có thể chữa được bệnh này. Sau khi nghe trình bày, anh Bri đồng ý và tha thiết nhờ tôi ra tay cứu giúp. Thú thật lúc đầu tôi rất run vì chỉ nghe qua truyền miệng chứ chưa qua thực tế, nhưng thôi thì liều vậy. Thật không ngờ như có phép lạ, uống chưa hết ba ấm thuốc chị đã đi lại được. Cả nhà anh Bri xúm lạy tôi như tế sao, và sau ghè rượu cúng Giàng tôi đã chính thức trở thành anh em với Bri và là người có uy tín trong làng. Đây có lẽ là bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi, vì nó đã mở ra một hướng đi mới mà tôi không ngờ tới.
Biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn trong sản xuất, anh Bri đã vận động bà con trong làng để sản xuất. Vợ chồng tôi nhờ sự giúp đỡ của bà con dân làng ra sức trỉa vụ lúa nương đầu tiên. Nhìn những giọt mồ hôi trên đôi vai gầy bạc thếch của người vợ thân yêu mà lòng tôi se thắt, chỉ còn hơn tháng nữa sinh cháu nhưng vợ tôi nhất quyết không chịu nghỉ. Đất không phụ công người, lúa tốt bời bời, gốc lúa nở to như cổ chân người xào xạc trong gió, ai cũng khen vợ chồng tôi mát tay khéo trồng. Nhưng có lẽ ông trời cay nghiệt thử thách tôi chăng, cả biển lúa mênh mông trĩu hạt chỉ sau vài cơn gió mạnh kết hợp mưa lớn đã làm tiêu tan mọi hy vọng, mười phần vớt vát chỉ được một hai.
Ngẫm lại cuộc đời của tôi chìm nổi, lênh đênh thật anh ạ!
Sau cái đận ấy tôi như con thuyền một lần nữa lại mất phương hướng, nhưng nhìn thấy sự vất vả chịu thương chịu khó, sự động viên và tình yêu thương của vợ con đã làm tôi như vững vàng hơn. Tôi quyết tìm một loại cây trồng thích hợp chịu được nắng mưa thất thường của dải đất miền Trung này. Lúc này ở huyện phát động phong trào VAC, đây chính là ngọn gió mới tiếp sức định hướng cho tôi hiện nay. Mày mò tìm hiểu, tôi thấy chỉ có cây điều là loại cây dài ngày, chống chịu sâu bệnh, chịu hạn, chịu mưa khá năng suất ổn định có thể làm cây chủ lực. Nghĩ là làm, tôi lặn lội xuống Tây Sơn, Đồng Phó tìm mua hạt điều giống, rồi lên liếp ươm cây, đào hố trồng theo hướng dẫn của phòng Nông nghiệp huyện. Thời gian đầu còn khó khăn, để ổn định cuộc sống trước mắt, tôi thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách mùa nào thức ấy, trồng xen các loại cây đậu đỗ, khoai mì… Kết hợp làm cỏ chăm sóc cây điều. Để thuận lợi, vợ chồng tôi dời hẳn nhà vào đây để tiện đi về và chăn nuôi thêm đàn lợn, đàn gà. Còn hồ cá bên kia trước là khe nước nhỏ tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để cải tạo nuôi cá và lấy nước tưới cây.
Nhờ sự chăm chỉ lao động, chịu thương chịu khó vợ chồng tôi như đôi chim cu cần cù tha hạt chăm chút cho cuộc sống mới đã dần dần hồi sinh sau một thời gian dài bươn chải. Vụ mùa nối tiếp vụ mùa, thu hoạch nối tiếp thu hoạch, kể cả thu hoạch điều, chuối và lợn, gà… hàng năm trong tay chúng tôi có gần ba chục triệu, số tiền tuy chưa nhiều nhưng đã khẳng định một bước làm ăn.
***
Nhìn cơ ngơi hiện nay của anh với hơn ba hécta điều đã cho trái, chung quanh khu vườn là những hàng chuối cơm, chuối ngự xanh ngắt, đàn bò hơn chục con phởn phơ gặm cỏ, gà heo đầy chuồng, dưới ao cá quẫy… tôi biết cuộc sống của gia đình anh chưa gọi là giàu có nhưng đã ổn định. Khi tôi hỏi điều gì đã giúp anh thành công trong cuộc sống hôm nay? Anh trầm ngâm nói:
- Có những thành quả ngày hôm nay là nhờ vào tình yêu của người vợ hiền đảm đang. Đó chính là hậu phương lớn, là bệ đỡ vững chắc cho tôi trong từng cung bậc của cuộc đời. Có lúc người vợ trở thành người mẹ, người chị với những lời khuyên ân cần, thấu đáo, vỗ về trong những khi suy sụp buồn chán, như người bạn đường tin cậy trung thực. Có thể nói, sự nghiệp của tôi có được ngày hôm nay nhờ vào tình yêu đằm thắm thủy chung của người vợ dấu yêu. Và không nói chắc anh cũng hiểu: Tài sản vô giá của người đàn ông là tình yêu lớn của người bạn đời chung thủy.
. Nguyễn Hoàng An
(Trung tâm VHTT-TT Vĩnh Thạnh)
|