Thứ tư, ngày 2/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU
17:41', 26/5/ 2003 (GMT+7)

      Vợ chồng anh chị Toàn-Sắn

Hồi còn nhỏ, có một lần tôi được nghe vở ca kịch bài chòi “Phạm Công – Cúc Hoa” kể về một mối tình son sắt thủy chung của một đôi trai tài gái sắc. Trải qua bao thử thách gian nan họ lại được sum họp cùng nhau, công thành danh toại. Nghe chuyện mà nước mắt tôi cứ trào ra, xúc động và cảm phục.

Rồi một buổi chiều ngồi trong quán cà phê Hoa Viên (trên đường số 1 thị trấn Tăng Bạt Hổ – Hoài Ân) tôi tình cờ lại được nghe chuyện tình của vợ chồng người chủ quán. Đó là anh Nguyễn Hữu Toàn và chị Huỳnh Thị Sắn. Câu chuyện làm tôi bồi hồi nhớ lại mối tình của Phạm Công – Cúc Hoa khi xưa… Thì ra những mối tình chung thủy sắt son, thời nào, ở đâu cũng có một sức mạnh lớn lao, làm nên bao điều kỳ diệu.

Lúc họ yêu nhau, chị Sắn là cô gái nông thôn học chưa hết cấp 2, ở nhà làm nghề may; anh Toàn thì đã tốt nghiệp khoa Văn – Đại học Sư phạm. Ba má anh đặt quá nhiều kỳ vọng vào người con trai, chỉ muốn có cô con dâu cũng làm nghề giáo như anh mới “môn đăng hộ đối”. Vì vậy khi biết anh chị thương yêu nhau, gia đình nhà trai phản đối quyết liệt. Anh đứng giữa hai ngả đường, hai sự lựa chọn: nghe theo lời cha thì mất tình yêu; đi theo tiếng gọi tình yêu thì tình cảm cha con sứt mẻ. Làm sao có thể dung hòa cho trọn vẹn đôi đường bên tình bên hiếu? Quả là một bài toán nan giải. Đã có lúc anh phải bật khóc mà kêu lên: “Ba ơi! Vì sao con lại không thể chung sống với người con yêu thương? Làm sao chúng con có thể sống trên đời này mà không có nhau được!” Song những lời van xin cũng không làm người cha lay chuyển.

Tuy không tổ chức đám cưới được, nhưng anh chị âm thầm đến Ủy ban xã đăng ký kết hôn. Vừa về đến nhà, cha anh đã chỉ tay đuổi vợ chồng anh đi, không được trở về nhà nữa! Hai vợ chồng gói ghém ít quần áo ra đường, chả biết đi đâu, hai hàng nước mắt rơi lã chã. Song thật lạ, thử thách lại càng làm cho họ thương yêu gắn bó với nhau hơn. Họ nắm chặt tay nhau như thầm hứa với nhau dù đường đời có chông gai khúc khuỷu họ sẽ mãi mãi bên nhau, không có gì chia cắt được. Rồi một người bạn thương tình nhượng cho anh miếng đất ven đường số 1 ở thị trấn Tăng Bạt Hổ: “Cậu ra đó che tạm mái nhà mà ở. Khi nào có tiền trả mình cũng được”. Anh nghe lời, mua gạch, cát, xi măng về tự mình xây lấy nhà ở. Nhưng xây chưa kịp khô thì cha anh lại đến đạp đổ. Kiên trì mãi rồi hai bức tường nhà cũng hoàn thành, bạn bè bà con cho mấy cây tre, dăm bó lá dừa đắp điếm che mưa che gió.

Nhưng có lẽ ông trời trớ trêu còn muốn thử thách đôi vợ chồng trẻ. Cha anh đột ngột ngã bệnh nặng, nằm liệt giường. Mẹ anh đang buôn bán thì bị lừa gạt, vốn liếng mất trắng tay, khách hàng đến đòi nợ khiến bà phải đi nơi khác làm ăn kiếm sống. Vợ chồng anh bàn nhau đón cha về chăm sóc phụng dưỡng. Suốt bốn năm trời, từ năm 1991 đến năm 1994, anh bận việc ở trường, công việc ở nhà hầu như do chị gánh vác. Vừa tranh thủ may vá kiếm tiền, chị vừa lo cơm cháo, thuốc thang, chăm sóc cha chồng. Vất vả cả ngày đêm vậy mà chị chưa bao giờ phàn nàn một tiếng. Suất lương ít ỏi của anh phải chia sẻ để nuôi ba miệng ăn, lại còn tiền thuốc thang bồi dưỡng thì làm sao cho đủ, chị lại phải xuôi ngược vay tạm. Bữa ăn chỉ có đĩa rau lang chấm mắm cái mà cũng không đủ no; nhưng họ vẫn dành những gì ngon nhất cho người cha đau yếu. Làng xóm ai cũng khen chị hiếu thảo, đảm đang, khen anh có phúc lấy được vợ hiền.

Nhưng rồi bệnh của cha anh ngày một nặng thêm. Trước khi qua đời, ông mấp máy môi gọi người con dâu, nước mắt ứa ra vì ân hận. An táng cho cha xong, vợ chồng anh lại nai lưng ra lo làm ăn chắt bóp từng đồng để trả nợ. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, anh tranh thủ làm ruộng, trồng rau, đi bốc vác, làm thuê. Chị cũng quang gánh trên vai lên tận nguồn Ân Hữu, Ân Nghĩa cách gần ba chục cây số đi về, đem mắm muối áo quần đổi hàng cho bà con dân tộc thiểu số. Vợ chồng có khi nửa đêm mới về đến nhà, chia nhau lưng cơm nguội, bữa no, bữa đói. Cuộc sống thật trăm bề vất vả, cơ cực. Anh rất xót xa và ước mong sao có ngày ăn nên làm ra, anh sẽ có dịp bù đắp những thiệt thòi hy sinh mà chị phải chịu đựng.

Năm 1992, đứa con trai đầu lòng ra đời, cuộc sống có làm họ chật vật hơn nhưng bù lại gia đình họ thêm đầm ấm hạnh phúc và khát vọng đổi đời cứ lớn dần theo tháng năm. Năm 2000, anh chị bàn nhau: phải mạnh dạn tìm hướng làm ăn để thoát cảnh đói nghèo, không thể sống như thế này mãi. Họ quyết định tận dụng mặt đường mở quán cà phê. Không có vốn thì đi vay, không biết thì học hỏi. Dốc hết vốn liếng dành dụm được, mượn thêm bà con, bạn bè và vay thêm ngân hàng 20 triệu, anh xây thêm một phòng, mua sắm bàn ghế, trang trí, âm thanh, ánh sáng, thuê thêm người phụ việc. Hôm khai trương quán cà phê, họ vừa mừng vừa lo, cả đêm phấp phỏng không sao ngủ được. Nhưng rồi nhờ cà phê ngon, phục vụ chu đáo, khách đến ngày càng đông. Chỉ sau 2 năm họ đã trả xong nợ. Anh nhận làm đại lý bảo hiểm nhân thọ, thu nhập ngày càng tăng, cuộc sống nghèo khổ đã lùi xa. Tuy vất vả lo làm ăn nhưng trong công tác chuyên môn anh luôn hoàn thành xuất sắc. Tám năm liền anh luôn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh lên lớp trong các lớp do anh phụ trách đều cao, đặc biệt anh đã bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Càng ăn nên làm ra, họ càng không quên bạn bè, bà con, những người đã cưu mang giúp đỡ mình lúc còn cơ nhỡ. Anh dành dụm tiền bạc đóng góp quỹ khuyến học, quỹ từ thiện, giúp đỡ các em học sinh nhà nghèo hiếu học, chia sẻ khó khăn với bà con lối xóm.

Ngày nay ai có dịp ghé qua quán cà phê Hoa Viên (đường số 1 thị trấn Tăng Bạt Hổ – Hoài Ân) nhìn cơ ngơi khang trang; tiếp xúc với cô chủ quán vui vẻ, đôn hậu, ít ai có thể tin rằng cách đây dăm năm họ đã từng đi làm thuê làm mướn, đã từng trải qua những tháng ngày lao đao sóng gió.

Vì sao họ có được sự đổi đời, có cuộc sống đầm ấm hạnh phúc như ngày nay? Điều đó chỉ có thể lý giải vì họ có một tình yêu thủy chung son sắt, một trái tim nhân ái, bao dung; một ý chí vượt khó để vươn lên. Vâng đó chính là đôi cánh diệu kỳ, ngọn lửa thiêng, phép nhiệm màu: TÌNH YÊU – 2 chữ viết hoa theo đúng nghĩa thiêng liêng của nó.

. Đinh Dũng Toản

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
BỆ ĐỠ  (23/05/2003)
MỐI TÌNH ĐẦU CỦA TÔI   (16/05/2003)
TRÁI TIM SẸO  (13/05/2003)
Tìm lại được hàng nghìn cổ vật bị đánh cắp ở Iraq  (09/05/2003)
NGỌN LỬA NHỎ CỦA MỘT ĐỜI NGƯỜI  (10/05/2003)
NGÓN TAY KHÔNG ĐEO NHẪN  (14/04/2003)
NGOẠI TÔI  (09/04/2003)
CÂY TRE TRĂM ÐỐT  (08/04/2003)
HIỂU NHAU CÙNG XÂY SỰ NGHIỆP  (03/04/2003)
PHỐ KHÔNG CHỈ BÁN LỒNG ĐÈN  (30/03/2003)
NHỜ TÌNH YÊU, CHÚNG TÔI ĐÃ VƯỢT QUA MỌI KHÓ KHĂN  (26/03/2003)
TRƯỞNG TRẠI CHĂN NUÔI  (23/03/2003)
CHO EM ĐI MỘT CON ĐƯỜNG  (18/03/2003)
“Ăn cơm trước kẻng”   (12/03/2003)
CHỊ TÔI  (06/03/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn