Tôi biết câu chuyện gia đình chị đã lâu, nhưng hôm nay nghe chị kể, tôi mới nhận ra rằng: Khi người đàn ông làm tình yêu trong người phụ nữ đã nguội lạnh, thì về sau dù có thật tình ân hận hối lỗi thế nào đi nữa, cũng không thể thổi bùng lên ngọn lửa nồng cháy như thuở ban đầu! Có lẽ đó là câu chuyện không riêng gì của chị, mà có thể của nhiều người.
Chị lập gia đình với anh ấy ở cái tuổi hơi muộn màng, đó là năm chị đã 34 tuổi. Anh là một kỹ sư nông nghiệp hơn chị 4 tuổi. Họ đã đến với nhau thật bất ngờ qua một số cuộc gặp nhờ bạn bè mai mối. Chỉ sau 3 tháng làm quen, hôn lễ được cử hành, bạn bè ai cũng trầm trồ khen chị may mắn, đã qua tuổi thanh xuân mà lấy được chồng giàu, có bằng cấp hẳn hoi. Gia đình chị không khá giả gì lắm, thấy chị có chồng đàng hoàng, cả nhà ai cũng mừng.
Sau hôn lễ, chị về làm dâu bên nhà chồng ở trong thành phố, cách nhà chị hơn 4 cây số. Một năm làm dâu là một năm đầy trăn trở của chị. Cả nhà bên chồng đối xử ngày càng lạnh nhạt với chị. Cả ngày đi làm việc ở công sở, ngoài giờ phải lo phụ việc trong gia đình chồng, thế nhưng gia đình chồng không ai hiểu chị, công sức chị bỏ ra không bao giờ thỏa mãn họ. Họ tìm cách chì chiết chị đủ điều. Có lúc buồn quá, chị xin về nhà ngủ qua đêm để tâm sự với mẹ.
Việc gia đình chồng đối xử với chị thế nào chị cũng chịu đựng được, nhưng thái độ của anh ấy đối với chị sau khi đã là vợ chồng thì quả là một nỗi đau mỗi ngày mỗi chồng chất. Càng sống lâu với nhau, chị càng hiểu rõ hơn bản chất thực của con người anh. Anh có tính khí thất thường, hay ăn nói cục cằn to tiếng với chị, và đặc biệt anh thích vui chơi sa đà với bạn bè bên ngoài thâu đêm, chẳng đoái hoài đến chị để cửa trông chờ, khi chị nhắc nhở thì anh to tiếng. Tiền lương hàng tháng anh không đưa chị một đồng. Anh chi tiêu gì chị không bao giờ được biết và cũng không được hỏi. Nỗi thất vọng về chồng của mình ngày càng lớn dần trong tâm trí của chị. Tuy vậy, chị vẫn cố nhẫn nhịn, bởi chị không còn con đường nào khác để lựa chọn.
Một năm sau, chị có thai. Chị rất mừng vì ngỡ rằng cái thai ấy sẽ là chiếc cầu nối tình cảm giữa chị và anh, cũng như với gia đình chồng. Không như chị nghĩ, những ngày mang thai là những ngày vất vả với chị. Có thai, nhưng chị phải tự đi làm một mình bằng xe đạp hay xe máy, không khi nào anh chở chị đến cơ quan, không khi nào anh hỏi thăm sức khỏe thai nghén của vợ. Bạn bè thấy vậy ai cũng thông cảm với hoàn cảnh của chị. Chị còn lại hy vọng duy nhất là đứa bé ra đời sẽ an ủi nỗi đau thầm lặng trong chị. Nhưng quả không may, cháu bé ra đời vừa không làm chồng vui, vì là con gái, vừa mang lại cho chị một bất hạnh, cháu mang tật bẩm sinh teo hậu môn. Bệnh viện phải tiến hành phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo cho cháu chỉ vài ngày sau sinh. Việc chăm sóc cho cháu sau phẫu thuật thật là vất vả cho chị. Cùng một lúc hai nỗi đau ập đến, nỗi buồn chồng và nỗi đau cho con trẻ. Chị bồng con về nhà mẹ ruột để được chăm sóc chu đáo hơn.
Những ngày tháng ở nhà mẹ ruột, chị nuôi con nhỏ một mình. Những đêm dài, thao thức vì con lên cơn sốt, con khóc cần thay tã, con đói cần cho ăn, chị chỉ còn cách ngồi ẵm con à ơi con ngủ mà lòng thì cảm thấy cô đơn đến nghẹn ngào. Những lúc ấy, chị tự nhủ ước gì có anh ở bên cạnh. Chị rất cần sự giúp đỡ của anh, nhưng anh chỉ thỉnh thoảng nghé thăm chị, hỏi han vài ba câu, đưa một ít tiền rồi ra đi vội vã. Chị nhìn con với những giọt nước mắt lưng tròng và tự nhủ: “Mẹ quyết sẽ làm những gì tốt đẹp cho con, con sẽ là con của chỉ một mình mẹ”. Sự tôn trọng và niềm tin đối với anh mất dần trong chị.
Đến tháng thứ sáu chị mang cháu ra Hà Nội để phẫu thuật tạo hình hậu môn theo đề nghị của các bác sĩ. Hơn 1 tháng ở nơi đô thành nhộn nhịp, chị thui thủi chăm sóc con nhỏ trong bệnh viện, bữa đói bữa no chị cam chịu một mình để cho con đủ sức khỏe vượt qua cuộc phẫu thuật. Hình bóng người chồng nhạt dần và mất hẳn từ lúc nào chị chỉ còn nỗi thương con choáng đầy trong tâm trí.
Chị vẫn giữ giọng kể nhỏ và buồn, nhưng có lúc tôi cảm thấy như chị đang gào thét lên trong nỗi uất ức cho sự bất hạnh của mình trong đời sống lứa đôi. Tôi lắng nghe chị kể tiếp và cố giấu đi những giọt nước mắt.
Sau khi về lại quê nhà, chị rất mừng vì cuộc phẫu thuật thành công. Cháu gái càng lớn càng bụ bẫm dễ thương, chị hãnh diện nhìn con sung sướng. Bây giờ mọi tình cảm chị chỉ dành cho con, chị không cần thiết đến người chồng, không còn sợi dây tình nghĩa vô hình kết nối hai người nữa. Anh thỉnh thoảng đến thăm con, đưa chị ít tiền rồi lại ra đi lao vào những cuộc chơi với bạn bè, những phi vụ làm ăn. Chị đã làm đơn xin ly hôn. Khi nhận được đơn, anh phản đối và cho rằng việc chăm sóc con cái gia đình là chuyện của phụ nữ, anh không có lỗi trong những chuyện vừa qua. Thế nhưng chẳng được bao lâu, dưới áp lực của gia đình và sự cương quyết của chị, anh đành phải ký vào đơn. Ngày tòa án quyết định cho ly hôn là ngày chị biết rằng từ nay chị sẽ không bao giờ có một mái ấm gia đình với anh ấy nữa. Anh chịu trách nhiệm phụ cấp tài chính hỗ trợ nuôi con cho đến mười tám tuổi theo phán quyết của tòa, nhưng chị không màng đến tiền của anh. Chị chấp nhận khó khăn sẽ đến với mẹ con chị trong tương lai. Thế mới biết, khi người phụ nữ đã quyết định sống một mình, nghĩa là tình yêu của họ dành cho người đàn ông đó đã chết! Dù sao, trong tình cảnh của chị, tôi đã nghĩ như vậy.
Hơn một tuổi, cháu gái lại được đưa trở ra Hà Nội để làm phẫu thuật đưa hậu môn nhân tạo về vị trí bình thường. Lần này, chị thật sự gặp nhiều khó khăn, phải ứng tiền cơ quan, vay mượn bạn bè. Tuy nhiên, chị cảm thấy thoải mái hơn vì trong thâm tâm mình không còn nghĩ đến ai khác ngoài đứa con. Chị tập trung sức lực của mình vào việc chạy chữa cho đứa con bất hạnh với tình yêu bao la của một người mẹ, bù vào chỗ thiếu tình yêu của bố.
Giờ đây, cháu đã lên 5 tuổi. Chị đã có nhà riêng, trong nhà luôn vang tiếng cười của hai mẹ con. Đời sống tương đối ổn định, chị đã lấy lại sức quyến rũ của người thiếu phụ một con. Và chị cứ tưởng rằng cuộc sống êm đềm sẽ trôi qua cho đến khi con khôn lớn. Nhưng thật bất ngờ, anh ấy trở lại. Anh tự đến thăm con, chơi với con và mua quà cho nó. Chị không ngăn cản vì đó là quyền của anh, và con chị cần có bố. Một thời gian sau, anh đã chiếm được cảm tình của con gái, nhưng anh không muốn dừng ở đó, anh muốn có chị trở lại. Anh tỏ thái độ hối lỗi và mong được tha thứ. Anh đã yêu cầu chị trở lại với anh. Chị không một chút bàng hoàng xúc động, vẫn giữ thái độ bình thường như với một người quen. Không có cảm xúc, không một mảy may rung động, không còn sự hồi hộp của trái tim, không còn ánh mắt nhìn nhau đắm đuối khi nghe lời đề nghị của anh, chị đã hiểu ra rằng tình yêu trong chị đối với anh đã lụi tàn!
. Hà Thúc Chí
|