|
Vợ chồng chị Hà và 2 con | Ở Hoài Ân (Bình Định) quê tôi, những phụ nữ có tên Hà thì nhiều lắm, nhưng có ai nói đến chị "Chị Hà dũng cảm" là mọi người hiểu ngay: đó là chị Ngô Thị Hà, cô giáo dạy văn trường THPT cấp 2-3 Hoài Ân. Vì sao chị Hà lại có biệt danh ấy? Đó là cả một câu chuyện dài đầy xúc động về mối tình thủy chung giữa chị và người bạn trăm năm, anh Nguyễn Ngọc Thương.
Anh Nguyễn Ngọc Thương quê thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) có tuổi thơ đầy sóng gió. Năm anh lên bốn tuổi thì mẹ anh bị bệnh nặng qua đời. Nỗi đau ấy chưa nguôi ngoai thì nỗi đau khác lại ập đến. Một năm sau ngày mẹ mất, bố anh lấy vợ hai và theo bà đến nơi khác ở. Chú bé Thương côi cút bơ vơ không còn ai yêu thương, chăm bẵm. Ngày ngày cậu lủi thủi một mình như chú gà lạc đàn, ngơ ngác. Từ một cậu bé nghịch ngợm vui tính, cậu bỗng trở nên ít nói, trầm lặng. Dì anh thấy cháu vậy xót xa, liền đón anh về nuôi cho ăn học. Thương chăm chỉ học lắm, năm nào cũng là học sinh khá. Năm 1979 anh tốt nghiệp phổ thông, thi đỗ Cao đẳng sư phạm Bình Định và mấy năm sau về quê làm nghề dạy học. Một lần đi họp phụ huynh học sinh cho đứa em trai, anh gặp chị Hà, cô giáo chủ nhiệm lớp, anh thầm mến cô chủ nhiệm có giọng nói dễ thương lúc nào cũng tận tình chu đáo. Còn chị cũng có cảm tình nhiều với chàng giáo viên đẹp trai, ít nói nhưng sống rất tình cảm. Càng trao đổi chuyện trò họ càng thấy có nhiều điều tương đồng và những tình cảm quyến luyến. Rồi tình yêu nẩy nở và lớn lên dần theo thời gian. Một tương lại màu hồng đang mở ra trước mắt họ.
Nhưng rồi tai họa ập đến. Năm 1986, anh bị bệnh tâm thần, trí nhớ giảm sút, lời nói và việc làm không còn tự chủ được. Trường cho anh nghỉ về nhà chữa bệnh. Nhìn anh gầy gò, ốm yếu, đôi mắt ngây dại thất thần, ngày ngày đi lang thang mà chẳng biết mình đi về đâu, chị thương anh xót xa như thắt từng khúc ruột. Có lẽ những bất hạnh tuổi thơ cứ ám ảnh suốt cuộc đời anh, khiến anh buồn phiền suy nghĩ mà thành bệnh? Cứ để như thế này không chăm sóc thuốc thang bệnh anh sẽ nặng thêm, sau này khó mà chữa khỏi. Rồi lúc đó anh sẽ ra sao? Hàng ngày nhìn những người bị bệnh tâm thần lang thang ngoài đường tóc tai bờm xồm, quần áo bẩn thỉu xác xơ bị lũ trẻ con ném đá trêu chọc mà chị rùng mình lo sợ. Dẫu anh chưa một lần ngỏ lời xin cưới chị, dẫu giữa hai người chỉ là những phút giây hẹn hò thương thầm nhớ vụng, song tình cảm ấy đối với chị siết bao thiêng liêng, tình nghĩa. Như bao người phụ nữ miền quê, mộc mạc chân thành, đã thương yêu ai là yêu thương nhau trọn đời không khi nào thay lòng đổi dạ dù người đó có tật nguyền, thân tàn ma dại. Chị làm sao có thể quên anh, có thể quay lưng lại với anh, bỏ mặc anh trong cơn hoạn nạn! Không ! Ý chị đã quyết. Chị chủ động thưa chuyện với gia đình hai bên cho phép chị chung sống cùng anh để ngày ngày có thời gian thuốc thang chạy chữa. Ai nghe chuyện cũng bàng hoàng, sững sờ: Cưới một người chồng tâm thần? Rồi tương lai sau này biết nó ra sao? Thật là một cô gái dũng cảm!
Được hai gia đình chấp thuận, đám cưới của họ được tổ chức vào năm 1989. Thế là ngày ngày sau những ngày lên lớp giảng bài, sau những khi soạn xong giáo án, chị lại tất bật đi tìm thuốc chạy chữa cho anh, lo cho anh từng bữa cơm giấc ngủ. Chị quan sát từng nét mặt anh, từng hơi thở của anh, lựa lời động viên khích lệ. Chị cứ như cô tấm ngày xưa, từ trong quả thị bước ra, dịu dàng, đôn hậu. Và chính vì tình thương yêu vô bờ của chị như một phép nhiệm màu dẫn dắt anh từ cõi u mê trở về với cuộc sống thực. Anh dần dần khỏi bệnh khỏe mạnh và tươi tắn. Sau bốn năm anh lại trở lại trường dạy học.
Thấm thoát mà 14 năm đã trôi qua. Giờ đây anh chị đã có chung hai cậu con trai khỏe mạnh xinh đẹp và đều học giỏi. Anh chị đều hoàn thành tốt chức trách của mình. Ở trường chị luôn là cô chủ nhiệm tận tình hết lòng vì học sinh thân yêu, được các em kính mến, đồng nghiệp nể trọng. Anh cũng chẳng chịu thua, năm năm liền năm nào anh cũng là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Anh chị còn tần tiện phấn đấu, tự bàn tay của mình xây được ngôi nhà rộng rãi khang trang tọa lạc tại mặt đường số 1. Ngôi nhà rộng 5m dài 20m theo kiến trúc nhà khép kín, với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như xe máy, tivi, giường tủ bàn ghế.
Tôi đến thăm, anh chị đưa tôi xem tấm ảnh cả gia đình chụp chung khi khánh thành ngôi nhà vào dịp tết Quý Mùi. Bức ảnh thật đẹp. Anh xúc động tâm sự:
- Nhớ lại những ngày xưa tôi cứ bàng hoàng không ngờ. Có được cuộc sống như ngày nay, tôi không bao giờ quên công lao của vợ tôi. Cô ấy đã sinh ra tôi lần thứ hai. Nhờ cô ấy đời tôi từ thân tàn ma dại trở thành chủ một gia đình đông vui hạnh phúc.
Ngắm bức ảnh gia đình anh, tôi xúc động thầm nghĩ: Người ta tặng cho chị biệt danh "Chị Hà dũng cảm" cũng thật xứng đáng. Lòng dũng cảm của chị đã được đền đáp. Ôi những ai đang yêu và sẽ yêu: Hãy dũng cảm đến với nhau, dũng cảm vượt qua mọi bão tố gian nan rồi nhất định hạnh phúc sẽ đến!
. Đinh Dũng Toản
|