Thứ năm, ngày 3/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
TÌNH NGƯỜI LÁI ĐÒ
16:45', 23/7/ 2003 (GMT+7)

Đó là chuyện tình của anh Nguyễn Nhành (con bác Nguyễn Dĩa ở cửa Thị Nại) và chị Ngát - con má Thìn ở một xóm chài bên bờ sông Côn.

Gia đình nghèo, cha mẹ mất sớm, bác Nguyễn Dĩa phải làm nghề đi bạn. Lúc bác đi khơi xa dài ngày, vợ bác ở nhà bị thằng Hương kiểm Chữ cưỡng hiếp. Khi bác về, vợ bác tủi hổ ôm bác mà khóc. Thương vợ và giận bọn cường hào ức hiếp dân lành, không đè nén được nỗi uất hận, bác đã chặt tên hiếp vợ bác một cánh tay, rồi mang theo một người con tìm đến bên kia bờ sông Côn làm bến đậu. Bác chưa kịp thực hiện ý định đưa vợ cùng lên lập nghiệp thì trận lụt năm Canh Tý đã cướp sạch nhà cửa và vợ bác xuống biển. Là người sống nghề sông nước, bác yêu biển xanh, yêu đầm Thị Nại vô cùng; nhưng biển đã nuốt vào lòng sâu vô đáy của nó hạnh phúc và hy vọng của bác, còn bọn hương lý trong làng đã tìm cách đuổi bác ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, không có nỗi nhục nào bằng, nhưng thời thế lúc bấy giờ không cho phép bác làm gì hơn.

Bác tạm an cư nơi bến sông Côn, nuôi dưỡng anh Nhành khôn lớn và tìm đến với cách mạng. Theo thời gian, anh Nhành đã trưởng thành, được kết nạp vào Đảng, làm cán bộ lãnh đạo của xóm chài bên này sông và phụ trách cả xóm bên kia sông. Cứ tối đến, chị Ngát - người con gái lái đò xinh đẹp- chèo thuyền đưa anh Nhành sang sông hoạt động. Đợi đến lúc tiếng gà đầu tiên cất tiếng gáy báo hiệu ngày mới sắp đến, chị Ngát lại chèo thuyền sang sông lần nữa, đón anh Nhành trở về. Ngát cũng là một đảng viên, cán bộ chỉ huy của bến đò này.

Với nhiệm vụ cách mạng, anh Nhành và chị Ngát gặp nhau trên chiếc đò vào sanh ra tử, chính sự sống chết có nhau đã hòa quyện sự nghiệp và tình yêu của hai người. Cả xóm chài ai cũng khen anh Nhành - chị Ngát đẹp đôi vừa lứa, tình yêu của họ không ai có thể chia cắt được. Nhưng vào một đêm, cũng đúng lúc gà cất tiếng gáy đầu tiên, chị Ngát chèo thuyền sang sông nhưng không đón được anh Nhành trở về. Đó là một đêm mưa tối trời, nước sông Côn đang dâng cao làm cả những hàng cây cổ thụ ở hai bên bờ sông cũng cựa mình đau xót. Sáng hôm đó anh Nhành không về, cả xóm chài đều lo lắng, ai ai cũng buồn đến nỗi không muốn đi chài lưới. Chị Ngát thì đau đớn quên cả ăn uống, khóc sưng cả mắt. Hằng đêm, cả tuần lễ như vậy, cứ đến lúc gà cất tiếng gáy đầu tiên là chị Ngát lại chèo thuyền qua bên kia sông chờ đón người yêu. Nhưng bóng dáng anh đã biệt vô âm tín. Dân làng không biết thực hư ra sao, người thì đoán anh Nhành bị địch bắt; người thì đoán anh bị nước cuốn trôi… Tin đồn thì nhiều nhưng không ai tin là anh Nhành đã chết. Sau có đồng chí ở bên kia sông đã kể lại: Đêm đó họp chi bộ, đang họp thì có tiếng chó sủa; chủ nhà vừa kịp cầm gói truyền đơn nhét vào lỗ cột thì bọn tề ngụy ấp đến, thằng đi trước lao tới định bắt đồng chí bí thư. Anh Nhành xách chiếc ghế đập vào đầu hắn. Đồng chí bí thư và một đồng chí thoát được, còn anh Nhành và chủ nhà thì bị bắt. Đến bây giờ, dân làng mới tin anh Nhành đã bị địch bắt. Nhưng chị Ngát vẫn không tin, ai có hỏi thì Ngát trả lời: "Có thể ảnh đã chạy thoát và đang công tác ở đơn vị nào đó trên căn cứ". Không còn chèo thuyền sang sông đón anh Nhành vào lúc gà gáy đầu tiên nữa, nhưng hằng đêm Ngát vẫn làm nhiệm vụ lái đò đưa cán bộ - bộ đội sang sông. Trong khát vọng đợi chờ, nhớ thương người yêu, hằng đêm, khi đò vắng khách, chị Ngát lại cất tiếng hát. Chị hát rất hay. Điệu hò quen thuộc của đất Bình Khê ngày ấy đã làm xao xuyến cả xóm chài:

Dòng sông sắc biếc quê hương

Chèo thuyền em chở tình thương sang bờ

Đêm khuya gió rét trăng mờ

Hỡi người chiến sĩ còn chờ thuyền em?

Không nghe được lời thì thầm đáp lại của người chiến sĩ năm xưa đã cùng thề non hẹn biển, nhưng chị Ngát vẫn tin ngày chiến thắng anh Nhành sẽ về với chị. Niềm tin là động lực để sống, chiến đấu và chiến thắng; tình yêu là muôn thuở; chị Ngát tin cách mạng sẽ thắng; tin anh Nhành không bao giờ chết và nhất định anh Nhành sẽ vượt qua gian khổ ác liệt, tù đày để ngày chiến thắng sẽ trở về với chị.

Năm 1973, sau những đợt trao trả tù binh, xóm chài trên bến sông Côn đã có thêm một tổ ấm gia đình của Nhành và Ngát. Và họ lại song hành cùng nhau trên con đường cách mạng. Cả xóm chài đều vui mừng và khen ngợi mối tình thủy chung son sắt của anh chị.

. Nguyễn Hoàng Long

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
MÃI ĐỢI BA VỀ  (26/06/2003)
LẤY CHỒNG TÀN TẬT!   (13/06/2003)
CHỊ HÀ DŨNG CẢM  (08/06/2003)
KHI TÌNH YÊU KHÔNG CÒN  (02/06/2003)
SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU  (26/05/2003)
BỆ ĐỠ  (23/05/2003)
MỐI TÌNH ĐẦU CỦA TÔI   (16/05/2003)
TRÁI TIM SẸO  (13/05/2003)
Tìm lại được hàng nghìn cổ vật bị đánh cắp ở Iraq  (09/05/2003)
NGỌN LỬA NHỎ CỦA MỘT ĐỜI NGƯỜI  (10/05/2003)
NGÓN TAY KHÔNG ĐEO NHẪN  (14/04/2003)
NGOẠI TÔI  (09/04/2003)
CÂY TRE TRĂM ÐỐT  (08/04/2003)
HIỂU NHAU CÙNG XÂY SỰ NGHIỆP  (03/04/2003)
PHỐ KHÔNG CHỈ BÁN LỒNG ĐÈN  (30/03/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn