Thứ tư, ngày 2/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
HẠNH PHÚC LÀ ĐƯỢC CỐNG HIẾN
17:10', 6/8/ 2003 (GMT+7)
Chị Nguyễn Thị Nga
Thị trấn Tam Quan (Hoài Nhơn) có đến 460 liệt sĩ, trong đó có hai người chồng cùng nhiều người thân của chị Nguyễn Thị Nga. Và trong số 33 Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở đây, cũng có hai người mẹ chồng (đã qua đời) của chị. Trong số 104 thương binh ở Tam Quan, chị là 1 trong 76 thương binh nữ. Chị có nhiều biệt danh: "Người vợ của hai liệt sĩ", "Người phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà", hoặc "Người Chủ tịch Hội Phụ nữ cấp xã có nhiệm kỳ dài nhất" (từ năm 1975 đến nay).

Dân gian có câu: "Công đâu công uổng công thừa. Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan" và người ta biết đến Tam Quan hôm nay như một bức tranh bạt ngàn màu xanh của đồng lúa, rừng dừa đan xen cùng phố thị, làng mạc với một cuộc sống yên bình, hướng đến một tương lai ấm no, hạnh phúc và phát triển. Nhưng cũng chính nơi đây- trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước - là một trong những chiến trường ác liệt, phải gánh chịu bao đau thương và mất mát. Cuộc đời của chị Nguyễn Thị Nga cũng trải qua nhiều mất mát, đau thương như chính quê hương mình; đã hai lần chị bồng con thơ khóc chồng hy sinh và nhiều lần chị phải vĩnh biệt những người thân, những bạn bè, đồng đội. Bản thân chị cũng đã để lại một phần máu thịt, mồ hôi và nước mắt cho quê hương, cho cách mạng.

Mười bốn tuổi, người ta bảo rằng đó là độ tuổi "ăn chưa no lo chưa tới", nhưng với chị Nga thì khác. Chị đã được tổ chức tin tưởng, giao cho chị làm công tác quân báo tại xã Tam Quan Bắc, và chưa có nhiệm vụ nào mà chị không hoàn thành, thậm chí còn hoàn thành tốt hơn dự tính của cấp trên. Mười tám tuổi, chị lấy chồng. Khi chị vừa tròn tuổi hai mươi hai thì chồng chị, anh Nguyễn Trữ- du kích xã, đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt. Sau những thời khắc đớn đau, chị cố gượng dậy; bởi trước mắt chị còn có nhiệm vụ của Cách mạng giao, còn hai đứa con chưa biết nói và mẹ chồng tuổi đã xế chiều. Và rồi, chị đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, vất vả để vẹn tròn việc nước, việc nhà và vượt khỏi vòng vây của địch. Nghề làm mắm gia truyền đã giúp chị tạo thu nhập cho gia đình và che tai mắt địch trong quá trình công tác. Lúc hoạt động hợp pháp, lúc bất hợp pháp, lúc đường xa, lúc ở gần, chị đã len lỏi sâu vào lòng địch để nắm bắt tin tức. Có lần bị địch bắt, bị đánh đập dã man, nhưng nửa lời chúng cũng không khai thác được ở chị. Được thả ra, chị liền tiếp tục con đường mà mình đã chọn.   

Ngày hòa bình, mọi người mừng mừng tủi tủi gặp lại người thân, chị đã gạt nước mắt để cảm nhận chung niềm vui của mọi người. Chiến tranh đã đi qua, nhiệm vụ kiến thiết đất nước đang cần những con người có nhiệt huyết cách mạng. Chị lại bắt tay vào nhiệm vụ mới - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tam Quan Bắc (nay tách thành thị trấn Tam Quan). Như một duyên nợ, chị đã gắn bó với công việc này cho đến hôm nay. Năm 1976, với tuổi ba mốt còn mặn mòi hương sắc, chị yêu thương và tái lập gia đình với anh Lương Đại, một sĩ quan quân đội, có vợ và con trai đã hy sinh trong chiến tranh, gia đình ở xã bên. Anh Đại đóng quân ở xa, vậy là trách nhiệm của chị ngày một đong đầy. Hai người mẹ chồng tuổi đã thất tuần, có thêm hai đứa con gái với anh Đại, chị đảm đương nuôi dạy tốt bốn đứa con và trọn nghĩa dâu hiền với hai người mẹ chồng (đều là Bà mẹ Việt Nam anh hùng). Trước đây, làm công tác Hội ở cấp xã không có lương hoặc một khoản phụ cấp nào, nhưng chị vẫn hăng say với công việc của Hội, đi đầu trong công tác vận động phụ nữ làm công tác đền ơn đáp nghĩa, nuôi và chăm sóc con em liệt sĩ, thương binh không có nơi nương tựa, hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cháu Nguyễn Thị Cọt, ở khối 1 và cháu Đinh Công Đức, ở khối 4 thị trấn Tam Quan đã được sự quan tâm giúp đỡ của chị, nên đã vượt qua những lúc khó khăn nhất như thiếu đói, bệnh nan y; giờ cả hai đã có gia đình, công việc làm và cơ ngơi ổn định, đã xem chị như một người mẹ thứ hai. Chị còn là người rất "mát tay" trong công tác hòa giải. Vợ chồng anh N.V.T. ở khối 6, có một thời gian dài mâu thuẫn và định ly hôn nên công việc làm ăn bỏ bê; chị đã kiên trì khuyên giải và vận động giúp vốn giải quyết việc làm, giờ gia đình họ là gia đình văn hóa và đang phấn đấu đạt danh hiệu gia đình nông dân sản xuất giỏi. 

Đất nước đã hòa bình, nhưng lúc bây giờ biên giới vẫn chưa yên. Anh Lương Đại đã lên đường làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia vào năm 1978. Và thời xuân sắc của chị lại một lần nữa đặt vào cảnh "đợi chờ". Những cực nhọc gia đình chị không một lời than để anh an tâm công tác. Làm ruộng, làm mắm, nấu rượu, nuôi lợn… bán lẻ, bán sỉ đều một tay chị làm tất. Chị bảo rằng: "Mình là người phát động chị em sản xuất giỏi, nếu đời sống kinh tế gia đình mình không ra gì, thì làm sao ăn nói với họ được". Và cứ thế, vừa ngóng tin chồng, vừa giỏi việc nước đảm việc nhà, tấm lòng của chị nơi nào cũng vẹn.

Thời gian cứ trôi, lần lượt các mẹ chồng của chị cũng đều từ giã cõi đời, trong sự chăm sóc chu đáo và hiếu để của chị.

Mùa xuân năm 1984, thêm một lần nữa tin dữ lại bay về, anh Lương Đại hy sinh, chị lại một lần nữa khóc chồng ở tuổi chưa tròn bốn mươi. Sự hy sinh, mất mát đã làm cho chị suy sụp. Nhưng rồi chặng đường trước mặt của chị là tương lai của những đứa con, rồi còn những công tác xã hội. Và thế là chị gượng dậy, bước tiếp những bước chân của người mẹ hiền và của người chiến sĩ Cộng sản.

Vừa qua, chị Nguyễn Thị Nga là một trong ba đại biểu đại diện cho tỉnh Bình Định đi dự Hội nghị "Phụ nữ gia đình chính sách giỏi việc nước, đảm việc nhà" toàn quốc, được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.

Quá trình công tác, chị đã nhiều lần được nhận các Huân chương, Huy chương, bằng khen và nhiều danh hiệu cao quý dành cho sự cống hiến của chị. Nhưng phần thưởng cao quý nhất đối với chị là lòng tin yêu, sự hưởng ứng phong trào của các tổ chức Hội Phụ nữ cơ sở và các hội viên dành cho chị. Và không phải ngẫu nhiên chị được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã (thị trấn) 28 năm liền, cho đến hiện nay.

. Ngọc Diên

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
TÌNH NGƯỜI LÁI ĐÒ   (23/07/2003)
MÃI ĐỢI BA VỀ  (26/06/2003)
LẤY CHỒNG TÀN TẬT!   (13/06/2003)
CHỊ HÀ DŨNG CẢM  (08/06/2003)
KHI TÌNH YÊU KHÔNG CÒN  (02/06/2003)
SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU  (26/05/2003)
BỆ ĐỠ  (23/05/2003)
MỐI TÌNH ĐẦU CỦA TÔI   (16/05/2003)
TRÁI TIM SẸO  (13/05/2003)
Tìm lại được hàng nghìn cổ vật bị đánh cắp ở Iraq  (09/05/2003)
NGỌN LỬA NHỎ CỦA MỘT ĐỜI NGƯỜI  (10/05/2003)
NGÓN TAY KHÔNG ĐEO NHẪN  (14/04/2003)
NGOẠI TÔI  (09/04/2003)
CÂY TRE TRĂM ÐỐT  (08/04/2003)
HIỂU NHAU CÙNG XÂY SỰ NGHIỆP  (03/04/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn