Thứ ba, ngày 1/4/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
TRỌN VẸN ĐÔI ĐƯỜNG TÌNH NHÀ NGHĨA NƯỚC
15:5', 8/8/ 2003 (GMT+7)

Trong một bài thơ của nhà thơ Tố Hữu nói về tình yêu có đoạn viết:

... Trái tim ấy chia ba phần tươi đỏ

Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

Phần cho thơ và phần để em yêu...

Có lẽ chưa có bài thơ nào nói lên mối quan hệ trong tình yêu lại lãng mạn, đắm say nhưng cũng rõ ràng và minh bạch đến thế.

Mỗi người đều có một trái tim. Trái tim ấy bền bỉ và trọn đời đập cho một tình yêu thiết tha: Tình yêu đôi lứa. Song khi Tổ quốc cần họ sẵn sàng gác lại tình yêu lứa đôi, dành tất cả cho một tình yêu cao cả và thiêng liêng: đó là tình yêu Tổ quốc. Ra đi khi mái đầu còn xanh, ngày trở về mái đầu đã bạc, họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình - lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời cho lý tưởng cách mạng, cứ tưởng tình yêu lứa đôi sẽ chẳng còn tha thiết như ngày nào, vậy mà kỳ diệu thay, nó vẫn càng âm ỉ cháy bỏng. Thì ra khi tình yêu lứa đôi cùng song hành với tình yêu Tổ quốc, hai tình cảm ấy cùng đan quyện vào nhau, nuôi dưỡng lẫn nhau, bất chấp thời gian và thử thách. Xin được kể lại một mối tình son sắt thủy chung của một cặp vợ chồng lão thành cách mạng.

Năm 1949, chàng trai 27 tuổi Hồ Anh Kiệt quê ở Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) và cô cán bộ phụ nữ xã Ân Phong - Hoài Ân 18 tuổi tên là Bùi Thị Phổ quen biết, yêu thương nhau và cùng nhau xây dựng tổ ấm. Cùng chung một lý tưởng chiến đấu giải phóng quê hương góp phần thống nhất Tổ quốc, họ sát cánh bên nhau hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà cách mạng giao phó. Nhưng rồi những ngày sum họp hạnh phúc ấy không còn nữa. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước âm mưu chia cắt lâu dài Tổ quốc thân yêu. Theo yêu cầu của tổ chức, anh Kiệt tập kết ra Bắc để lại quê nhà người vợ trẻ và hai con thơ, một trai một gái. Buổi chia tay bịn rịn, họ nắm chặt tay nhau hứa hẹn sẽ mãi mãi thủy chung chờ ngày thống nhất.

Tưởng chỉ phải xa cách nhau 2 năm theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, nào ngờ ngày tuyển cử cứ kéo dài vô tận. Lúc bấy giờ miền Bắc mới hòa bình, đang dốc sức xây dựng CNXH, cuộc sống thật vô cùng gian nan, vất vả. Những cán bộ miền Nam tập kết, không thiếu người đã ngã lòng, xin tổ chức cho xây dựng gia đình mới, nhưng anh Kiệt vẫn son sắt một lòng. Mười năm trời đằng đẵng không tin tức, năm 1965 anh mới nhận được tin nhà. Cầm lá thư mà bàn tay anh run lẩy bẩy vì xúc động. Mỗi nét chữ gửi gắm bao tình cảm nhớ thương. Anh ấp lá thư vào ngực mình như được truyền thêm niềm tin và sức mạnh mới.

Ở quê nhà, chị cũng đứng trước những thử thách nghiệt ngã. Luật 10-59 kéo lê máy chém đi khắp nơi; bọn Phượng hoàng đen, Phượng hoàng đỏ lúc nhúc. Bè lũ Mỹ ngụy không từ một thủ đoạn nham hiểm xảo quyệt nào để chống phá cách mạng. Những đợt ly khai, tố cộng, bắt bớ, tra tấn chị đã từng nếm trải. Kể sao cho hết nỗi cực khổ truân chuyên của người phụ nữ giữa thời buổi chiến tranh, khi phải một thân một mình vừa nuôi con vừa hoạt động cách mạng giữa một bầy lang sói hung hãn. Trong những ngày đen tối ấy, chị luôn giữ vững niềm tin, một lòng chung thủy, bình tĩnh và khôn khéo đối phó với địch. Đêm đêm giữa tiếng bom đạn gầm rú, giữa sự rình rập của kẻ thù, chị vẫn đăm đăm hướng về phía Bắc - nơi đó có Bác Hồ muôn vàn kính yêu, có đồng bào miền Bắc ruột thịt và có cả người chồng chị đang bền bỉ một lòng phấn đấu cho ngày nước nhà thống nhất.

Và ngày chị khát khao mong đợi ấy đã đến: tháng 4 năm 1975 anh được trở về quê hương sau 20 năm cách xa trong niềm vui Bắc Nam sum họp một nhà. Hạnh phúc riêng tư như được nhân lên trong hạnh phúc của cả dân tộc. Anh chị có thêm người con trai út. Họ tiếp tục cống hiến sức lực xây dựng quê hương. Năm 1980 anh nghỉ hưu, về ở tại thị trấn Tăng Bạt Hổ - Hoài Ân.

Lúc này hai vợ chồng họ đều đã cao tuổi. Những tưởng cuộc sống sẽ bớt khó khăn, nào ngờ năm 1991 cụ bà bị bệnh mù hai mắt. Cụ ông sau một cơn tai biến mạch máu não, hai chân trở nên cứng đờ. Các con của họ lúc này còn công tác ở xa, thế là hai cụ già nương tựa vào nhau mà sống. Ngày ngày, từ sáng sớm người ta đã thấy cụ ông chống gậy tập tễnh đi chợ, cách nhà khoảng hơn 1 cây số. Rồi còn bao công việc không tên: đi mua gạo mua thực phẩm theo tem phiếu, rồi quét nhà, nấu nướng, giặt giũ, vất vả nặng nhọc nhưng cuộc sống gia đình hai cụ luôn đầm ấm. Cứ như vậy hơn 10 năm, đến năm 2003 khi người con út học xong trở về nhà, lấy vợ, làm nhà, hai cụ mới thực sự có những ngày nghỉ ngơi.

Tôi đến thăm ngôi nhà khang trang, sạch sẽ và mát mẻ của họ. Cụ ông đã 81 tuổi, cụ bà 72 tuổi, song hai cụ còn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Ba người con của hai cụ đều đã thành đạt và có gia đình riêng. Khi nhắc lại những kỷ niệm đã qua, các cụ không dấu được nỗi bồi hồi xúc động. Nhìn cụ ông mái tóc bạc phơ rót chén nước đưa tận tay bà cụ - cử chỉ thật thân tình, đằm thắm - khiến tôi không khỏi cảm động và khâm phục. Hạnh phúc biết bao khi người ta trọn vẹn đôi đường tình nhà nghĩa nước.

. Đinh Dũng Toản

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
HẠNH PHÚC LÀ ĐƯỢC CỐNG HIẾN   (06/08/2003)
TÌNH NGƯỜI LÁI ĐÒ   (23/07/2003)
MÃI ĐỢI BA VỀ  (26/06/2003)
LẤY CHỒNG TÀN TẬT!   (13/06/2003)
CHỊ HÀ DŨNG CẢM  (08/06/2003)
KHI TÌNH YÊU KHÔNG CÒN  (02/06/2003)
SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU  (26/05/2003)
BỆ ĐỠ  (23/05/2003)
MỐI TÌNH ĐẦU CỦA TÔI   (16/05/2003)
TRÁI TIM SẸO  (13/05/2003)
Tìm lại được hàng nghìn cổ vật bị đánh cắp ở Iraq  (09/05/2003)
NGỌN LỬA NHỎ CỦA MỘT ĐỜI NGƯỜI  (10/05/2003)
NGÓN TAY KHÔNG ĐEO NHẪN  (14/04/2003)
NGOẠI TÔI  (09/04/2003)
CÂY TRE TRĂM ÐỐT  (08/04/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn