Ngày nhà giáo Việt Nam năm 2000, tôi nhận được bức thư có tên người gửi là Quỳnh Vân, dấu bưu điện từ Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định. Bức thư chúc mừng thầy nhân dịp 20-11 lời lẽ rất tha thiết tin yêu, nhưng dòng cuối có một câu như trách "chắc thầy chẳng còn nhớ đến cô học trò bất hạnh là em đâu!" rồi ký tắt Q.V và mở ngoặc: học trò sư phạm thuở Đông Sơn của thầy.
Đông Sơn là tên một xã, thời chiến tranh trường Trung học sư phạm Thái Bình sơ tán về đó. Tôi lục lại trí nhớ xem các khóa học ngày ấy, có cô học trò nào tên là Quỳnh Vân. Hơn mấy chục năm, tôi không tài nào nhớ được, nhưng vẫn viết thư vào Tam Quan cảm ơn, động viên và thăm dò xem cô học trò ấy học lớp nào, khóa nào. Quỳnh Vân nhận được thư hồi âm, có lẽ rất vui nên từ đó hàng năm thường viết thư ra cho tôi. Tôi chắp nối dần dần các thông tin và nhớ ra. Quỳnh Vân tên thật là Hoàng Thúy Nga. Học xong trung học sư phạm, Nga đang chờ phân công công tác, thì có đợt chọn giáo viên vào tăng cường cho các tỉnh phía Nam mới giải phóng.
Tháng 9 năm 1975, Hoàng Thúy Nga nhận giấy điều động của Bộ Giáo dục vào Bình Định công tác. Gia đình, họ hàng, anh chị em, bè bạn và nhất là cha mẹ rất lo cho Nga, không biết một thân một mình ở nơi đất khách quê người, Nga sẽ xoay sở ra sao, tương lai, chồng con sau này sẽ thế nào. Hôm tiễn chân Nga ở ga Nam Định, Nga nhớ lại: "Mẹ em đặt vào tay em một miếng trầu đang ăn, cụ mong con mình sẽ gặp hên ở nơi sẽ tới!". Nga lên tàu hỏa vào Vinh, đường sắt thống nhất chưa có, cứ đi xe đò từng chặng, phải mất hơn hai ngày mới đến được Sở Giáo dục ở Quy Nhơn, Nga nghỉ lại Sở một ngày, hôm sau nhận quyết định về trường tiểu học Tam Quan, Hoài Nhơn. Rất hên cho Nga, đang loay hoay hỏi thăm đường về trường, thì gặp một thầy giáo cũng về Hoài Nhơn cho đi nhờ xe đạp. Sau này, Nga kể: "Ảnh hiền khô à! Chúng em nói chuyện với nhau trên suốt chặng đường, rất hợp nhau và cùng nghĩ rằng "trăm năm có biết duyên gì hay không". Ảnh đưa em đến tận trường. Giáo viên ở đây ai cũng biết anh. Anh nói chuyện gì với đồng chí hiệu trưởng khá lâu, rồi xin phép ra về. Khi chia tay, em hỏi tên và địa chỉ, ảnh cười hiền hiền: "Tôi ở trường bên, cứ gọi tôi là anh giáo Hoài Nhơn!". Nhiều ngày sau em mới hiểu, Hoài Nhơn không chỉ là địa danh nơi chôn nhau cắt rốn của anh, mà Hoài Nhơn còn có nghĩa là nhớ người, anh tỏ cảm tình với em, anh nhớ "cô giáo Bắc Kỳ" từ đấy!
Nga ổn định chỗ ăn ở rồi nhận lớp ngay. Công việc đã đem lại nguồn vui cho Nga. Hội đồng giáo viên dành cho Nga nhiều tình cảm, nhất là các em học sinh, rồi cả phụ huynh học sinh, bà con cô bác Tam Quan đều quý mến cô giáo Thái Bình.
Nhiều lúc Nga nhớ nhà, nhớ mẹ vô cùng. Không hiểu vì sao, những lúc như thế thì "anh giáo Hoài Nhơn" lại đến thăm, tuần một lần, có khi tuần hai ba lần. Tuần nào anh không đến, Nga thấy trống trải bâng khuâng. Tình yêu của cô giáo Thái Bình và anh giáo Hoài Nhơn nẩy nở tự nhiên như cái gì phải đến là đến. Vào đầu năm học sau, đám cưới của hai người được tổ chức. Đôi bên gia đình chả ai có, hai họ là hai hội đồng giáo viên của hai trường. Rước dâu ra hội trường nhờ được ở một cơ quan rồi lại đưa dâu về gian phòng tập thể của trường. Đám cưới giản dị mà vui như chưa từng có. Trở thành con dâu Bình Định, Nga mới thông báo về cho mẹ và anh em bạn bè ngoài Bắc. Thư cho mẹ, Nga viết: "Con rể mẹ không làm cho mẹ thất vọng đâu. Anh rất hiền và rất thương yêu con". Thư cho bạn, Nga khoe: "Chàng trai đất võ Bình Định của tao lại có dáng một thư sinh, hiền khô, toàn tâm toàn ý với vợ!".
Đất nước thống nhất, do yêu cầu công tác và do duyên trời, Nga đã gặp được người mà mình yêu dấu. Vợ chồng nhà giáo, những năm đầu giải phóng, còn thiếu thốn đủ thứ. Sinh cháu đầu lòng, trong gian nhà tập thể 6 m2, lỉnh kỉnh bếp núc, thùng gạo, chai dầu, củi đuốc, sách vở... nhưng có tiếng con trẻ, bè bạn ra vào, Nga vui lắm, công tác có phần tích cực hơn. Chuẩn bị sinh cháu thứ hai, vợ chồng Nga mới có nhà riêng ở số 353 Tam Quan. Nga phát huy chất cần cù chịu khó của "Chị Hai 5 tấn quê ở Thái Bình", cùng chồng nuôi heo, trồng lúa, quyết tâm vượt lên cái nghèo, nuôi dạy con cái ăn học cẩn thận chu đáo. Năm rồi, Nga viết thư ra: "Vợ chồng em mới nghỉ hưu. Sau 30 năm lao động cật lực, tài sản lớn nhất của chúng em là bốn đứa con, cha cháu đặt tên cho bốn đứa là Hoàn - Thành - Thắng - Lợi. Cháu Hoàn là kỹ sư điện, cháu Thành là bác sĩ, cháu Thắng là dược sĩ, cháu Lợi đang là sinh viên năm thứ ba đại học kinh tế. Các cháu hiện công tác và học tập ở thành phố Hồ Chí Minh. Cháu Hoàn, cháu Thành đã có nhà riêng ở nội thành. Chúng đang "hùa" nhau, mời ba má vào sống cùng với chúng! Nga tâm sự với tôi: "Nếu phải xa Bình Định để theo các cháu, em sẽ phải chịu một cái sốc rất lớn. Bình Định đã cho em gặp được ba các cháu, Bình Định đã cho em một tình yêu, đã cưu mang, che chở cho em, đã cho em sự nghiệp hôm nay. Tình cảm này sâu nặng quá thầy ơi!"
. Lương Hữu
(49-Lê Lợi- Thị xã Thái Bình) |