Nghe vị chủ hôn giới thiệu cha mẹ chú rể gồm có vợ chồng chị An anh Giàu, vợ chồng anh Thanh chị Thủy và bà Mai là dưỡng mẫu, tôi lấy làm lạ bèn quay sang hỏi một người bạn ngồi cạnh cùng bàn tiệc với tôi. Cô bạn nói rõ đầu đuôi câu chuyện như sau:
Chị An, anh Giàu là cán bộ hoạt động trong thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1965, anh Giàu bị địch bắt, mất tích trong một trận càn quét vô cùng ác liệt. Chị An được điều về tỉnh công tác, đứng chân tại địa bàn Quy Nhơn. Dù công tác bận rộn và căng thẳng, nhưng chị An không nguôi nỗi nhớ chồng. Chị rất lo cho sức khỏe và tính mạng của chồng. Đêm đêm nằm dưới công sự, chị luôn mơ thấy chồng thoát ngục trở về trong vòng tay âu yếm, trìu mến của chị và bạn bè thân thiết. Ngày tháng trôi qua chầm chậm. Nhiều nguồn tin cho chị An hay rằng anh Giàu đã bị địch sát hại. Chị An không tin, vẫn đinh ninh có ngày chồng mình sẽ trở về. Bốn năm, rồi năm năm trôi qua; chị An luôn sống trong tâm trạng khắc khoải chờ mong... Bạn bè và chiến hữu đều khẳng định anh Giàu đã hy sinh, vì từ bấy đến nay chồng chị An vẫn bặt vô âm tín trong khi những người cùng bị địch bắt như anh Giàu thì lại có tin tức... Nỗi nhớ mong chồng về của chị An dần dần cũng phôi phai.
Hoạt động trong vùng địch vô cùng gian nguy, ác liệt, thần chết luôn rình rập bên mình, trong quan hệ đồng chí cay đắng, ngọt bùi cùng chia sẻ, sống chế bên nhau, tình yêu giữa anh Thanh và chị An dần dần chớm nở... Được tổ chức đồng ý, anh Thanh và chị An làm lễ kết hôn. Năm sau, đứa con trai đầu lòng cất tiếng khóc chào đời. Đó là cháu Tuấn, chú rể trong lễ cưới hôm nay. Vì hoạt động trong vùng địch, không có điều kiện nuôi con, chị An gửi con nhờ bà Mai, một quần chúng tốt cưu mang, đùm bọc, nuôi dưỡng.
Đầu năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Đối phương lần lượt trao trả cho ta những anh chị em tù chính trị ở Côn Đảo. Anh Giàu bất ngờ trở về quê hương... Tay bắt mặt mừng chồng mà chị An cứ ngỡ là chiêm bao. Một bên là anh Giàu, mối tình đầu, một bên là anh Thanh đã có con với mình, biết tính sao đây cho trọn nghĩa vẹn tình? Chị An trăn trở, ray rứt, không thể tìm ra cách giải! Còn anh Thanh thì ngỡ ngàng, lo ngại sợ có sự hiểu lầm và xảy ra đối đầu làm mất tình nghĩa đồng hương.
Giải quyết như thế nào cho êm đẹp, không ảnh hưởng bất lợi đến tình đồng chí, tình bè bạn và công tác? Một cuộc "hiệp thương ba bên" có sự chứng kiến của cán bộ cấp trên diễn ra trên tinh thần đảng viên Cộng sản... Anh Giàu bày tỏ vui vẻ chấp nhận chị An tái giá với anh Thanh, người đã hết lòng giúp đỡ vợ mình trong công tác và cuộc sống gian khổ, ác liệt hằng ngày. Anh Thanh một mực từ chối và năn nỉ anh Giàu trở lại với chị An vì đó là mối tình đầu vô cùng đẹp đẽ và sâu nặng. Hai vai gánh nặng chữ tình, chữ nghĩa, chị An nín lặng, không nói lời nào. Cuộc hiệp thương diễn ra cởi mở, chân thành, hòa hiếu, thấu tình đạt lý. Cuối cùng, thể theo mong muốn của bạn bè, đồng chí, theo lời khuyên của lãnh đạo cấp trên, anh Giàu đồng ý trở lại với chị An, anh Thanh vui vẻ "chia tay" với người bạn đời ngắn ngủi... Sáu bàn tay nắm lấy nhau siết chặt, truyền cho nhau dòng máu nóng cảm thông và tin tưởng.
Mấy năm sau, anh Thanh được chuyển về công tác tại tỉnh Khánh Hòa, anh lấy vợ, sinh được hai con. Anh Giàu chị An cũng sinh được hai con. Còn cháu Tuấn vẫn được bà Mai tiếp tục nuôi dạy như con đẻ. Và hôm nay cháu Tuấn cưới vợ. Cả vợ chồng chị An và vợ chồng anh Thanh đều phấn khởi chung tay lo tổ chức chu đáo lễ cưới và lo cho hai con có được một mái ấm gia đình...
Kể xong, cô kết luận: "Đây là một sự hòa hợp thật cảm động và tuyệt vời, có một không hai của những tâm hồn bao dung, cao thượng và vị tha. Chuyện người thật, việc thật mà nghe như thiên tiểu thuyết về một mối tình éo le, uẩn khúc, phải không anh?"
Tôi mỉm cười, đồng ý.
HOÀI NAM
(879 Trần Hưng Đạo - TP Quy Nhơn)
|