Thứ hai, ngày 5/5/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
Cưỡng chế tàu đánh cá BĐ 4366-TS:
Đội thi hành án huyện Hoài Nhơn đã không làm theo luật
17:43', 27/3/ 2003 (GMT+7)

Tháng 2-1996, 3 chủ hộ gia đình ở Hoài Nhơn cùng góp vốn để đóng mới chiếc tàu đánh cá trị giá 40 lượng vàng. Những tưởng cuộc đời của họ theo đó sẽ được lật sang một trang mới; nào ngờ bỗng chốc trở thành… trắng tay chỉ vì sự hành xử không tuân thủ theo luật pháp hiện hành của cơ quan thi hành án (THA).

Hậu quả của việc chơi huê hụi bị đổ bể, bà Mai Thị Quyết, trú tại xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, cùng một lúc phải thi hành 6 bản án trả nợ, với tổng số tiền lên đến trên 102 triệu đồng và 68,5 chỉ vàng y. Bản án có hiệu lực, nhưng bà Quyết đã không tự nguyện THA nên Đội THA huyện Hoài Nhơn tiến hành xác minh tài sản để tổ chức THA. Kết quả xác minh, ngoài tài sản là ngôi nhà xây cấp 4B, gia đình bà Quyết còn có một tài sản đáng giá khác là chiếc tàu đánh cá BĐ 4366-TS do ông Võ Duy Tân (chồng bà) đứng tên, hiện đang thế chấp tại ngân hàng. Điều trớ trêu là chiếc tàu này lại là tài sản của 3 chủ hộ gia đình cùng góp vốn mà có, với trị giá tại thời điểm đóng mới (2-1996) là 40 lượng vàng. Trong đó, phần của hộ ông Võ Duy Hùng (em ruột của ông Tân), trú tại xã Tam Quan Nam chiếm 2/4 và hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hướng, trú tại xã Hoài Hương chiếm 1/4, trong khi phần của ông Tân chỉ 1/4. Việc thỏa thuận chung hùn vốn được xác lập bằng văn bản hẳn hoi và được chính quyền xã Tam Quan Nam thực thi. Sau đó, vì nhu cầu cần vốn, các hộ gia đình đã thống nhất đem giấy tờ sở hữu tàu thế chấp tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Tam Quan để vay 35 triệu đồng dùng vào việc mua lưới cụ hành nghề.

Trước việc cùng một lúc bà Quyết phải thi hành nhiều bản án, khả năng rủi ro trong việc thu hồi nợ của ông Tân là rất lớn, nên dù chưa đáo hạn trả nợ, Ngân hàng NN&PTNT vẫn quyết định “đi trước một bước”, phát văn bản đề nghị Đội THA huyện can thiệp để bán đấu giá tàu đánh cá mà ông Tân đang thế chấp giấy tờ nhằm để thu hồi nợ vay. Ngày 4-11-1998, Đội THA huyện Hoài Nhơn đã ra quyết định và tiến hành cưỡng chế tàu đánh cá BĐ 4366-TS. Việc cưỡng chế được tiến hành giữa lúc ông Tân cùng các hộ gia đình đang hành nghề tại cửa biển Nhật Lệ (Quảng Bình). Thế là tranh chấp nảy sinh quyết liệt, giữa một bên là Đội THA (đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật) còn một bên là 2 chủ hộ gia đình có vốn góp tự nhiên bị tai bay vạ gió, trở thành những kẻ trắng tay.

Đến đây, việc tổ chức THA các bước tiếp theo của Đội THA đã bộc lộ nhiều điều khó hiểu. Theo quy định tại Pháp lệnh thi hành án dân sự, Nghị định 69/CP ngày 16-10-1993 và Thông tư liên tịch số 981 ngày 21-9-1993 của Liên Bộ Tư pháp, TAND tối cao và Viện KSND Tối cao thì trong quá trình THA, nếu có xảy ra việc tranh chấp của người phải thi hành án với người khác, thì chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên và giao nguyên hiện trạng tài sản cho người đang giữ hoặc đang sử dụng tài sản đó bảo quản, nhưng tuyệt đối không được chuyển dịch tài sản đó; và “chỉ được bán đấu giá khi có quyết định của Tòa án xác định tài sản đó là của người phải THA”. Sau động tác cần thiết đó, chấp hành viên còn phải có trách nhiệm giải thích cho người phải THA, người được THA, người có quyền, lợi ích liên quan đến tài sản tranh chấp, về quyền được khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự. Thế nhưng, viện dẫn lý do việc chung hùn vốn của 3 người chỉ được UBND xã xác nhận là không có cơ sở pháp lý, Đội THA vẫn một mực áp dụng biện pháp cưỡng chế và di lý tàu đánh cá đang bị tranh chấp về địa phương để THA.

Mặt khác, tại mục VI, điểm 2, thuộc Thông tư liên ngành số 981 cũng quy định: “… hết thời hạn 3 tháng, kể từ ngày kê biên tài sản mà không có người khởi kiện thì tài sản bị kê biên được xử lý để THA”. Tuy nhiên, bất chấp kiến nghị của Viện KSND và quy định của Thông tư, không phải chờ đến hết thời hạn là 3 tháng mà chỉ mới 25 ngày sau đó (kể từ ngày chiếc tàu bị kê biên), Đội THA đã vội vã tổ chức bán đấu giá thành tàu đánh cá, và chung chia cho những người được THA. Tiếp sức cho việc làm không tuân thủ pháp luật của Đội THA, sau đó là Phòng THA (cơ quan chủ quản trực tiếp) bằng văn bản chỉ đạo cho Đội THA khẩn trương lập thủ tục chi trả tiền bồi thường (từ khoản tiền bán đấu giá tàu đánh cá 4366) cho những người được THA. Kế tiếp là TAND huyện, bằng động tác bác đơn khởi kiện của các đương sự bị hại, trong khi lẽ ra trách nhiệm của Tòa là phải khẩn trương thụ lý, giải quyết để việc THA được tiếp tục, bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự (được quy định tại Thông tư liên ngành và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự).

Vụ án vì thế càng trở nên phức tạp thêm, khiếu kiện tiếp tục kéo dài. Ngày 12-1-1999, trả lời thỉnh thị của Viện KSND cấp dưới về vụ tranh chấp tàu đánh cá, Viện KSND tỉnh Bình Định tiếp tục khẳng định việc làm của Đội THA và TAND huyện là trái với pháp luật hiện hành, cần phải được điều chỉnh. Ngày 25-4-2001, TAND tỉnh Bình Định đã thụ lý vụ án “hợp đồng hùn vốn” và đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận: “Chiếc tàu BĐ 4366-TS là tài sản thuộc sở hữu chung của chị Nguyễn Thị Hướng, anh Võ Duy Hùng và anh Võ Duy Tân. Trong đó, chị Hướng được sở hữu 1/4 chiếc thuyền, anh Hùng được sở hữu 2/4 và anh Tân sở hữu 1/4” . Theo đó, cũng có nghĩa là Đội THA Hoài Nhơn phải có trách nhiệm trả lại 3/4 giá trị chiếc tàu thuộc phần sở hữu của anh Hùng, chị Hướng. Án có hiệu lực, nhưng Phòng THA tỉnh đã từ chối việc tổ chức THA và hoàn trả quyết định cho TAND tỉnh, với lý do bản án không có tính khả thi!

Như vậy, cho đến thời điểm này, vụ án tranh chấp tàu đánh cá BĐ 4366-TS đã kéo dài được 4 năm 3 tháng. Hậu quả của việc kéo dài lê thê đã làm cho 2 hộ gia đình ông Hùng, bà Hướng càng lâm vào tình cảnh khó khăn: vừa không có phương tiện để làm ăn, vừa lại phải đi hầu kiện. Đến đây có thể thấy mấu chốt của vấn đề cần được làm rõ là xung quanh bản hợp đồng chung hùn vốn của 3 hộ gia đình. Cứ theo cách lý giải của Đội THA, rằng chữ ký và con dấu của UBND xã xác nhận là không có giá trị pháp lý; thì tại sao cũng chữ ký và con dấu ấy trong xác nhận khế ước vay tiền của họ lại được Đội THA thừa nhận? Vấn đề cần làm rõ thứ hai là động cơ của Đội THA vì sao lại kiên quyết bảo vệ đến cùng việc làm trái với pháp luật hiện hành, trong khi Viện KSND các cấp - cơ quan giám sát việc tuân thủ pháp luật - đã liên tục có văn bản nhắc nhở?. Ngày 27-2 vừa qua, làm việc với chúng tôi, bà Trần Thị Ba – Phó Viện trưởng Viện KSND Bình Định - bức xúc cho biết: Tới đây, Viện KSND tỉnh sẽ chính thức có văn bản kiến nghị lên Trưởng ban chỉ đạo THA tỉnh (là Chủ tịch UBND tỉnh) để có quyết định cuối cùng. Hy vọng sự nỗ lực này sẽ làm thay đổi được tình hình: công lý sẽ thuộc về ông Hùng, bà Hướng.

. Minh Trung

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Văn hóa giao tiếp nơi công sở  (26/03/2003)
Những ai được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội ?  (24/03/2003)
Nông dân cần được giúp đỡ nhiều hơn  (24/03/2003)
Một kiểu lấn chiếm  (23/03/2003)
Giã bạn  (21/03/2003)
Hãy nhìn đúng hơn về đi lao động nước ngoài  (21/03/2003)
Hai sống một chín  (20/03/2003)
Oái oăm việc ghi tên bảng hiệu đường phố  (19/03/2003)
“Cơm tù” bây giờ ra sao ?  (18/03/2003)
Có được sinh con thứ 3?  (17/03/2003)
Cần gọi và viết đúng tên Ngô Thì Nhậm  (17/03/2003)
Cần gọi và viết đúng tên Ngô Thì Nhậm  (17/03/2003)
Không nên để những ngôi mộ trong khu vực dân cư  (16/03/2003)
Kẽ hở cần khắc phục  (16/03/2003)
Tên làng tên xóm  (14/03/2003)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn