Góp thêm ý kiến về việc đặt tên đường phố ở Quy Nhơn
16:11', 1/5/ 2003 (GMT+7)
Một thành phố – đô thị loại 2 như Quy Nhơn thì tên đường phố là vấn đề quan trọng, bởi vì ngoài việc phục vụ lợi ích công cộng về giao thông, đi lại..., tên đường phố còn thể hiện bản sắc văn hóa, bề dày lịch sử... theo những tiêu chí thống nhất.
Thông thường tên đường phố được cấu thành từ ba bộ phận là danh nhân, bao gồm cả niên hiệu, triều đại như Hàm Nghi, Duy Tân, Tây Sơn...; địa danh như Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên Phủ...; và sự kiện lịch sử (31 tháng 3...) của địa phương, của cả nước, từ xưa đến nay. Trong đó tên các danh nhân luôn chiếm tỉ lệ lớn so với các cách đặt tên khác. Việc lấy tên các danh nhân đặt cho đường phố, thông thường cũng theo một trật tự thống nhất: đường phố lớn hay nhỏ được đặt tên tương ứng với tầm cỡ của danh nhân đó trong lịch sử – tất nhiên sự tương ứng ở đây chỉ ở mức tương đối.
Việc đặt tên đường phố ở Quy Nhơn hiện nay đã được các cơ quan chức năng nghiên cứu khá kỹ. Tuy nhiên, theo chúng tôi, có một vài điểm cần bàn thêm.
Theo Lịch sử thành phố Quy Nhơn, một đề tài khoa học cấp tỉnh do Tiến sĩ Nguyễn Tấn Hiểu làm chủ nhiệm, Phó giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Bang chủ biên, xuất bản năm 1998, thì trong thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII, các Chúa Nguyễn có công lớn trong việc khai sáng vùng đất tỉnh Bình Định hiện nay. Nhưng, hình ảnh các vị khai sáng vùng đất - các Chúa Nguyễn - trên đường phố Quy Nhơn gần như không có. Đặc biệt, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, người từ năm 1602 đã lấy tên Quy Nhơn để đặt cho vùng đất này, rất xứng đáng được mang tên một đường phố lớn. (Hiện nay theo chúng tôi biết, thành phố Quy Nhơn chưa có tên đường Nguyễn Hoàng, hoặc đã có nhưng đường phố quá bé không ai chú ý đến chăng?)
Việc lấy tên danh nhân đặt cho đường phố cũng cần chú trọng viết đúng tên danh nhân. Vừa qua, trên báo Bình Định, nhà báo Viết Hiền có phát hiện 3 đường phố viết sai tên danh nhân nhưng đến nay vẫn chưa được sửa. Đó là đường Ngô Thời Nhiệm (viết đúng là Ngô Thì Nhậm), Vũ Bão (viết đúng là Vũ Bảo), Lê Duẫn (viết đúng là Lê Duẩn). Đừng xem đây là chuyện nhỏ, bởi tên của danh nhân đã trở thành một phần của lịch sử. Chúng tôi muốn nói thêm về tên đường “Lê Duẫn” để thấy sự cẩu thả khi viết tên danh nhân. Chúng ta đều biết đồng chí Lê Duẩn là Bí thư thứ nhất rồi Tổng Bí thư của Đảng trong một thời gian dài, từ tháng 9-1960 đến khi từ trần năm 1986. Đồng chí sinh năm 1907 tại Quảng Trị, tên khai sinh là Lê Văn Nhuận. Trong quá trình hoạt động cách mạng, khoảng năm 1929 đồng chí tự đổi tên là Lê Duẩn. Từ đó đến nay, các văn kiện của Đảng, lịch sử Đảng đều viết là Lê Duẩn. Lúc sinh thời, khi đồng chí tự viết (bản tự khai lý lịch 7-1960 hiện lưu trữ tại Cục lưu trữ Trung ương Đảng) và trên các tác phẩm đã in của mình, đồng chí đều viết là Lê Duẩn. Vậy thì hà cớ sao tên đường lại viết Lê Duẫn?
Các tiêu chí đặt tên đường phố cũng cần phải đảm bảo đạt giá trị thống nhất, không gây hoài nghi hoặc tranh cãi. Thí dụ tên đường Chàng Lía mới đây được đặt cho một con đường dài khoảng 300 mét, rộng 10 mét ở khu dân cư Trại Gà thuộc phường Ghềnh Ráng. Nhân dân ở khu vực này, kể cả các cụ cao niên đều băn khoăn tự hỏi: Chàng Lía là nhân vật lịch sử có thật hay truyền thuyết dân gian? Đọc trong Nước non BìnhĐịnh của Quách Tấn (NXB Nam Cường, Sài Gòn, 1967) thì Chàng Lía không rõ tên họ, là một “hiệp sĩ áo vải”, sống vào thời Chúa Nguyễn (không rõ chúa nào), cha người huyện Phù Ly, mẹ người huyện Tuy Viễn. Gốc gác Chàng Lía chỉ mấy dòng mơ hồ như thế, còn công tích thì nặng chất truyền thuyết. Còn theo cuốn Lịch sử Đoàn TNCSHồ Chí Minh và phong trào thanh niên Bình Định (1930 – 1975), không biết dẫn cứ liệu từ đâu đã khẳng định Chàng Lía có tên thật là Võ Văn Đoan, và cuộc khởi nghĩa của Chàng Lía là “khúc dạo đầu của phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII…”. Vẫn biết là trong dân gian có truyền tụng: Chiều chiều én liệng Truông Mây/ Cảm thương chú Lía bị vây trong thành; nhưng nếu Chàng Lía là một nhân vật lịch sử – một danh nhân thì cần phải làm rõ thân thế, sự nghiệp với những căn cứ sử liệu xác thực trước khi lấy tên Chàng Lía đặt tên đường. Còn nếu Chàng Lía chỉ là một truyền thuyết dân gian thì không nên lấy đặt tên cho đường phố.