Chủ Nhật, ngày 4/5/2025

Trang chủ
Tin tức - Sự kiện
Chính trị - Xã hội
Kinh tế - Phát triển
Văn hóa - Thể thao
An ninh - Trật tự
Phỏng vấn - Đối thoại
Bình Định nguyệt san
Trong nước - Thế giới
Về miền đất võ
Người B.Định hôm nay
Ẩm thực xứ dừa
Văn học nghệ thuật
Dành cho bạn trẻ
Sức khỏe - Đời sống
Năm khỉ, luận về… bắt chước
17:10', 27/1/ 2004 (GMT+7)

Nói đến Khỉ, người ta thường nghỉ ngay đến cái tài bắt chước cừ khôi của loài vật gần giống nhất với Con Người này. Khỉ bắt chước rất tài, rất giỏi, tài giỏi đến độ trong Pháp ngữ có từ "Singe" (con khỉ) đã tạo nên một động từ "Singer" có nghĩa là bắt chước, là làm như khỉ. Với loài Khỉ, đặc tính bắt chước có thể được cho là một thứ tài năng bẩm sinh thiên phú, nhưng khi đặc tính bắt chước này chạy sang Con Người thì nó có thể sẽ trở thành một tính xấu tồi, thường bị mang ra để đàm tiếu dè bỉu. Bắt chước có đúng hoàn toàn là một tính xấu, tính tồi của Con Người hay không?

Trong dịp ngày Báo chí Việt Nam 21-6 năm rồi, trên một tờ báo tôi có đọc được bài viết của một tác giả về "căn bệnh bắt chước trên báo chí". Tác giả đã dẫn chứng "căn bệnh bắt chước" này bằng những cái tít báo (tiêu đề) nhái dựa vào các khuôn mẫu có sẵn của những người cầm bút đi trước, như: "Có một… như thế!", "Thổi hồn vào…", hay những cách sử dụng từ "tặc" (thủy tặc, bê-tông tặc, đinh tặc…), từ "hóa" ( bê-tông hóa, ngói hóa, nhựa hóa…) một cách rất tùy tiện trên báo chí nước nhà. Tôi rất tâm đắc với bài viết này về những cái dở của tính bắt chước, cũng như rất đồng tình về lập luận "bắt chước không phải hoàn toàn là xấu".

Bắt chước cái hay-lạ-đẹp của người khác, để sau đó phát triển thành một cái hay-lạ-đẹp hoàn toàn mới mẻ của riêng mình thì cũng nên được động viên khuyến khích. Bao thế hệ đời sau của chúng ta không phải đều đã từng bắt chước các đời trước, bắt chước các bậc tiền bối những tinh hoa tinh túy trong các lĩnh vực đời sống đó sao? Lấy cái hay cái đẹp của tiền bối cha ông làm nền tảng, làm cốt tủy, để phát huy phát triển bằng sự sáng tạo đầy trí tuệ của mình thành một cái mới hơn, hay hơn, đẹp hơn, hoàn chỉnh hoàn thiện hơn, nhưng cái gốc - nền tảng và cốt tủy - thì vẫn luôn được gìn giữ tôn vinh là điều mà tất cả chúng ta cần làm, và nên làm. Đó cũng là bắt chước, nhưng là bắt chước có sáng tạo, có động não, có vắt chất xám, có mồ hôi, nước mắt và cả máu bằng cái Tâm đoan chính và trong sáng. Sự học hỏi, học hành cũng đều bắt nguồn từ bắt chước; bao phát minh sáng chế cũng có bắt chước, ai dám cho đó là xấu xa tội lỗi để đàm tiếu khinh khi? Bắt chước không phải là ăn cắp, ăn trộm. Nhưng bắt chước cũng có thể là ăn trộm, ăn cắp, thậm chí còn trở thành … ăn cướp trắng trợn!

Loài khỉ bắt chước thường bằng cái tâm vô tư. Nhiều khi chúng bắt chước mà không biết là mình bắt chước. Còn người ta bắt chước một điều gì đó, thì thường là đã có chủ tâm chủ ý, có mục đích, có toan tính mưu mô, có nghĩ đến tiện lợi lẫn quyền lợi cho riêng mình, biết mình đang bắt chước người khác mà vẫn bắt chước cho tới nơi tới bến… Một người cố tâm cố ý bắt chước một người khác điều gì đó, xong được rồi thì hả hê thích thú đến độ quên bẳng luôn cái gốc nền tảng - cốt tủy của người khác, lại còn đinh ninh "chắc cú" là thứ sản phẩm mới ra lò từ trò bắt chước của mình là chính của riêng mình sáng tạo ra. Gặp ai cũng khoe "của tôi" và "của tôi", khẳng định như vậy với niềm tự hào, thì khác nào người đó đã làm… trò khỉ. Bắt chước như vậy thì đúng là tính xấu, tính tồi rồi, rất đáng chê trách. Còn bắt chước một cách vô tư ngây ngô thì chỉ tội nghiệp thôi. Bắt chước cũng có nhiều loại, tùy theo mức độ có chủ tâm chủ ý, có mưu lợi riêng tư hay không mà người bắt chước có thể trở thành kẻ ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, hay …"đại đạo tặc".

Thử nhảy qua ngành giáo dục, chốn học đường, giảng đường… Như đã nói ở phần đầu bài: học hỏi học hành cũng là bắt chước, không có gì phải xấu hổ áy náy cả! Nhưng một khi học trò làm bài tập làm văn, mà cùng nhau học thuộc lòng rồi bắt chước viết ra giấy y chang không sót một chữ các bài văn mẫu thì thật là… bắt chước tệ hại! Chắc chắn không có vị thầy nào muốn các học trò dễ thương của mình làm… trò khỉ, nhưng thực tế cho thấy đã có những bài tập làm văn của học sinh tả "ông em có thân hình dài tám thước, chiếc bụng có diện tích hai mét vuông", hoặc "đôi mắt mẹ em lồi, cái miệng dài như miệng cá hố"… Đọc được những "tuyệt tác văn chương" này hẳn ai cũng phải phì cười, cười chảy cả nước mắt nhưng lòng lại xót xa như bị xát muối. Lại có kiểu bắt chước làm luận án tốt nghiệp của sinh viên đại học, hay luận án tiến sĩ của những người đang mơ tưởng đến chức danh học vị cao cả, đua nhau bắt chước những luận án của người khác đã mày mò công phu khổ nhọc viết sẵn. Rốt cuộc thì có những luận án giống nhau y khuôn, không một chút gì gọi là sáng tạo phát kiến, và vậy là đời có thêm những ông những bà… tiến sĩ giấy xuất xưởng ra lò.

Gần đây, lại có kiểu bắt chước in ấn "sách tham khảo", vị này bắt chước vị kia, nhà xuất bản kia bắt chước nhà xuất bản nọ, đua nhau cho phát hành những cuốn sách "hao hao giống nhau" khiến học trò sĩ tử phải chìm ngập giữa rừng chữ nghĩa ngôn từ, không biết đâu là sách thật sách giả, đâu là sách nguyên bản hay phiên bản, và đâu là sách nên mua hay không nên mua!

Qua lĩnh vực âm nhạc cũng thấy bắt chước. Thời buổi bùng nổ "nhạc trẻ, nhạc vàng", người ta phải ái ngại khi thấy nhạc sĩ ở đâu mà mọc lên như nấm, đua nhau sáng tác những nhạc phẩm mà khi nghe phớt qua lần đầu đã nhận ra "A…người quen cũ!". Nhạc "lai" nhạc ngoại, "lai" những nhạc phẩm cũ, chỉ có ca từ là mới mẻ nhưng quá dễ dãi và ngây ngô đến phì cười. Lại còn kiểu bắt chước tai hại: sao chép lậu băng đĩa nữa!

Buồn cười nhất là trong lĩnh vực ăn mặc thời trang, sự bắt chước lây lan một cách mạnh bạo, gây nên muôn trò khỉ khiến cho lắm người chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán. Áo hai dây, quần đáy ngắn … thời gian qua đang là mốt được ưa chuộng rầm rầm rộ rộ nhất. Thấy người ta mặc, mình cũng bắt chước mặc, mặc cho ra con người sành điệu chịu chơi. Đám con gái mới lớn thì bắt chước các "ngôi sao thần tượng" chơi... "mát trời ông địa".

Bắt chước còn có thiên hình vạn trạng. Nhân năm Giáp Thân cầm tinh con khỉ chỉ xin lạm bàn đại khái, với mong muốn những ai đã từng giỏi tài bắt chước hãy tự nhìn ngắm mình vào gương soi để quán xét bản thân, tìm cho ra Cái-Đẹp-Chân-Chính mà gìn giữ phát huy, và đừng quên dẹp bỏ ngay cái Xấu kẻo mà có ngày hóa … khỉ.

MÃN ĐƯỜNG HỒNG

(Nha Trang)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhớ cốm  (26/01/2004)
Những người làm đẹp đường phố  (21/01/2004)
Những "cuốc" xe ngày Tết  (20/01/2004)
Những đề xuất xây dựng môi trường kinh tế năng động có khả năng cạnh tranh cao ở Bình Định  (18/01/2004)
Vì sao thanh niên nông thôn khó vào Đảng?   (15/01/2004)
Lời khẩn cầu của những người bán hoa xuân  (14/01/2004)
Vui buồn chuyện "lì xì" ngày Tết  (13/01/2004)
Hương ước và Quy ước Làng văn hóa  (12/01/2004)
Tháp Dương Long bỏ hoang?  (11/01/2004)
Để thực hiện tốt hơn nữa Quy chế dân chủ cơ sở ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp  (09/01/2004)
Tản mạn về con khỉ năm Giáp Thân   (08/01/2004)
Nhìn lại một năm thực hiện đề án mở rộng ủy nhiệm thu cho UBND xã   (07/01/2004)
Đừng biến mỹ tục đi tết thành "họa tục" hối lộ!  (06/01/2004)
Hãy trả lại công viên thiếu nhi cho thiếu nhi   (05/01/2004)
Tuyên truyền: Cần chú trọng phương pháp   (04/01/2004)

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, nguyệt san và Bình Định điện tử

  Bản quyền ©2003 thuộc về Báo Bình Định   @   Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP. Quy Nhơn, ĐT: 056.813573 - 821867

            http://www.baobinhdinh.com.vn                                                   Email: tsbbd@dng.vnn.vn