Trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay, đạo đức của người cán bộ, đảng viên phải được coi trọng, là "cái gốc" của sự nghiệp cách mạng như Bác Hồ đã từng nói. Thực tế trong những năm qua, tình trạng xuống cấp, thoái hóa, biến chất về đạo đức của cán bộ, đảng viên có xu hướng ngày càng tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng và chính quyền các cấp.
Nền kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ tới đời sống riêng của mỗi người và của toàn xã hội. Một trong những đặc trưng của thị trường là cạnh tranh, là tính toán được, thua, lỗ, lãi; nó tác động không nhỏ đến lối sống, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Vậy làm thế nào để vừa phát triển kinh tế thị trường, vừa giữ gìn được phẩm chất, đạo đức, lối sống lành mạnh?
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã khẳng định: "Gương mẫu là một nội dung, một phương thức trọng yếu trong công việc lãnh đạo của Đảng". Người cán bộ, đảng viên ngoài việc phấn đấu để có tài năng, trí tuệ còn phải trau dồi đạo đức cách mạng, đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước, của toàn dân lên trên hết, trước hết. Làm giàu chính đáng cho mình và làm giàu cho đất nước là đạo đức cách mạng, ngược lại, làm giàu bất chính, chỉ vì lợi ích cá nhân là phi đạo đức, cần phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ.
Chúng ta coi việc phát triển kinh tế thị trường là một phương tiện cần thiết để xây dựng, phát triển đất nước. Cho nên, cần khuyến khích làm giàu chính đáng, đồng thời thực hiện công bằng xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu-nghèo. Đây là những nội dung cơ bản nói lên đạo đức XHCN trong phát triển kinh tế thị trường. Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội và là thử thách lớn đối với mọi người, trước hết là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.
. Nguyễn Văn
(Phường Nguyễn Văn Cừ - Quy Nhơn) |