Trước mỗi kỳ họp Quốc hội và HĐND các cấp thì các vị đại biểu đều tiếp xúc cử tri để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, các góp ý xây dựng Nhà nước, chính quyền. Nhưng nhìn chung những cuộc tiếp xúc cử tri vừa qua mới dừng lại ở khâu nghe dân nói, nhận lời của dân, chưa gắn kết giải thích, trả lời cho dân hiểu, dân thông những vấn đề bức xúc mà nhân dân đặt ra; chưa trả lời kết quả việc tiếp thu, việc đã hứa giải quyết những ý kiến, kiến nghị của dân tại các buổi tiếp xúc kỳ trước.
Những cuộc tiếp xúc như vậy còn mang nặng tính hình thức nên hiệu quả còn hạn chế. Do vậy, cần có sự đổi mới cả hình thức, nội dung tiếp xúc cử tri. Cụ thể là:
- Cần xây dựng quy chế phối hợp việc tổ chức tiếp xúc cử tri giữa Mặt trận, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu HĐND, chính quyền cấp huyện và cơ sở nơi tiếp xúc cử tri, đưa công tác tổ chức tiếp xúc cử tri đi vào nề nếp với những nội dung phong phú, thiết thực.
- Nếu tổ chức với hình thức là tiếp xúc với đại diện cử tri thì người đại diện cử tri phải có trách nhiệm tập hợp tình hình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân để khi đi tiếp xúc đề đạt các ý kiến đảm bảo tính khách quan, sát thực tế những vấn đề liên quan đến đời sống của dân; liên quan đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở địa phương.
- Theo quy chế phối hợp cần có sự phân công trách nhiệm trong việc khảo sát tập hợp những ý kiến, kiến nghị của dân dự đoán sẽ thể hiện tại buổi tiếp xúc để có sự thống nhất trước với cấp có thẩm quyền, ngành có thẩm quyền về định hướng giải thích, giải quyết để khi tiếp xúc kết hợp giải thích, giải quyết. Có thể mời cấp có thẩm quyền, ngành có thẩm quyền dự buổi tiếp xúc và có trách nhiệm giải thích, trả lời, giải quyết, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở địa phương.
- Phải bố trí đủ thời gian để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân và có thời gian để đại biểu giải thích, trả lời, báo cáo kết quả giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ tiếp trước, mà đại biểu đã nhận lời và hứa.
. Hoàng Công Lý
|