Những năm qua, việc công khai mở phiên tòa xét xử các đối tượng vi phạm pháp luật, đem lại sự công bằng xã hội, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhưng dư luận cũng không mấy mặn mà với những vụ án kéo dài nhiều năm bởi những phán quyết không đồng thuận của các cấp xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm).
|
Một phiên tòa xét xử lưu động ở thành phố Quy Nhơn |
Vụ kiện đòi nợ phát sinh từ hợp đồng mua bán gỗ giữa nguyên đơn Sở Thương mại-Du lịch Bình Định và bị đơn ông Ngô Văn Luyến là một điển hình. Vụ án kéo dài 9 năm, qua 4 lần xử sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm trở lại và phán quyết cuối cùng vẫn không được dư luận tâm phục, khẩu phục. Ông Võ Quang Tạo với tư cách đại diện nguyên đơn tham dự các phiên tòa đã viết báo cáo có đoạn: "Sau 9 năm xét xử của Tòa án, một chu kỳ được lập đi, lập lại nhiều lần, đó là án sơ thẩm tuyên, bị đơn kháng cáo, án phúc thẩm hủy án sơ thẩm cứ thế mà không có biện pháp hữu hiệu nào tháo gỡ. Thời gian kéo dài, công nợ vẫn chưa thu hồi được, còn số gỗ tồn hơn 100m3 (trị giá bằng 100 triệu đồng lúc bấy giờ) để tòa đối chiếu xem xét thì mất sạch! Số gỗ đã mất, ai là người chịu trách nhiệm? Ai đứng ra xử và xử ai việc này?".
Vụ án tranh chấp dân sự về nhà đất giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn Tranh, bị đơn ông Trần Văn Lư đồng ở thành phố Quy Nhơn kéo dài hơn 10 năm, qua 2 lần xử sơ thẩm và phúc thẩm đều bị giám đốc thẩm hủy án giao xét xử lại. Quyết định giao xét xử lại từ năm 2003 đến nay hơn 1 năm vẫn chưa đưa ra xét xử được vì Tòa án tỉnh thiếu thẩm phán có đủ điều kiện để xét xử vụ án này. Vụ án tranh chấp đất đìa giữa nguyên đơn ông Hồ Tri Kiên, bị đơn bà Nguyễn Thị Lưới kéo dài 4 năm; án sơ thẩm, phúc thẩm tuyên, giám đốc thẩm hủy đến nay chưa có hồi kết, và vụ kiện dân sự tranh chấp quyền sở hữu giữa nguyên đơn ông Nguyễn Thượng Hiền, bị đơn ông Nguyễn An Ninh đều ở thành phố Quy Nhơn, án sơ thẩm tuyên, án phúc thẩm hủy giao xét xử lại bởi một lý do quá sơ đẳng là án sơ thẩm chưa điều tra hội tụ đầy đủ cơ sở pháp lý…
Thẩm phán là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật dựa trên những tiêu chí "… có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có trình độ cử nhân luật và đã được đào tạo về nghiệp vụ xét xử …" để làm nhiệm vụ xét xử. Như vậy, khi chắt lọc bổ nhiệm thẩm phán thì thẩm phán đã có thừa những điều kiện về tri thức, năng lực và đạo đức phẩm chất. Ấy vậy mà, nhiều phán quyết của Tòa án, trực tiếp là các thẩm phán chủ tọa các phiên tòa đã không đồng thuận cả nội dung và hình phạt, buộc phải xem đi, xem lại nhiều lần gây lãng phí, tốn kém tiền của của Nhà nước và rất phiền hà với nhân dân. Đó là điều đáng để cho chúng ta suy nghĩ trong mối quan hệ giữa đạo đức, năng lực và pháp luật.
Một thẩm phán nào đó khi khoác áo quan tòa vì mục đích cao cả cho sự công bằng và hạnh phúc của con người mà quyết định công minh, đúng người, đúng tội, đúng luật được dư luận đồng tình "tâm phục, khẩu phục" thì có tác dụng sâu sắc vào đời sống tình cảm, khơi dậy ở con người những suy nghĩ tốt đẹp phải "sống lao động, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật". Ngược lại, vì một áp lực nào đó, quyết định không phù hợp, thì đó sẽ là điều bất hạnh, là nguy cơ làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; là sự tổn hại không đáng có trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.
Thực tiễn từ những kết quả xét xử một số vụ án nêu trên trong nhiều vụ án tương tự cho thấy công tác xét xử của các thẩm phán có vấn đề, cần phải được xem xét về trách nhiệm để không ngừng củng cố năng lực hành vi về xét xử của các thẩm phán, góp phần củng cố hệ thống pháp luật xã hội xã hội chủ nghĩa của nước ta.
. Hoàng Công Lý
|